• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính quyền Trump đang bước vào thời kỳ tiền khủng hoảng?

Thế giới 20/02/2017 09:19

(Tổ Quốc)- Để tồn tại, ông Trump không tránh khỏi phải tiến hành đấu tranh và thỏa hiệp kịch tính

Có một số dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump đang bước vào thời kỳ tiền khủng hoảng, hay có thể gọi là cuộc khủng hoảng năng lực chấp chính đầu tiên. Giáo sư Ronald Fainman của Đại học Atlantic (bang Florida) đề cập đến cuộc “đảo chính cung đình”, với việc Trump bị Quốc hội phế truất hoặc từ chức trong vài tuần tới và Phó Tổng thống Mike Pence lên thay thế.

Phải chăng đây là một “kịch bản giả”? Hay một chiến dịch gây sức ép đối với Trump buộc tân tổng thống phải điều chỉnh các chủ trương và chính sách?

Truyền thông Mỹ góp phần đáng kể vào việc cản phá quan hệ My-Nga dưới chính quyền Trump (tranh của Sputnik)

Trong lịch sử nước Mỹ đã có một số tiền lệ tổng thống “đứt ghánh giữa đường” vì lý do này hay lý do khác: Năm 1841, William Harrison làm tổng thống được 31 ngày (chết vì bệnh viêm phổi). Năm 1882, James Garfield làm tổng thống 199 ngày (chết vị bị ám sát). Năm 1850, Zachary Taylor làm tổng thống 16 tháng 5 ngày (chết vì bệnh đau dạ dày). Năm 1974, Richard Nixon từ chức sau một năm rưỡi cầm quyền tại nhiệm kỳ II (do vụ bê bối Watergate).

Nếu Donald Trump rơi vào trường hợp bị đứt ghánh giữa đường thì vì lý do gì?

Quan hệ với Nga – trung tâm của mâu thuẫn

Ngày 17/2, Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng việc Michael Flynn - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump - từ chức vì những tiếp xúc với Đại sứ Nga tại Washington cho thấy chính quyền Trump đang ở trong tình trạng hỗn loạn. 

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ông McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, nêu rõ: “Tôi cho rằng vấn đề ông Flynn rõ ràng là động thái cho thấy trên nhiều khía cạnh, chính quyền này đang hỗn loạn. Theo tôi, Tổng thống đã đưa ra những tuyên bố và trong nhiều trường hợp đã mâu thuẫn với chính bản thân ông ta. Vì thế chúng ta đã quen với việc chứng kiến tổng thống làm trái với những gì ông ta nói”.

Ngày 13/2, ông Flynn đã phải từ chức sau khi thừa nhận đã không báo cáo trung thực với Phó Tổng thống Mike Pence về các tiếp xúc và điện đàm với Đại sứ Nga tại Washington, Sergei Kislyak.

Michael Flynn và Vladimir Putin từng tiếp xúc và cùng dự một cuộc chiêu đãi vào tháng 5/2015

Hãng AFP cho hay, các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội đang tận dụng cơ hội Flynn buộc phải từ chức để tiến hành các cuộc điều tra sâu rộng hơn đối với các hoạt động của Nga tại Mỹ. Một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng vụ việc này nên làm lắng xuống, nhưng một số khác lại đang bắt đầu kêu gọi tiến hành thêm các cuộc điều tra. Ít nhất là 4 ủy ban của Quốc hội hiện đang xem xét nhiều khía cạnh trong sự can thiệp của Nga, cũng như các mối quan hệ của ê-kíp Trump với Moskva. Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã mở một cuộc điều tra, và hiện họ muốn nghe ông Flynn điều trần. 

Diễn biến này khiến người ta liên tưởng đến quá trình điều tra vụ Watergate dẫn tới việc phế truất Tổng thống Nixon năm 1974.

Trang điện tử Bloomberg (Mỹ) xem sự cố Flynn là vụ “ám sát chính trị”, một dạng “đảo chính mềm” nhằm vào chính quyền Donald Trump. Nhiều cựu quan chức trong ngành tình báo Mỹ nhìn nhận Flynn là nạn nhân của một chiến dịch truyền thông có sự giúp sức của thế lực chống Trump. Điều nguy hiểm là số này đang mạo hiểm sử dụng cách thức “chính trị hóa” tình báo, công khai các thông tin mật để chống lại các đối thủ chính trị. Xu thế này báo hiệu sẽ có thêm nhiều diễn biến bất ngờ tại Nhà Trắng mà ở đó Flynn là người đầu tiên, chứ không phải là duy nhất. Kế đến có thể là những người thân cận của tổng thống như bà cố vấn Kellyanne Conway, Chiến lược gia trưởng Steve Bannon hay Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reine Priebus… và cuối cùng là cô lập ông Trump.

Quan hệ Mỹ-Nga có thể bị “đóng băng”

Việc Flynn từ chức là một thiệt hại lớn cho việc chính quyền Trump muốn sớm cải thiện với Nga. Cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều nhận thức tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga sẽ bị đẩy lùi do sự chống đối của chính giới Mỹ, mặc dù tại cuộc gặp ngày 16/2 giữa Ngoại trưởng Rex Tillerson và Ngoại trưởng Nga Lavrov diễn ra bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G-20 diễn ra tại Bonn, ông Tillerson khẳng định “sẽ tìm kiếm mối quan hệ hợp tác thực tế và mang tính xây dựng trong những lĩnh vực Mỹ-Nga có chung lợi ích”.

Người Phát ngôn Điện Kremlin cho rằng tình hình chính trị khó đoán định tại Mỹ đang làm trì hoãn việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. 

Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, trả lời hãng tin Nga Sputnik, nói: “Chính quyền Trump chưa xác định được chính sách đối với Nga cho nên tình hình mới phát triển mâu thuẫn nhau. Một mặt họ nói muốn hợp tác với Nga chống khủng bố quốc tế, mặt khác họ lại yêu cầu Nga trả Crimea cho Ukraine và lặp lại một số điều tương tự như của chính quyền Obama. Họ cần thời gian”.

Ronald Fainman cho rằng Donald Trump có những dấu hiệu thần kinh không bình thường với tư cách là một tổng thống, như đột ngột kết thúc cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbul; thiếu tôn trọng Thủ tướng Đức Angela Merkel; thiếu ủng hộ NATO; thái độ bất nhất về chính sách một Trung Quốc…

DonaldTrump đại diện cho một lực lượng chính trị mới phi truyền thống của nước Mỹ muốn thực hiện các thay đổi lớn tại nước này. Điều này dẫn tới những xung đột lợi ích gay gắt. Còn quá sớm để dự đoán kết cục tình hình. Nó phụ thuộc vào cuộc đấu tranh quyền lực và tương quan lực lượng mới ở Mỹ. Để tồn tại, ông Trump không tránh khỏi phải tiến hành đấu tranh và thỏa hiệp kịch tính./.

Lưu Việt


Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ