(Tổ Quốc) - Theo CNN, băng biển ở Nam Cực đã tan chảy với khối lượng lớn và lượng băng còn lại đã rơi xuống mức thấp kỷ lục lần thứ hai trong 2 năm qua.
Một số nhà khoa học cảnh báo rằng sự sụt giảm đáng kể của băng biển ở Nam Cực là tín hiệu của cuộc khủng hoảng khí hậu và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực rộng lớn, phức tạp và biệt lập này.
Theo Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC), băng biển quanh Nam Cực tan chảy xuống chỉ còn 1,91 triệu km2 vào ngày 13/2/2023 trong khi ghi nhận dưới mức kỷ lục trước đó là 1,92 triệu km2 vào ngày 25/2/2022. Băng biển có thể tiếp tục giảm mạnh, đạt mức thấp nhất vào mùa hè năm nay. Tính từ năm 1978, hai năm qua đánh dấu hai lần duy nhất chứng kiến băng biển giảm xuống dưới 2 triệu km2.
"Đây không chỉ là mức thấp kỷ lục mà còn thể hiện xu hướng giảm mạnh", ông Ted Scambos, nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Colorado Boulder nói thêm.
Không giống như Bắc Cực, nơi tốc độ băng tan gia tăng theo biến đổi khí hậu, phạm vi băng trên biển ở Nam Cực dao động lên xuống thất thường khiến việc tìm hiểu xem lục địa và đại dương xung quanh phản ứng ra sao với toàn cầu trở nên khó khăn hơn.
Hai vùng cực rất khác nhau. Trong khi Bắc Cực là một đại dương được bao quanh bởi các lục địa thì Nam Cực là một lục địa được bao quanh bởi đại dương. Phân tích các mô hình khí hậu dự báo khả năng suy giảm băng biển ở Nam Cực tương tự như ở Bắc Cực nhưng cho đến gần đây, khu vực này hoạt động hoàn toàn khác so với những mô hình dự đoán trước đó. Sau hai kỷ lục băng biển tan mạnh và liên tục, các nhà khoa học đang bày tỏ nhiều quan ngại hơn.
"Sự khởi đầu của kết thúc"
"Câu hỏi đặt ra là biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến Nam Cực không? Đây có phải là sự khởi đầu của kết thúc? Liệu băng biển có biến mất vĩnh viễn vào mùa hè năm tới không?", Christian Haas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vật lý băng biển tại Viện Alfred Wegener ở Đức đưa ra loạt giả thiết.
Một số yếu tố có thể giải thích hiện tượng băng biển tan chảy như gió, hải lưu và nhiệt độ đại dương. Nhiệt độ không khí cao hơn bình thường ở các vùng của Nam Cực. Các nhà khoa học xem xét đến hoạt động của vành đai gió tây bao quanh Nam Cực. Theo NSIDC, những cơn gió này có thể làm tăng lượng băng tan trên biển, mạnh hơn bình thường khi điều kiện thời tiết mang theo không khí ấm đến khu vực này. Sức mạnh của gió một phần có liên quan đến sự gia tăng ô nhiễm làm nóng hành tinh cũng như lỗ thủng tầng ozone phía trên lục địa.
Nhà nghiên cứu Scambos cho biết băng biển có thể đang tan chảy do hơi ấm bị giữ lại ngay dưới bề mặt đại dương. Sự biến mất của băng biển có thể gây ra hiệu ứng xếp tầng ở Nam Cực. Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến mực nước biển vì trôi nổi trong đại dương nhưng sự mất đi của dải băng biển xung quanh Nam Cực khiến các lớp băng ven biển và sông băng tiếp xúc với sóng, nước biển ấm khiến chúng dễ bị tổn thương hơn nhiều và dẫn đến tan chảy.
Cảnh quan Nam Cực thay đổi có thể có tác động đáng kể đến cuộc sống của các loài hoang dã, từ các vi sinh vật và tảo biển hỗ trợ chuỗi thức ăn, sau đó là thức ăn cho nhiều loài cá voi trong khu vực, tiếp đến là chim cánh cụt và hải cẩu sống dựa vào băng biển để kiếm ăn và nghỉ ngơi.
Nhiều khu vực của Nam Cực đã chứng kiến sự thay đổi báo động trong một thời gian. Cụ thể, bán đảo Nam Cực, dãy núi băng giá nhọn nhô ra khỏi phía tây của lục địa giống như ngón tay cái chỉ về phía Nam Mỹ là một trong những nơi nóng lên nhanh nhất ở Nam bán cầu. Ông Carlos Moffat, một nhà hải dương học tại Đại học Delaware, người vừa trở về sau chuyến nghiên cứu Nam Cực cho rằng băng biển thấp và nhiệt độ đại dương rất ấm đã cho thấy "khác biệt đáng kể so với những gì chúng tôi đã quan sát được trong lần trước cách đây vài thập kỷ."
"Những hiện tượng khí hậu của năm nay đang mang lại sự biến đổi dài hạn ở khu vực Nam Cực", ông Moffat nói trong khuôn khổ Nghiên cứu Sinh thái Dài hạn của Palmer.
Điển hình trong năm ngoái, các nhà khoa học cho biết sông băng Thwaites rộng lớn ở Tây Nam Cực - còn được gọi là "Sông băng Ngày tận thế" đang tan chảy khi hành tinh ấm lên với khả năng rút lui nhanh chóng trong vài năm tới. Các nhà khoa học đã ước tính mực nước biển dâng toàn cầu có thể tăng khoảng 10 feet nếu sông Thwaites sụp đổ hoàn toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới.
"Nam Cực có thể đang chứng kiến băng tan chảy giống như vậy và mọi thứ đang diễn ra khá nghiêm trọng", ông Scambos nói thêm./.