(Tổ Quốc) - Theo The Guardian, đang có ý tưởng đưa vấn đề vũ khí hóa học Syria ra Đại hội đồng Liên hợp quốc, nơi quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng bảo an không còn tác dụng.
Các quốc gia phương Tây muốn chấm dứt tình trạng tê liệt kéo dài nhiều tháng qua tại Liên Hợp Quốc về Syria bằng cách đưa vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Syria ra Đại hội đồng LHQ.
Ý tưởng là sử dụng một phương thức hiếm - được lần đầu tiên đưa ra từ thời chiến tranh lạnh để chuyển trách nhiệm của cuộc khủng hoảng lúc đó cho hội đồng 193 thành viên.
Nga đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an 11 lần để ngăn chặn hành động nhắm vào đồng minh Syria. Một nhóm làm việc của Liên Hợp Quốc về sử dụng vũ khí hóa học đã chấm dứt vào tháng 11 sau khi Nga và Mỹ bất đồng về các nghị quyết gia hạn nhiệm vụ cho nhóm này.
Nga đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an 11 lần để ngăn chặn các hành động của phương Tây nhắm vào đồng minh Syria. (Nguồn: Xinhua) |
Ian Martin, cựu quan chức Liên Hợp Quốc và là thành viên cấp cao của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: “Sự phủ quyết của Nga không nên là sự kết thúc cho nỗ lực chung của LHQ. Trách nhiệm của việc xác định bên chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học, và để chấm dứt những nỗi kinh hoàng của cuộc xung đột Syria, đang đặt trên vai toàn bộ cộng đồng thế giới. ”
Đề xuất này được cho là có sự hỗ trợ của các quan chức phương Tây.
Sự bế tắc về vấn đề Syria đã được đưa ra tại một phiên họp kín cuối tuần qua- có sự tham dự của các đại sứ thuộc hội đồng bảo an ở Thụy Điển, và bây giờ có thể sẽ được thảo luận thêm tại một loạt các cuộc họp trong tuần này.
Theo The Guardian, các cường quốc phương Tây lo sợ sự thiếu vắng hành động của một cơ chế có thẩm quyền (HĐBA) không chỉ để Syria có phạm vi tự do để tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học, mà còn là một đòn giáng nặng nề vào trật tự thế giới quốc tế.
Thanh tra của Tổ chức cấm vũ khí hóa học OPCW đang ở Douma để tìm kiếm sự thực về vụ tấn công hóa học tại đây. Nhưng dù họ tìm thấy gì, OPCW không có quyền hạn bắt bên nào phải chịu trách nhiệm.
Kể từ khi Mỹ, Anh, Pháp tấn công tên lửa vào Syria, đã có những nỗ lực ngoại giao mới, phần lớn được môi giới bởi Thụy Điển để tiến tới một nghị quyết của LHQ về một cơ chế điều tra về vũ khí hóa học mới tại Syria, nhưng cho đến nay đã không có kết quả.
Các chính phủ phương Tây, lo lắng rằng sự bế tắc đang làm suy yếu quyền lực rộng lớn hơn của Hội đồng Bảo an, muốn chọn một con đường hiếm khi được sử dụng, lần đầu tiên được thiết lập trong cuộc khủng hoảng những năm 50 của Hàn Quốc.
Được gọi là "đoàn kết cho hòa bình", động thái này sẽ cho phép chín thành viên của Hội đồng Bảo an (trong tổng số 15 thành viên) bỏ qua phiếu phủ quyết của Nga và đưa vấn đề này ra bỏ phiếu đầy đủ tại Đại hội đồng. Một nghị quyết xác định cơ chế chịu trách nhiệm tại Syria lúc này sẽ cần hơn hai phần ba Đại hội đồng ủng hộ.