(Tổ Quốc) - Tổng thống Iran hôm thứ Tư đã bác bỏ việc tiến hành cuộc gặp với ông Donald Trump bất chấp những nỗ lực vào phút cuối của châu Âu nhằm giảm bớt căng thẳng khi Mỹ một lần nữa đẩy mạnh trừng phạt.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng vận động các đối tác Mỹ và Iran trong hai ngày tại Liên Hợp Quốc, cố gắng sắp xếp một cuộc gặp gỡ lịch sử mà ông hy vọng có thể làm giảm nguy cơ chiến tranh toàn diện ở Trung Đông.
Nhưng Tổng thống Iran Hassan Rouhani, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cho biết ông từ chối các cuộc đàm phán khi Mỹ vẫn duy trì chiến lược gây sức ép kinh tế.
"Tôi muốn thông báo rằng phản ứng của chúng tôi đối với bất kỳ cuộc đàm phán nào khi vẫn bị trừng phạt là tiêu cực", ông Rouhani nói.
Ông đã bác bỏ ý tưởng chụp ảnh với Trump, người đã tổ chức ba cuộc họp được truyền thông rộng rãi với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
"Những bức ảnh kỉ niệm là giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán, không phải là giai đoạn mở đầu," ông nói.
Ông cũng nghi ngờ sự chân thành của chính quyền Trump khi đàm phán, nói rằng các quan chức Mỹ tự hào về việc áp dụng "các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử" đối với Iran.
Ông Rouhani đã có bài phát biểu rất mạnh mẽ tại Liên hợp quốc. Ảnh: Yahoo News/AFP.
"Làm thế nào một ai đó có thể tin họ khi sự giết hại thầm lặng một quốc gia vĩ đại và gây áp lực lên cuộc sống của 83 triệu người Iran, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, được các quan chức chính phủ Mỹ hoan nghênh?"
"Quốc gia Iran sẽ không bao giờ, không bao giờ quên và tha thứ cho những tội ác và những tội phạm này", ông nói.
Nhắm mục tiêu Iran thông qua Trung Quốc
Ông Trump đã bác bỏ việc giảm bớt áp lực kinh tế và, vài giờ trước bài phát biểu của ông Rouhani, chính quyền Mỹ nói rằng họ đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt.
Vào ngày cuối cùng ông Trump dự kiến có mặt tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ sẽ trừng phạt các công ty Trung Quốc và các giám đốc điều hành vì đã mua dầu của Iran.
"Chúng tôi đang nói với Trung Quốc và tất cả các quốc gia - biết rằng chúng tôi sẽ trừng phạt mọi hành vi vi phạm", ông Pompeo phát biểu với một nhóm phản đối Iran bên lề Liên hợp quốc.
"Đây là một trong những hành động trừng phạt lớn nhất mà Hoa Kỳ đã thực hiện đối với các thực thể và cá nhân được xác định là vận chuyển dầu của Iran kể từ khi lệnh trừng phạt của chúng tôi được áp dụng lại vào tháng 11/2018", ông Pompeo tuyên bố.
"Hành động này nhằm ngăn chặn nguồn thu nhập quan trọng của chế độ Iran để tham gia vào các cuộc xung đột nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển tên lửa đạn đạo và tài trợ khủng bố trên toàn thế giới", ông nói.
Trung Quốc, vốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại cũng như vô số tranh chấp khác với Hoa Kỳ, được cho là người mua dầu nước ngoài lớn nhất của Iran.
Chính quyền Trump hồi tháng Năm cho biết họ sẽ đơn phương buộc tất cả các nước ngừng mua dầu của Iran, mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, khiến căng thẳng song phương và đa phương tăng vọt.
Hoa Kỳ cũng đang đổ lỗi cho Iran về một cuộc tấn công vào đầu tháng này đối với cơ sở hạ tầng dầu mỏ của đối thủ Saudi Arabia. Pháp, Anh và Đức tuần này cho biết họ đồng ý với những phát hiện của Hoa Kỳ.
Ông Pompeo, phát biểu tại một cuộc họp báo với ông Trump, cho biết Hoa Kỳ đã xây dựng được một mặt trận thống nhất tại Liên hợp quốc về Iran - nhưng vẫn sẵn sàng đàm phán.
"Chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình với Cộng hòa Hồi giáo Iran," ông Pompeo nói. "Cuối cùng, sẽ tùy thuộc vào người Iran đưa ra quyết định đó, hay họ sẽ chọn bạo lực và thù ghét."
Tìm kiếm thỏa thuận cứu vãn
Trong khi Mỹ rất cứng rắn với Tehran thì các cường quốc châu Âu, dù vẫn chỉ trích Iran, tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất.
Người châu Âu vẫn là một phần của thỏa thuận hạt nhân do cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đàm phán, theo đó Iran đã giảm mạnh quy mô chương trình hạt nhân để đổi lấy những lời hứa hiện không được đáp ứng về giảm các biện pháp trừng phạt.
Người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini thừa nhận đang có những nỗ lực đầy khó khăn để bảo vệ hiệp ước này, khi Iran đã ngừng tuân thủ một số điều khoản do phải chịu sức ép quá lớn về kinh tế.
"Tôi sẽ không che giấu rằng nỗ lực đó (bảo vệ thỏa thuận hạt nhân -pv) ngày càng khó hơn", bà nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm giữa các cường quốc châu Âu.
"Chúng tôi sẽ cố gắng và tiếp tục duy trì thỏa thuận và vượt qua những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải", cô nói.
Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, nơi có mối quan hệ lâu dài với Iran bất chấp liên minh của Tokyo với Hoa Kỳ, tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về Iran.
"Nhật Bản sẽ không tiếc sức mình trong việc kiên nhẫn và kiên trì tìm kiếm đối thoại để giảm bớt căng thẳng và hướng đến hòa bình và ổn định trong khu vực", ông Abe nói.