(Tổ Quốc) - Các thành viên của Liên hợp quốc tham gia cuộc họp tại New York vào ngày 20/2 nhằm thúc đẩy nỗ lực tạo ra hiệp ước mới thúc đẩy bảo vệ đa dạng sinh học biển trên thế giới.
Bảo vệ đa dạng sinh học biển
Theo hãng AP, khoảng 2/3 đại dương nằm bên ngoài biên giới các quốc gia ven biển, nơi các quy tắc bảo tồn đa dạng sinh học được thi hành rời rạc và không đồng đều.
Các cuộc họp của Liên hợp quốc - dự kiến kéo dài đến ngày 3/3 tới – sẽ thúc đẩy mục tiêu tăng cường nỗ lực duy trì bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển. Các cuộc đàm phán tại Hội nghị liên chính phủ về đa dạng sinh học biển của các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia đã phải dừng lại vào mùa thu năm ngoái mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về hiệp ước cuối cùng.
"Đại dương là hệ thống hỗ trợ sự sống trên hành tinh của chúng ta. Trong thời gian dài, chúng ta không cảm thấy mình có tác động lớn đến biển cả. Nhưng quan niệm đó đã thay đổi khi quá trình mở rộng đánh bắt cá biển sâu, khai thác mỏ, ô nhiễm nhựa, biến đổi khí hậu và những xáo trộn khác của con người đã tác động rất nhiều đến đại dương", ông Boris Worm, nhà sinh vật học biển tại Đại học Dalhousie của Canada cho biết.
Dự kiến, các cuộc họp của Liên hợp quốc sẽ tập trung vào các câu hỏi chính bao gồm ranh giới giữa các khu bảo tồn biển là gì? Bằng cách nào các tổ chức có thể đánh giá tác động môi trường thông qua hoạt động thương mại, chẳng hạn như vận chuyển và khai thác mỏ? Và ai có quyền thực thi các quy tắc đó?
"Đây là tài sản chung toàn cầu lớn nhất của chúng ta. Chúng tôi lạc quan rằng vòng đàm phán sắp tới sẽ là vòng đàm phán để đạt được một hiệp ước cuối cùng", bà Nichola Clark, một chuyên gia về đại dương, người theo dõi các cuộc đàm phán tại Trung tâm nghiên cứu Pew ở Washington, D.C cho biết.
Theo chuyên gia Clark, mục đích của các cuộc đàm phán không phải chỉ định các khu bảo tồn biển cần được bảo vệ mà là thiết lập cơ chế để làm như vậy. Mục tiêu là thành lập cơ quan mới có thể chấp nhận các đơn đệ trình cho các khu bảo tồn biển cụ thể. Trong khi đó, Nhà sinh học biển Simon Ingram tại Đại học Plymouth (Anh) cũng nhấn mạnh đến tính cấp bách để triển khai hiệp ước này.
"Đây là thời điểm thực sự cấp bách, đặc biệt là bối cảnh quá trình khai thác dưới biển sâu có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học trước khi chúng ta có thể khảo sát và hiểu những gì sống dưới đáy đại dương", ông Ingram nhấn mạnh.
Thúc đẩy hiệp ước tham vọng
Các chuyên gia khẳng định cần có một hiệp ước đại dương toàn cầu để thực thi các quy định của Liên hợp quốc. Cam kết gần đây của Hội nghị đa dạng sinh học cũng hướng tới chủ trương bảo vệ 30% đại dương trên hành tinh để duy trì bảo tồn.
"Chúng ta cần một khuôn khổ ràng buộc về mặt pháp lý nhằm cho phép các quốc gia hợp tác với nhau để có thể đạt được những mục tiêu thống nhất", Jessica Battle, chuyên gia về quản trị đại dương tại Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế cho biết.
Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về Đại dương, Môi trường Quốc tế và Khoa học Monica Medina lại cho rằng hiệp ước này là ưu tiên hàng đầu đối với nước Mỹ. Bà nhấn mạnh đây là lần đầu tiên, hiệp ước sẽ định hướng tạo ra cách tiếp cận phối hợp nhằm thiết lập các khu bảo tồn biển trên biển.
Các quan chức, nhà môi trường và đại diện của các ngành công nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực biển cũng đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán.
Bà Gemma Nelson, luật sư đến từ Samoa, hiện là thành viên của Ocean Voices tại Đại học Edinburgh khẳng định các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Caribe đang bị tổn thương nghiêm trọng trước các vấn đề đại dương toàn cầu, chẳng hạn như ô nhiễm và biến đổi khí hậu mà nguyên nhân chính là không đủ nguồn lực để bảo vệ môi trường.
"Việc kết hợp tri thức truyền thống của người dân và cộng đồng địa phương sẽ mang lại giá trị, đồng thời cũng là điều cần thiết để bảo vệ cả hệ sinh thái và cuộc sống của các nhóm bản địa", bà Gemma Nelson nói.
Trong khi đó, ông Gladys Martínez de Lemos, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Bảo vệ Môi trường Liên Mỹ phi lợi nhuận nhận định với gần 1/2 bề mặt hành tinh được bao phủ bởi biển, các cuộc đàm phán mang ý nghĩa quan trọng rất lớn.
"Hiệp ước phải mạnh mẽ và đầy tham vọng để thiết lập các quyền hạn cao hơn nhằm bảo vệ môi trường biển. Khoảng 1/2 thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự ô nhiễm môi trường biển hiện nay", ông Gladys Martínez de Lemos nói./.