• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

'Bàn nóng EU' trước thời điểm quan trọng về khí đốt

Thế giới 19/10/2022 10:27

(Tổ Quốc) - Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong tuần này để tìm cách đảm bảo giá năng lượng giảm và nguồn cung thiếu hụt không khiến nền kinh tế của khối khó khăn thêm, theo AP.

Trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào thứ Năm, Ủy ban Châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, vào thứ Ba đã đề xuất một kế hoạch chi tiết để điều hòa khoảng cách giữa một bên là những người muốn áp đặt mức giá trần với khí đốt để ổn định mức giá và bên kia là những người muốn giữ chặt nguồn cung họ đang có – điều có thể khiến nhiều doanh nghiệp và các ngành công nghiệp của các thành viên khác gặp khó khăn hơn nữa vì thiếu năng lượng.

Sau đó, vào cuối tuần, các nhà lãnh đạo EU sẽ tìm kiếm một thỏa hiệp sau hai ngày đàm phán, dù có thể rất khó khăn.

Không thể chần chừ

Chủ tịch Hội đồng châu Âu kiêm người chủ trì hội nghị thượng đỉnh Charles Michel đã nói với 27 nhà lãnh đạo trong thư mời rằng có ba vấn đề giải quyết: giảm bớt đi nhu cầu sử dụng, đảm bảo an ninh nguồn cung và kiềm chế giá cả.

804967bf3ddbc0f236ddb85a0d38bb27.jpg

Các nhà lãnh đạo EU cần tìm ra giải pháp thống nhất trong tuần này để chuẩn bị cho kế hoạch khí đốt mùa đông năm nay. Ảnh: AP.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng nói rằng châu Âu đang đối mặt với một tuần để thẳng thắn thật sự với nhau.

Không mất nhiều thời gian để các nước thành viên EU nhận ra rằng sự phụ thuộc của khối này vào năng lượng của Nga là một sai lầm lớn sau khi cuộc xung đột Ukraine xảy ra và giá khí đốt tự nhiên tăng vọt.

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt áp đặt lên lĩnh vực năng lượng của Nga, các nước giàu có với 450 triệu người trong EU kể từ đó đã phải vật lộn để tìm cách giữ ấm cho các ngôi nhà và các doanh nghiệp không đình trệ vì thiếu năng lượng giá cả phải chăng.

Trong khi nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc và cánh hữu ngày càng phàn nàn về cách tiếp cận chung của EU, khả năng tìm ra một chiến lược chung thoát khỏi cuộc khủng hoảng có thể có tác động trực tiếp đến tương lai của khối.

Bà Pawel Zerka thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết: "Mùa đông tới có thể đóng băng và làm tan vỡ tình cảm châu Âu, trong đó có cả cảm giác thân thuộc, sự tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia châu Âu và tình cảm gắn bó của công dân với ý tưởng về châu Âu".

Ngay cả ông De Croo, lãnh đạo của một trong những quốc gia hướng về EU nhất, cũng biết rằng không còn thời gian để chần chừ. "Nếu EU vẫn muốn tồn tại, kiềm chế giá năng lượng và bảo vệ tốt hơn các gia đình và doanh nghiệp trong cuộc chiến năng lượng này, thì cần phải đưa ra hành động", ông nói.

Loạt nỗ lực tăng cường sự đoàn kết và hành động chung

Hiện EU đang cố gắng tìm ra điểm chung giữa nước Đức - không ủng hộ áp đặt mức trần giá với xăng dầu và các nước khác tin rằng mức trần như vậy sẽ có hiệu quả kiềm chế giá cả nhưng không khiến giá bán khí đốt bị sụt giảm.

Những nỗ lực này cần tiến hành nhanh chóng khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã đưa ra thông điệp vào đầu tháng này rằng "An ninh khí đốt của châu Âu đang đối mặt với nguy cơ chưa từng có".

Ngay cả khi châu Âu đã tích trữ được tối đa khí đốt theo công suất hiện tại và sự phụ thuộc vào các nguồn cung cấp của Nga đã giảm xuống dưới 10% thì vẫn còn nhiều lo ngại.

IEA cho biết: "Vẫn có khả năng Nga cắt hoàn toàn khí đốt tới châu Âu trước thềm mùa nóng 2022/23 – thời điểm hệ thống khí đốt của châu Âu đang ở mức dễ bị tổn thương nhất".

Và cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang khoét sâu vào cấu trúc của xã hội châu Âu. Nhóm công đoàn châu Âu ETUC cho biết mức lương được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm ở mọi quốc gia thành viên EU trong năm nay. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng, đôi khi lên tới 6,5% ở Romania.

"Mọi người đang thiếu bữa ăn, phải bỏ đi các hoạt động giải trí. Và các gia đình phải lựa chọn giữa đổ xăng hoặc bật hệ thống sưởi", ông Manon Aubry, một nhà lập pháp EU từ nhóm Cánh tả, cho biết.

Hiện tại, Ủy ban châu Âu đang hướng tới triển khai gói viện trợ khoảng 40 tỷ euro ngân sách cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại.

Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo EU đang tiến tới triển khai về một hệ thống gom mua khí đốt để các quốc gia thành viên không cần cạnh tranh nữa mà tiến hành mua chung để tăng dự trữ. Theo đề xuất này, khí đốt tự nhiên đến từ các cửa của Nga sẽ bị loại khỏi kế hoạch mua.

Để sẵn sàng cho tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra vào mùa đông, EU cũng đã đồng ý cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Ủy ban châu Âu hôm thứ Ba cũng đề nghị củng cố các quy tắc đoàn kết của EU để đảm bảo các thành viên có thể nhận khí đốt từ những nước khác trong trường hợp khẩn cấp để đổi lấy một khoản tiền.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ