(Tổ Quốc) - Tờ Telegraph gần đây đã có bài viết về một thị trấn ở Bắc Cực – nơi là trung tâm của một "cuộc chiến tình báo" giữa Na Uy và Nga.
Kirkenes, Na Uy, vào những năm 1990 và 2000 chứng kiến quan hệ với nước láng giềng Nga rất tốt đẹp. Nhưng trong những năm gần đây, thị trấn ven bờ biển Bắc Cực của Na Uy này đã bị cuốn vào một ván cờ địa chính trị giữa NATO và Nga.
Kirkenes giữa ván cờ địa chính trị
Nằm cách Murmansk và trụ sở của hạm đội phương bắc Nga 130 dặm, thị trấn thanh bình Kirkenes đã trở thành tâm điểm của một cuộc chiến tranh gián điệp giữa Nga và Na Uy. Lúc này, những người tham gia vào việc phát triển thương mại xuyên biên giới và giao lưu văn hóa song phương đang phải trả giá. Một số người thậm chí còn kiện tình báo Na Uy về việc mất đi cơ hội giao thương với Nga.
"Nếu Na Uy có một thách thức thực sự liên quan đến chính sách đối ngoại, thì chính là ở đây", thị trưởng Kirkenes Rune Rafaelson nói. "Vấn đề không phải là tư cách thành viên EU hay hòa bình ở Trung Đông. Đây là thử thách thực sự duy nhất, bởi vì chúng tôi có một người hàng xóm thú vị và phức tạp tên là Nga".
Theo truyền thống, Kirkenes tự hào có mối quan hệ nồng ấm hơn với người hàng xóm này, ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, khi đây là điểm liên lạc đơn độc giữa NATO với Liên Xô.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, các tàu Nga bắt đầu dỡ cá, cua và các sản phẩm dầu ở Kirkenes, và nhiều người đàn ông địa phương kết hôn với phụ nữ Nga. Kể từ khi hai nước miễn thị thực du lịch cho cư dân của khu vực biên giới vào năm 2012, hàng chục ngàn người Nga đã đến mua sắm ở Kirkenes mỗi năm.
Nhưng chiến dịch hiện đại hóa quân sự của Moscow, chính sách đối ngoại ngày càng cứng rắn và việc sáp nhập Crimea đã thay đổi bối cảnh lớn hơn. Khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến thăm Kirkenes nhân kỷ niệm 70 năm Hồng quân giải phóng nơi này khỏi Đức quốc xã năm 2014, ông đã chỉ trích Na Uy vì tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.
Các cuộc diễn tập quân sự và tín hiệu về các hoạt động tình báo đã trở thành vấn đề tất nhiên. Mùa xuân này, Nga liên tục thử tên lửa ngoài khơi Na Uy, còn Na Uy và Phần Lan cũng cáo buộc Moscow gây nhiễu tín hiệu GPS trong cuộc tập trận máy bay ném bom của NATO.
Tàu chống ngầm HNoMS Otto Sverdrup di chuyển trong vịnh gần Kirkenes.Nguồn: The Telegraph.
Trong khi đó, một con cá voi Beluga được phát hiện ở Hammerfest đang đeo dây nịt máy ảnh – điều dấy lên nghi ngờ đây là một chú cá voi gián điệp cho Nga.
Vào tháng 7, một tàu ngầm Nga chạy bằng năng lượng hạt nhân bí mật đã bốc cháy ở đâu đó gần Murmansk, khiến 14 thủy thủ thiệt mạng.
Về phần mình, Na Uy đã tổ chức cuộc tập trận Trident Juncture lớn cuả NATO vào năm 2018 và đã chào đón quân đội phương Tây, bao gồm 1.000 lính thủy đánh bộ Hoàng gia Anh sẽ huấn luyện ở đó mỗi năm. Mỹ cũng đã trả tiền để nâng cấp trạm radar Vardø gần Kirkenes và bắt đầu thu thập thông tin tình báo chung.
Nhiều người tin rằng Washington cũng bắt đầu gây áp lực với Oslo để cung cấp thêm thông tin về hạm đội phía bắc của Nga. Kirkenes, nơi nhiều cư dân đã làm việc ở bên kia biên giới, từ lâu đã trở thành một nơi tìm hiểu thông tin hiệu quả.
Tình báo và phản tình báo?
Rune Rautio, người đã từng tới Nga nhiều lần, đã từng bị lực lượng tình báo Na Uy tìm tới hỏi thông tin trong nhiều năm. Ông nói, "nếu bạn biết nhiều về Nga, bạn sẽ bị tiếp cận, đặc biệt là nếu bạn là một nhà lãnh đạo vì bạn lúc đó ở một vị trí có thể gặp gỡ những người ở cấp cao hơn".
Theo Telegraph, các vụ việc liên quan đến bắt bớ ở Kirkenes cũng đã cho thấy Nga có nhiều con mắt đang tập trung vào đây. Ông Rautio cũng cho hay, cơ quan phản gián của Na Uy cũng có một danh sách những người Nga cần được theo dõi mỗi khi họ đến Kirkenes.
Thị trấn quá nhỏ đến nỗi hầu hết mọi người đều biết nhau. Nhưng người dân địa phương vẫn rất ngạc nhiên về sự hiện diện của các điệp viên ở đây và chủ yếu đang đổ lỗi cho tình báo Na Uy đã phá hoại mối quan hệ nồng ấm với Nga.
Thomas Nilsen, biên tập viên của trang tin tức Barents Observer có trụ sở tại Kirkenes, cho biết nhiều cư dân ở đây có cảm tình với người hàng xóm lớn hơn của họ. "Chúng tôi đã sống rất nhiều năm với sự phát triển tích cực trong quan hệ xuyên biên giới. Sau đó mọi thứ quay ngược và mọi người thấy điều này là xấu. Nhưng họ lại đang đứng ở vị trí của Moscow, chứ không phải châu Âu, ông nói.
Đó cũng là một câu hỏi về 140 triệu bảng Anh mà Nga đóng góp cho nền kinh tế địa phương mỗi năm.
"50m từ đây là tổng lãnh sự quán Nga. Có quá nhiều người làm việc ở đó, và chúng ta nên phát triển kinh tế và đô thị như thế nào?", ông Mr Rafaelson phát biểu trong văn phòng của mình.
Na Uy và Nga hiện đang thảo luận về một cuộc trao đổi tù nhân liên quan đến gián điệp, trang Telegraph trích lời nguồn tin địa phương cho biết. Tuy nhiên, trong khi các nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi Oslo vì nghi ngờ gián điệp, Na Uy không giam giữ người bị tình nghi gián điệp như Nga. Thay vào đó, Na Uy đang hy vọng vào một thỏa thuận ba bên có liên quan đến một đồng minh khác, có lẽ là Hoa Kỳ.
Khi Thủ tướng Erna Solberg nói chuyện với ông Vladimir Putin tại một diễn đàn về Bắc Cực vào tháng 4, vài ngày trước khi một công dân Na Uy bị kết án gián điệp, Tổng thống Nga nói Nga "sẽ xem xét những gì chúng tôi có thể làm với điều này tùy thuộc vào quyết định của tòa án". Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người trong trường hợp này đều hiểu rằng Nga đang làm những gì mà bất kỳ quốc gia nào khác sẽ làm, ông Rautio nói.