• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo động năng lực đối phó khủng bố của Mỹ tụt dốc không phanh

Thế giới 23/02/2017 22:09

(Tổ Quốc) - Đối mặt tấn công khủng bố, nước Mỹ đang ở thời điểm dễ “tổn thương” hơn nhiều, so với trước khi ông Trump nhậm chức.  

Tôi chưa từng chứng kiến bất kỳ thứ gì giống như cách ông Trump tiếp cận vấn đề an ninh quốc gia,” một cựu cố vấn trong lĩnh vực chống khủng bố, từng làm việc dưới ba đời Tổng thống Mỹ, chia sẻ.

Tổng thống Donald Trump đã khẳng định an ninh quốc gia là một trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình, thông qua hàng loạt các chính sách từ sắc lệnh cấm nhập cư cho đến nỗ lực thắt chặt quan hệ với Nga. Tuy nhiên, theo Richard Clare, một chuyên gia từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, Bill Clinton và George W. Bush, nước Mỹ hiện tại đang trở nên dễ tổn thương trước mối đe dọa khủng bố, hơn nhiều so với trước khi ông Trump lên nắm chính quyền.

“Trước một cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng vào Mỹ hoặc các cơ sở của Mỹ, tôi cho rằng mức độ sẵn sàng đối phó của chúng ta kém hơn nhiều so với thời điểm trước ngày 19/1,” ông Clare nói. Từng đảm nhận vị trí quản lý khủng hoảng cho Tổng thống George W. Bush sau sự kiện 11/9, chuyên gia này cho rằng, sự chuẩn bị của nước Mỹ “đang rất thấp và thấp một cách nguy hiểm”.

Chính quyền thiếu kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng

Kết luận của ông Clarke dựa trên những biến động trong thời gian gần đây tại Hội đồng An ninh Quốc gia – một tổ chức nằm dưới quyền Nhà Trắng, ra đời vào năm 1947 với mục đích điều phối các vấn đề liên quan đến chính sách an ninh quốc gia trong chính phủ liên bang (mục đích và cơ cấu của Hội đồng này đã thay đổi qua thời gian, với số lượng nhân viên từ hàng chục người dưới thời ông George H.W.Bush, lên tới hàng trăm người dưới thời ông Barack Obama). Vụ từ chức của Cố vấn an ninh Quốc gia ông Michael Flynn và việc một quan chức cấp cao bị cho thôi việc vì đã công khai phê phán Tổng thống… chỉ là hai trong số nhưng vụ lùm xùm liên quan tới Hội đồng an ninh Quốc gia, xảy ra chưa đầy một tháng sau lễ nhậm chức của ông Trump. Với nhiệm vụ khó khăn là phải đưa ra kế hoạch đã sửa đổi của nước Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS vào cuối tháng này, Trung tướng H.R. McMaster – người được chọn thay thế ông Flynn chắc chắn sẽ có rất nhiều việc phải làm.

Tổng thống Trump và tân Cố vấn An ninh Quốc gia, ông H.R. McMaster

“Tôi chưa từng chứng kiến điều gì giống như thế”, Clarke nói về những sóng gió tại Hội đồng An ninh Quốc gia. Tổng thống George H.W. Bush thay thế hầu hết các nhân viên trong Hội đồng dưới thời Ronald Reagan; tuy nhiên, những người mới bắt nhịp với công việc chỉ ngay vài ngày sau khi ông Bush chính thức nhậm chức.

Đánh giá của vị chuyên gia từng có 30 năm làm việc cho chính phủ còn được rút ra từ những hồ sơ của các lãnh đạo Hội đồng. Phó tướng của Flynn, K.T. McFarland, từng là một nhà phân tích của kênh Fox News và lần cuối cùng người phụ nữ này đảm nhận một vị trí trong chính phủ cũng đã là 30 năm về trước (dưới thời Tổng thống Reagan). Tom Bossert, cố vấn an ninh nội địa của ông Trump, có kinh nghiệm đối phó với các thảm họa tự nhiên. Nhìn chung, đội ngũ “cựu binh” (bao gồm cả McMaster) có nhiều kinh nghiệm “chinh chiến”, tuy nhiên, theo Clarke, điều này không đồng nghĩa với việc chính quyền có thể phản ứng một cách nhanh chóng và hiệu quả trước một cuộc tấn công khủng bố. “Tôi không thấy bất kỳ ai [trong Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Trump] từng đảm nhiệm vị trí cấp cao nào liên quan đến quản lý cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia ở bên ngoài Washington,” ông Clarke nói.

Hội đồng An ninh Quốc gia không phải là cơ quan đối ngoại hay quân sự đơn thuần

Trước khi được Phó Tổng thống Dick Cheney và Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice yêu cầu giữ vị trí quản lý khủng hoảng sau sự kiện 11/9, Richard Clarke từng là điều phối viên quốc gia về an ninh và chống khủng bố của Hội đồng. Công việc của ông liên quan đến việc xử lý các cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia. Clarke từng tham dự nhiều “cuộc diễn tập trong phòng họp” – một hoạt động mô phỏng những trường hợp khẩn cấp mà chính quyền Obama đã từng tiến hành trước lễ nhậm chức, với sự tham gia của một vài quan chức cấp cao dưới thời ông Trump.

“Tất cả những quan chức hàng đầu – những người giữ các vai trò khác nhau trong cuộc khủng hoảng – sẽ ngồi cùng với nhau trong một vài giờ,” Clarke miêu tả về cuộc diễn tập. “Bạn sẽ được cung cấp các tin tức, các báo cáo tình báo… [Những người tham gia diễn tập] thường nhận được những báo cáo không đúng, bởi vì trong một cuộc khủng hoảng thật sự, rất nhiều thông tin đến với bạn là sai sự thật. Và bạn không có thời gian để tìm hiểu nó, thông tin xuất hiện tới tấp. Các bộ lọc tin thông thường đều trở nên vô dụng… Những cuộc gọi từ khắp nơi trên thế giới - từ các nghị sỹ, từ các đại sứ Mỹ, từ các tư lệnh chỉ huy quân đội Mỹ ở nước ngoài… - yêu cầu được nhận chỉ dẫn từ bạn. Bạn nhận được những thông tin tình báo về các nguy cơ có thể tiếp diễn… Bạn cung cấp cho họ [những người tham gia] những sự lựa chọn chính sách thực sự khó khăn mà họ có lẽ chưa từng nghĩ đến trước đó”. Kết thúc cuộc diễn tập, những người tham gia sẽ ra về với một danh sách dài những biện pháp cần được thực hiện để cải tiến công việc của mình.

Chính vì vậy, đối với sự kiện 11/9, Clarke tin tưởng, mình đã có được hướng giải quyết đúng đắn nhất. Ông kể lại: “Tôi hiểu được rằng, trước một sự kiện khủng bố nghiêm trọng, có những thứ chúng tôi cần phải làm, và ai có đủ thẩm quyền để thực hiện chúng. Ví dụ như, chúng tôi ngay lập tức khởi động hệ thống tiếp nối chính phủ, theo đó đặt các cơ quan đầu não thay thế vào vị thế sẵn sàng, đề phòng trường hợp các cơ quan đầu não tại Washington bị nguy hại hoặc không thể kết nối. Chúng tôi lập tức kiểm soát tất cả các máy bay trên bầu trời, đóng tất cả các cảng và khu vực giao biên giới, ngừng hoạt động tất cả các đại sứ quán [Mỹ] trên thế giới. Chúng tôi đặt quân đội Mỹ vào tình trạng cảnh báo cao… Có cả một danh sách mà chúng tôi phải thực hiện. Và chúng tôi đã làm chính xác những điều đó trong các cuộc diễn tập”.

Trump coi an ninh quốc gia là một trong tâm, nhưng chính quyền của ông có đủ sức phản ứng hiệu quả trước các cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia?

“Dưới thời George W. Bush, từng có xu hướng coi Hội đồng An ninh Quốc gia là một tổ chức chính sách đối ngoại. Điều này không đúng. Đây là một cơ quan chính phủ. Còn ở chính quyền hiện tại, lại có xu thế coi Hội đồng là một bộ phận mở rộng của quân đội. Điều này cũng sai. Hội đồng An ninh Quốc gia là một cơ quan hoạt động trên một lĩnh vực rất rộng lớn, từ dân dụng, quân sự cho đến tình báo,” chuyên gia dày dặn kinh nghiệm chia sẻ.

(Theo The Atlantic)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ