(Tổ Quốc) - Các nhà khoa học mới đây tìm thấy một thiên thạch nặng tới 7,6 kg trên nền tuyết ở Nam Cực.
Nam Cực là một “miền đất hứa” cho những người săn thiên thạch. Vì thiên thạch có màu đen nên chúng trở nên rất nổi bật ở trên lớp băng trắng ở Nam Cực. Ngoài ra, nhờ khí hậu lạnh và khô ở Nam Cực, nên những hợp chất hữu cơ có trong thiên thạch vẫn được bảo quản nguyên vẹn.
Trong chuyến đi Nam Cực vào tháng 12/2022, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một thiên thạch hiếm có nặng 7,6 kg. Đây là một trong 5 viên đá thu thập được trong chuyến đi này.
Nhà nghiên cứu Maria Valdes tại Bảo tàng Field, chia sẻ rằng: “Khi nhắc tới thiên thạch, kích thước không hẳn là quan trọng. Bởi ngay cả thiên thạch nhỏ xíu cũng cực kỳ có giá trị về mặt khoa học. Nhưng đương nhiên việc tìm thấy một thiên thạch lớn như vậy là rất hiếm và thực sự thú vị”.
Trên thực tế, theo nhà nghiên cứu Maria Valdes, ước tính có khoảng 45.000 thiên thạch đã được tìm thấy ở Nam Cực trong thế kỷ qua. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100 viên đá trong số chúng là có kích cỡ 7,6 kg trở lên.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử một kỹ thuật mới, đó là sử dụng hình ảnh vệ tinh nhằm phát hiện địa điểm thiên thạch rơi. Vinciane Debaille, sinh viên Đại học Bruxelles, cho biết: “Thực hiện một cuộc phiêu lưu khám phá về những khu vực chưa biết là điều thú vị. Nhưng chúng tôi phải đối mặt với thực tế là trên nền đất khó khăn hơn nhiều so với vẻ đẹp của ảnh vệ tinh".
Mặc dù đó là thời gian mùa hè, nhưng nhóm nghiên cứu tham gia chuyến thám hiểm vẫn phải đương đầu với nhiệt độ lạnh giá và những lần đi bộ hoặc di chuyển bằng xe trượt tuyết kéo dài.
Những thiên thạch được tìm thấy sẽ được chuyển tới Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ để tiến hành nghiên cứu. Bà Valdes chia sẻ: “Mẫu vật thiên thạch càng lớn thì chúng tôi lại càng có cơ hội để hiểu rõ hơn về hệ Mặt Trời”.
Khoáng chất kỳ lạ trong thiên thạch 15 tấn
Thiên thạch hơn 7 kg trên không phải là phát hiện đáng kinh ngạc đầu tiên. Trước đó, vào cuối tháng 11/2022, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 2 khoáng chất chưa từng có trên Trái Đất ở bên trong thiên thạch khổng lồ rơi xuống Somalia vào năm 2020.
Theo đó, hai khoáng chất hoàn toàn mới này được tìm thấy ở bên trong lát cắt nặng 70 g lấy từ thiên thạch El Ali nặng tới 15 tấn, phát hiện vào năm 2020. Sau đó, các nhà khoa học đã đặt tên cho khoáng chất là elaliite, theo tên của thiên thạch và elkinstantonite theo tên Lindy Elkins-Tanton, vị giám đốc quản lý Sáng kiến liên hành tinh ở Đại học Arizona, đồng thời là nhà nghiên cứu chính trong nhiệm vụ Psyche của NASA.
Đây là nhiệm vụ sẽ đưa tàu thăm dò tới tìm hiểu về Psyche, tiểu hành tinh giàu khoáng chất để tìm bằng chứng về cách mà các hành tinh trong hệ Mặt Trời hình thành như thế nào.
Giáo sư Chris Herd tại khoa Trái Đất và Khoa học khí quyển ở Đại học Alberta, chia sẻ: “Bất cứ khi nào bạn tìm ra một khoáng chất mới, điều đó có nghĩa là điều kiện địa chất và tính chất hóa học của viên đá khác với khoáng chất đã từng được biết tới trước đây”.
Các nhà khoa học đã tiến hành phân loại El Ali là một thiên thạch sắt IAB. Đây là một loại thiên thạch có chứa nhiều viên silicate nhỏ. Trong khi nghiên cứu về lát cắt thiên thạch, các chi tiết về khoáng chất mới đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học.
Ông Chris Herd cho biêt: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình tham gia vào việc mô tả những khoáng chất hoàn toàn mới chỉ nhờ vào việc nghiên cứu về một thiên thạch”.
Bằng cách tiến hành so sánh về các khoáng chất với những phiên bản của chúng từng được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu có thể nhanh chóng xác định chúng là khoáng chất mới trong tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch tìm hiểu sâu hơn về thiên thạch này để hiểu rõ hơn về điều kiện hình thành của tiểu hành tinh mẹ. Các chuyên gia cũng xem xét về những ứng dụng khoa học vật liệu của khoáng chất. Những nghiên cứu khoa học về thiên thạch El Ali trong tương lai có thể gặp khó khăn. Bởi thiên thạch này hiện đã được chuyển tới Trung Quốc để tìm người mua tiềm năng. Điều này có thể làm hạn chế khả năng tiếp cận nghiên cứu.
Bài viết tham khảo nguồn: Cnet, Livescience