(Tổ Quốc) - Quá trình gia nhập EU của các nước Tây Balkan đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trang Bloomberg đánh giá, gần như "kiệt sức" sau cuộc họp thượng đỉnh kéo dài nhất trong lịch sử làm lộ rõ những khó khăn nội bộ khi phải đưa ra các quyết định quan trọng, giờ đây các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) còn gửi đi những tín hiệu không thống nhất tới các nước tây Balkan đang tìm kiếm cơ hội gia nhập khối.
Trong cuộc họp thường niên với hầu hết các nước từng thuộc Liên bang Nam Tư, thành viên đông Âu lớn nhất của EU là Ba Lan đem tới niềm hy vọng khi tuyên bố rằng, tất cả họ sẽ sớm nằm dưới một mái nhà chung. Tuy nhiên, động cơ cho sự gia nhập lại bị làm lu mờ vào hôm thứ hai (1/7) với lời khẳng định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: sẽ không có mở rộng khối trước khi các cải cách "sâu sắc" được thống nhất.
Hội nghị thượng đỉnh vùng Tây Balkan vừa diễn ra tại Ba Lan từ ngày 4-5/7 (ảnh: getty)
Trong những nỗ lực để tìm kiếm tiếng nói chung giữa hai phía, hôm thứ sáu (5/7), Thủ tướng Đức Angela Merkel chia sẻ với báo giới, lập trường của Pháp không phải là phản đối các cuộc đàm phán gia nhập của các nước Balkan. Cùng lúc, nhà lãnh đạo Đức cũng đồng tình với ông Macron ở điểm, tiến trình gia nhập có thể được cải thiện thêm.
"Tôi không nhận thấy bất kỳ mâu thuẫn nào", bà Merkel phát biểu trong một cuộc họp báo tại thành phố Ba Lan Poznan – nằm giữa Berlin và Warsaw. "Chúng tôi không có được nhiều tiến triển như mong đợi nhưng Pháp đã nói trong những tuần và ngày gần đây là, họ lên kế hoạch củng cố mối quan hệ với các nước Tây Balkan và tôi cho rằng đó là một điều rất tốt".
Albania, Serbia, Kosovo, Bắc Macedonia, Montenegro và Bosnia-Herzegovina từ lâu đã bày tỏ sự không hài lòng với tốc độ chậm chạp của quá trình thủ tục gia nhập EU, đặc biệt khi phần lớn trong số họ đều phải thực hiện các cuộc "đại tu" đầy khó khăn để được trở thành một thành viên của khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.
"Tư cách thành viên EU từng là một yếu tố kích thích cho những cải cách của Ba Lan và chúng tôi muốn khía cạnh đó được áp dụng tại các nước Tây Balkan", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói. "Không phải tất cả mọi người đều chia sẻ tầm nhìn này và tôi cảm thấy buồn trước những quyết định của các nhà lãnh đạo châu Âu trì hoãn quá trình gia nhập".
Các thành viên không thực hiện được các cam kết của mình sẽ làm tổn hại tới mức độ tín nhiệm của EU, đồng thời góp phần đẩy khu vực vào tay của Nga và Trung Quốc, với những mối quan hệ 'ăn theo'.
Johannes Hahn
Trào lưu chính trị đang đi ngược lại với khả năng công nhận tư cách thành viên một cách nhanh chóng cho bất kỳ quốc gia nào. Khuyến nghị của các nhà điều hành EU hồi tháng năm là tăng tốc bắt đầu đàm phán gia nhập với hai nước Albania và Bắc Macedonia – đã bị các quốc gia thành viên phản đối.
Trong tuần này, Cao ủy phụ trách vấn đề mở rộng khối Johannes Hahn cảnh báo, "các thành viên không thực hiện được các cam kết của mình sẽ làm tổn hại tới mức độ tín nhiệm của EU, đồng thời góp phần đẩy khu vực vào tay của Nga và Trung Quốc với những mối quan hệ 'ăn theo'".
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev, viễn cảnh không thể bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập trong vòng vài tháng tới có thể sẽ làm yếu đi sự ủng hộ cho các lực lượng thân EU, bao gồm cả chính phủ của ông. Đồng thời, đó cũng sẽ là cơ hội để các đảng phái dân túy và cánh hữu gia tăng ảnh hưởng.
Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic cũng bày tỏ sự thất vọng vào hôm thứ năm (4/7) bằng cách công khai đặt ra câu hỏi về "mục đích của các cuộc họp, đặc biệt sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố không có dự định thảo luận vấn đề mở rộng khối". Mặc dù vậy, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic thể hiện một cái nhìn lạc quan hơn với lời phát biểu hôm thứ sáu (5/7), trong đó, kêu gọi dỡ bỏ các rào cản thương mại khu vực là một phần của quá trình chuẩn bị gia nhập liên minh thương mại quy mô nhất toàn cầu.
Bên cạnh đó, Bloomberg cũng chỉ ra, quyết định đề cử ông Josep Borrell là người phụ trách chính sách đối ngoại của EU trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ đem tới thêm nhiều thách thức khác. Ngoại trưởng Tây Ban Nha là nhân vật phản đối "đáng gờm" đối với các phong trào li khai. Thậm chí, đất nước của ông còn không công nhận nền độc lập của Kosovo – lãnh thổ đơn phương tách ra từ Serbia một thập kỷ trước và giờ đây cũng đang thể hiện mong muốn trở thành thành viên EU.
Kosovo tỏ ra bị tụt lại phía sau so với các nước đông Âu trong các nỗ lực hòa nhập với EU cũng như tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân chính là tình trạng chiến tranh liên miên sau khi Liên bang Nam tư tan rã vào đầu những năm 1990.
"Việc 18 triệu người dân Balkan nằm ngoài không gian châu Âu là điều không thể xảy ra", Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic nhấn mạnh. "Ngày hôm nay, rõ ràng tầm nhìn mở rộng của EU đang tồn tại và chúng ta nên tiếp tục thực hiện các bổn phận của mình" để trở thành thành viên EU.