(Tổ Quốc) - Nhiều nguy cơ địa-chính trị/kinh tế tiếp tục tác động đời sống thế giới.
- 03.01.2018 Nga- Trung mở cửa đột phá 2018
Kinh tế thế giới bước vào năm 2018 với những tin tức tốt lành, đạt tới trạng thái phát triển cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008 làm rung chuyển tận cốt lõi các cấu trúc tài chính toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo mức tăng trưởng toàn cầu là 3,5%, cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Đồng thời, nhiều nguy cơ địa-chính trị/kinh tế tiếp tục ám ảnh đời sống thế giới, như xung đột trên bán đảo Triều Tiên, những chiến trường khắc nghiệt ở Trung Đông, mối đe dọa chiến tranh thương mại, lo ngại về nợ công của Trung Quốc…
Thế giới đã chứng kiến một năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump, với một số đặc thù. Không ít hành động của chính quyền Trump tạo ra những tác động thoáng qua, nhưng nhiều biện pháp xuất phát từ động cơ sâu xa và tác động lâu dài. Mỹ vẫn là một tác nhân quan trọng của bàn cờ thế giới mà bất kỳ dự báo nào về tình hình thế giới năm 2018 đều phải tính đến.
Trung Quốc bước vào giai đoạn chuyển tiếp về kinh tế và chính trị. Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố vững chắc quyền lực và đề ra tầm nhìn dài hạn, bao gồm tái phân phối của cải xã hội, “xóa nghèo” một cách căn bản vào năm 2020; quan hệ kinh tế, xã hội bình đẳng hơn; bộ máy Đảng, nhà nước, quân đội mạnh hơn; xây dựng quyền lực đất nước tương xứng với sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nợ công, nhân khẩu học với dân số đang già hóa, ô nhiễm môi trường sinh thái, sự bất bình của các đối tác kinh tế lớn gia tăng trước các biện pháp bảo hộ kinh tế và hạn chế mở cửa thị trường Trung Quốc là những thách thức đáng kể đối với nước này.
Trung Quốc điều chỉnh cơ cấu kinh tế. |
Chính quyền Trump sẽ ráo riết xúc tiến chương trình khắc phục thâm hụt cán cân thương mại nhằm vào Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tình trạng dư thừa thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng nằm trong các mối quan tâm song phương của Mỹ.
Trong khi Quốc hội Mỹ cản trở Tổng thống Trump làm đổ vỡ Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) trong năm bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, thì Trung Quốc nằm trong tiêu điểm của chương trình thương mại không khoan nhượng của Mỹ, và mọi hành động cứng rắn nhằm vào Trung Quốc lại nhận được sự ủng hộ của các giới ở Mỹ. Trung Quốc sẽ kiện cáo Mỹ và Tây Âu lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt thương mại và đầu tư trong hoặc ngoài khuôn khổ của WTO, nhưng cả hai nước đều không để nổ ra chiến tranh thương mại.
Quan hệ Mỹ-Trung đã kết thúc thời kỳ Trung Quốc “đi ké xe” kinh tế của Mỹ, bước vào thời kỳ “đối thủ cạnh tranh” với không ít bất ổn.
Việc Mỹ xem Nga cùng với Trung Quốc là các đối thủ cạnh tranh chiến lược và “quốc gia xét lại” đã đóng cánh cửa hẹp đối với bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ, ít nhất trong một hai năm tới. Nga sẽ phải chịu đựng các biện pháp cấm vận kinh tế thêm một năm nữa. Sự liên kết ngày càng tăng cường giữa Trung Quốc và Nga sẽ tạo ra các thách thức chiến lược đối với Mỹ tại nhiều khu vực và vấn đề toàn cầu. Điều này thúc đẩy Mỹ tăng cường củng cố các quan hệ đồng minh và đối tác ở khu vực Á-Âu.
Biển Đông 2018
Năm 2017, cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề thương mại với Trung Quốc đã khiến chính quyền Trump không thể tập trung đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng đã tiến hành 5 đợt tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP).
Mỹ tăng cường hiện diện hải quân tại Đông Á. |
Sang năm 2018 và những năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố quyền kiểm soát trên thực địa, tăng cường tuần tra giám sát Biển Đông, đẩy hải quân Mỹ ra khỏi Biển Đông , ngăn chặn Mỹ, Nhật Bản và các nước lớn khác can dự vào Biển Đông, ngăn chặn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và thông qua ngoại giao để củng cố nguyên trạng mới ở vùng biển này.
Mục tiêu của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc, chống lại “sự đã rồi” ở Biển Đông, không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm tại vùng biển này. Mỹ đang tìm kiếm một cách tiếp cận mới đa phương và song phương phù hợp với thực tế tình hình mới. Dường như Mỹ muốn đặt Biển Đông vào khuôn khổ của một chiến lược rộng lơn hơn kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đồng thời, như Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 của chính quyền Trump nêu rõ: Mỹ “tăng cường mối quan hệ đối tác với Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và các nước khác để giúp các quốc gia này trở thành đối tác trên lĩnh vực hợp tác hàng hải”.
Tình hình và cục diện khu vực châu Á tạo ra không ít thời cơ để Việt Nam tăng cường môi trường an ninh và phát triển. Thách thức chính vẫn là, làm sao đổi các tài sản chiến lược ấy thành “tiền lẻ”./.