• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bản sắc văn hóa riêng của Thổ Nhĩ Kỳ trong nghệ thuật thưởng trà

Thế giới 24/08/2022 14:16

(Tổ Quốc) - Nằm trên ngọn núi dốc ở phía đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ, ngôi làng Haremtepe trông giống như một hòn đảo được bao quanh bởi đại dương xanh bao la với những hàng cây chè xanh tươi nối tiếp nhau thẳng tắp và xa tận chân trời.

Theo hãng CNN, hàng chục người hái chè ở địa phương đang ẩn mình giữa thảm thực vật xanh thẳm của sườn đồi. Họ nhanh chóng hái những chiếc lá còn lấp lánh sương mai và cho chúng vào bao tải vải lớn quàng qua vai.

Bản sắc văn hóa riêng của Thổ Nhĩ Kỳ trong nghệ thuật thưởng trà  - Ảnh 1.

Đồi chè xanh ở Rize. Ảnh: CNN

"Thông thường, chè chỉ được trồng ở những vùng xích đạo. Tuy nhiên, điều kiện và khí hậu của vùng cùng với nhiều nắng và mưa đã giúp những cây chè phát triển mạnh", theo Kenan Çiftçi, chủ sở hữu của một đồn điền chè và quán cà phê trong ngôi làng Haremtepe.

Tỉnh Rize được biết đến là một tỉnh có đất đai màu mỡ nằm ở phía đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ và giáp với Biển Đen. Khí hậu ở đây ẩm ướt cùng với những trận gió mùa ngang qua khiến cảnh vật luôn trở nên đặc biệt. Người dân ở khu vực này chủ yếu trồng chè để đáp ứng nhu cầu cao của quốc gia uống trà nhiều nhất thế giới.

Vương quốc Anh và Trung Quốc là những quốc gia có bề dày lịch sử về thưởng trà nhưng hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ lại có mức tiêu thụ trà bình quân đầu người cao nhất thế giới. Trung bình, một người Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ khoảng 4kg trà/năm, Ủy ban Trà quốc tế cho biết.

Niềm vui ẩm thực

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ thích pha trà trong hai ấm xếp chồng lên nhau gọi là "caydanlik"- một loại ấm đặc biệt được thiết kế riêng cho việc pha trà. Kỹ thuật pha trà truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất nhiều thời gian chuẩn bị và thao tác này thường đi đôi với nhịp sống chậm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Hüseyin Karaman, một quan chức trường Đại học Recep Tayyip Erdogan ở tỉnh Rize nói rằng việc thưởng trà được xem là đam mê ẩm thực. Hoạt động này được ví như chất keo kết dính tất cả mọi người trong xã hội. Trường Đại học Recep Tayyip Erdoğan vừa mở một Thư viện trà vào đầu năm nay, trong đó lưu trữ 938 cuốn sách về đồ uống này.

Từ địa hình hoang sơ của Biển Đen đến những vườn trà lâu đời nằm ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ và những quán cà phê cực kỳ sành điệu ở Istanbul, trà đều là đồ uống phổ biến với người dân. Mọi người sử dụng trà để chào đón người lạ hay bắt chuyện với bạn bè; bắt đầu khởi động ngày mới hay thư giãn sau bữa ăn. Theo ông Karaman, thưởng trà từ ấm "caydanlik" đã gắn bó sâu sắc với văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Những quán hàng ven đường tồn tại trong hàng thập kỷ, gọi là caravanserais thường mời trà những thương nhân ghé qua.

Hương vị trà cũng gợi nhớ đến thế kỷ 16 trong Đế chế Ottoman. Trong Đế chế Ottoman, những cây chè được trồng ở khắp đế quốc nhưng năng suất không đồng đều vì một số nơi có khí hậu không thích hợp. Và sau đó, người dân phát hiện rằng chỉ những khu vực gần Biển Đen sẽ thích hợp để trồng chè hơn và nhà máy chè đầu tiên ra đời ở Rize vào năm 1947.

"Quá trình sản xuất chè trải dài ở quy mô lớn. Sau đó, việc thưởng trà đã phát triển rộng rãi và ăn sâu vào văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, mỗi khi uống trà, người dân Thổ Nhĩ Kỳ như đang trải nghiệm văn hóa từ hàng nghìn năm trước", ông Karaman nhấn mạnh.

Tiêu thụ số lượng lớn

Theo thống kê, Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất tới 10% lượng chè của thế giới (khoảng 275.000 tấn trà được chế biến trong năm ngoái). Số lượng này tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và thông thường là loại chè đen lâu năm sẽ được trồng trên đồn điền của tỉnh Rize. Người dân sẽ thu hoạch chè trong 6 tháng từ tháng 5 đến tháng 10 trước khi đưa vào chế biến các thao tác như làm héo, cuộn, lên men và sấy khô.

Tuy nhiên, những thay đổi trong công tác chế biến trà của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu xuất hiện khi những nhà sản xuất như Lazika, một công ty khởi nghiệp có trụ sở ở Rize ra đời vào năm 2016. Công ty tập trung làm việc với các nông hộ nhỏ, sản xuất trà xanh và trà trắng hữu cơ, sử dụng nguyên liệu địa phương như hoa Yayla từ dãy núi Kackar gần đó, làm dịu hương vị và một số người dân địa phương cho rằng nó mang lợi ích về mặt y học.

"Trà Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì hương vị truyền thống của người dân. Tất cả luôn cùng một hương vị. Chúng tôi muốn thay đổi điều này", Người sáng lập Emre Ercin cho biết.

Vào năm 2021, Lazika đã chế biến khoảng 7 tấn trà hái bằng tay nhưng sản lượng đã tăng lên đáng kể vào năm nay, ước tính chế biến 25 tấn. Công ty này cũng mở quán cà phê ở Istanbul để kinh doanh trà.

"Khách hàng của chúng tôi muốn thử hương vị mới và chỉ cần một chút nỗ lực, chúng ta có thể khám phá những cái mới hơn".

Bên cạnh đó, những công ty khác cũng đang áp dụng cách tiếp cận khác nhau đối với sản phẩm. Aytul Turan, đồng điều hành công ty Tea Chef có trụ sở tại Rize cũng bắt đầu tiến hành làm trà thủ công.

"Tôi cố gắng làm ra loại trà ngon nhất bằng cách chế biến từ những lá trà tươi. Tất cả đều thu hoạch bằng tay cẩn thận để không làm hỏng cây chè và vẫn bảo đảm lá trà được nguyên vẹn".

Tình yêu lớn đối với trà

Những người dân hái chè ở Rize thường thu hoạch được những lá trà trắng chất lượng cao bằng tay và tự chế biến cũng như sản xuất trà xanh thủ công. Trà đen và thậm chí là matcha theo phong cách Nhật Bản cũng làm như vậy.

"Tôi có một tình yêu sâu sắc với nghề làm trà. Chúng tôi nhận thức rằng thế hệ trẻ phải có trách nhiệm để biết, phát triển và đổi mới hương vị trà của Thổ Nhĩ Kỳ", ông Aytul Turan nói.

Ở các phòng thí nghiệm của công ty trà nhà nước như Çaykur, những nhà khoa học liên tục thử nghiệm công nghệ và kỹ thuật mới để cải thiện hương vị cũng như tính nhất quán của sản phẩm, theo dõi cẩn thận từ mức độ pH đến tông màu. Đối với một số hỗn hợp nhất định, quy trình "2,5 lá" được sử dụng để chỉ lấy búp và hai lá non nhất của cây chè, được đánh giá là mang hương vị tinh tế nhất.

"Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra chất lượng mới. Đối với người Thổ Nhĩ Kỳ, uống trà là một trong những phần quan trọng nhất trong chế độ ăn uống hàng ngày", ông Muhammet Çomoğlu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trà Rize (ÇAYMER).

Theo CNN, cho dù trà Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phát triển theo những hướng mới thì mỗi lần thưởng trà, mọi người như gắn kết lại đến gần nhau hơn. Trong năm nay, tòa nhà cao 30m với kiến trúc khắc họa ly trà khổng lồ của Thổ Nhĩ Kỳ đã được đã khai trương ở thành phố Rize. Tòa nhà bao gồm khu chợ, sân thượng ngắm cảnh và trong tương lai sẽ có một bảo tàng ở đây.

"Sống mà không có trà thì không thể gọi là cuộc sống. Chúng tôi xem đây là một phần quan trọng của cuộc sống Thổ Nhĩ Kỳ và mong muốn có thể chia sẻ những câu chuyện ngon miệng từ trà với du khách", ông Hasan Önder, người quản lý khu chợ cho biết./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ