(Tổ Quốc) -Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đang có chuyến thăm Ấn Độ với việc tập trung vào các thương vụ vũ khí và thế trận Afghanistan.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã đến New Delhi để thảo luận về việc các thỏa thuận vũ khí và vai trò của Ấn Độ tại Afghanistan trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
Ông Mattis đã đến Ấn Độ vào cuối ngày 25/9 và sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Bộ trưởng Quốc phòng Nirmala Sitharaman - người mới đảm nhiệm chức vụ này vào tháng Chín.
Theo tờ Gulf Times, "Ấn Độ theo quan điểm của chúng tôi là một trụ cột rõ ràng của sự ổn định và an ninh khu vực: chúng tôi chia sẻ tầm nhìn chung về một tương lai hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương", ông Mattis nói tại một cuộc phỏng vấn trong chuyến bay.
Đang có nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu ông Mattis có thành công gỡ những khúc mắc về các thương vụ vũ khí và vấn đề Afghanistan với Ấn Độ hay không. (Nguồn: AP) |
Theo nhiều phương tiện truyền thông, có hai chủ đề chính trong chương trình nghị sự của ông Mattis tại Ấn Độ là các thỏa thuận vũ khí và vấn đề Afghanistan.
Rào cản về các thương vụ vũ khí
Về tổng thể, Ấn Độ đang cần một đội máy bay, máy bay trực thăng và trực thăng đa dạng về chủng loại và kích cỡ. Vấn đề này rất phức tạp
Vấn đề này rất phức tạp bởi chính sách "Ấn Độ chế tạo" của Modi, trong đó New Delhi muốn thay việc mua sắm công nghệ quân sự từ nước ngoài bằng việc triển khai sản xuất liên kết tại lãnh thổ Ấn Độ. Một số chuyên gia nhận định rằng New Delhi trên thực tế là muốn tìm cách có được những công nghệ quân sự này, điều mà Mỹ không muốn cung cấp.
Như Sputnik đã thông tin vào tuần trước, bức thư của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Ấn Độ (UIBC) ngụ ý rằng các công ty Hoa Kỳ đang ít nhiệt tình hơn trong việc chuyển giao công nghệ cho New Delhi.
"Việc kiểm soát công nghệ độc quyền là điều quan trọng cần cân nhắc đối với tất cả các công ty đang xem xét lựa chọn đối tác quốc phòng là công ty cổ phần đại chúng và công ty cổ phần nội bộ", lá thư trên cho hay.
Một vấn đề khác nêu ra trong bức thư là các công ty Hoa Kỳ không muốn chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết trong vũ khí do các doanh nghiệp liên kết hai bên sản xuất.
UIBC cho biết: "Chúng tôi đề nghị Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng các nhà sản xuất thiết bị nguyên gốc (OEM) nước ngoài sẽ không chịu trách nhiệm về những khuyết điểm nằm ngoài sự kiểm soát của công ty."
Điều này, cùng với nhiều vấn đề khác nhỏ hơn, như sự miễn cưỡng của Mỹ đối với việc cung cấp cho Ấn Độ các máy bay tấn công cao cấp, đã khiến nhiều chuyên gia tin rằng không có hợp đồng vũ khí quan trọng nào sẽ đạt được trong chuyến thăm này.
Thế trận phức tạp tại Afghanistan
Một vấn đề khác là Afghanistan. Đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết ông Mattis "sẽ bày tỏ sự đánh giá cao của Hoa Kỳ đối với những đóng góp quan trọng của Ấn Độ đối với dân chủ, ổn định, thịnh vượng và an ninh của Afghanistan."
Tổng thống Trump gần đây đã tuyên bố một chiến lược mới về Afghanistan liên quan đến việc gửi hàng nghìn lính Mỹ tới nước này. Đồng thời, ông Trump cũng kêu gọi Ấn Độ tăng cam kết giúp đỡ Afghanistan. Nhìn bề ngoài, Ấn Độ dường như quan tâm đến việc ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố, khi những kẻ khủng bố ở Afghanistan đang nhắm mục tiêu đến các thành phố của Ấn Độ giống cách những kẻ cực đoan khác đã hướng đến châu Âu.
Tuy nhiên, những người lính Ấn Độ không muốn di chuyển tới lãnh thổ Afghanistan; trong khi đó, vai trò của New Delhi vẫn còn hạn chế, chỉ trong việc xây dựng đường xá, đập nước và các cơ sở hạ tầng khác.
"Chúng tôi muốn họ giúp đỡ chúng tôi nhiều hơn về Afghanistan, đặc biệt là trong lĩnh vực hỗ trợ và phát triển kinh tế", ông Trump cho biết vào tháng 8.
Ấn Độ đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD vào Afghanistan và cam kết đầu tư thêm 1 tỉ USD. Một phân tích của Washington Post chỉ ra rằng Pakistan, đối thủ lâu năm của Ấn Độ, nằm tại vị trí kẹt giữa hai nước. Pakistan lâu nay đã bị chỉ trích vì cung cấp “thiên đường an toàn” cho nhiều nhóm khủng bố hoạt động ở Afghanistan và nước ngoài. Theo tờ Washington Post, nếu Ấn Độ tăng cường cam kết với Afghanistan, Islamabad có thể phản đối bằng cách tăng cường ủng hộ cho những kẻ khủng bố.
Tại sao họ lại làm vậy? Sputnik lí giải câu hỏi này rằng, Islamabad coi Afghanistan là mối đe doạ đối với các lợi ích của họ; khi có sự giúp đỡ từ Mỹ và Ấn Độ, Kabul thậm chí có thể dựa dẫm nhiều hơn vào hai quốc gia này, để lại Pakistan bị mắc kẹt giữa hai kẻ thù.
Ngay cả khi Ấn Độ quyết định can thiệp quân sự ở Afghanistan, việc vận chuyển một lực lượng viễn chinh tới đất nước Trung Á này sẽ cần sự hợp tác với Iran. Trong khi đó, Mỹ- Iran đang không phải thời điểm tốt đẹp nhất. Bên cạnh đó, quân đội Ấn Độ có một số kinh nghiệm khá hạn chế khi chiến đấu ở nước ngoài, tờ Washington Post lưu ý.
Với tất cả những điều trên, bất chấp những tín hiệu lạc quan mà các trang tin quân sự của Mỹ bày tỏ về chuyến thăm của Mattis, những bước chuyển lớn trong sự can thiệp của Ấn Độ vào Afghanistan chưa được dự kiến diễn ra.
(Theo Sputnik)