(Tổ Quốc) - Theo trang SCMP, trong xã hội hiện đại, rất nhiều người trẻ tại Việt Nam có thể kiếm được bằng cấp tốt và việc làm lương cao trong bối cảnh kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế.
Trẻ trung, năng động và linh hoạt là những từ được sử dụng khi nhắc đến những cá nhân, chủ yếu là thế hệ trẻ, đã đạt được thành tích cao tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.
Ngày nay, những cá nhân xuất sắc thuộc giới trẻ thường giành được những suất học bổng tại các trường đại học tốt nhất thế giới và thành lập "đế chế kinh doanh" tại quê nhà sau khi trở về nước. Những nỗ lực không ngừng của thế hệ trẻ phần nào giúp Việt Nam tìm được chỗ đứng, trở thành nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai Đông Nam Á sau Malaysia.
Thế hệ trẻ Việt tài năng và năng động
Điển hình như Lap Le (18 tuổi) chia sẻ trên mạng xã hội về việc nhận được lời mời học từ ba trường top đầu nằm trong danh sách Ivy League của Mỹ.
"Tôi bắt đầu đi du học ở Mỹ từ năm cấp hai. Ở trung học, tôi đã nhận được những lời khuyên nên làm gì để vào được các trường y khoa hàng đầu," Lap Le nói.
Trong khi đó, còn nhiều cái tên nổi bật khác như Lê Yên Thanh - nhà sáng lập BusMap và là một trong số ít những gương mặt startup có nhiều hoạt động tích cực và đóng góp nổi bật tại Việt Nam. Lê Yên Thanh đã đạt được rất nhiều thành tựu và có hơn 100 giải thưởng CNTT trong nước và quốc tế, gần đây nhất là lọt vào danh sách những gương mặt xuất sắc nhất dưới 30 tuổi của châu Á (30 Under 30 Asia của Forbes năm 2022).
Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam đang thúc đẩy các nhà sản xuất lớn tìm đến. Theo trang SCMP, với nhân công giá cả cạnh tranh hơn Thái Lan và Malaysia, dân số đông và trẻ, các nhà đâu tư như Apple, Intel, Samsung và Google đang tập trung tìm cơ hội lớn đầu tư vào Việt Nam.
Sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình
Nhiều người đạt thành tích cao ở Việt Nam bày tỏ sự tự hào với những thành công của họ và nhớ về những sự hỗ trợ họ nhận được từ gia đình.
Điển hình như Yet Tri, 22 tuổi, có bố là một nhà tư vấn kinh tế và doanh nhân, cho rằng hầu hết những thành công mà anh có được nhờ vào sự giáo dục của gia đình. Gia đình tin vào khả năng của Tri và giúp chi trả chi phí học tập khổng lồ hàng năm tại Đại học Duke với tổng trị giá 85.000 đô la Mỹ.
Hay My Le, 24 tuổi, nói rằng giáo dục đã thay đổi cuộc đời cô. Ở thị trấn biên giới của tỉnh Đồng Tháp, đồng bằng sông Cửu Long, My Le nói rằng gia đình luôn khuyến khích cô theo học những trường tốt nhất.
"Mẹ tôi mở trung tâm tiếng Anh từ khi tôi 3 tuổi. Thị trấn không có trường mẫu giáo tốt nên bà đã quyết định mở trường học để dạy tôi và một số bạn. Nhờ bà, tôi có thể trải nghiệm những điều mới mẻ", My Le nói.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những người ở độ tuổi 20 thường làm hai hoặc ba công việc kết hợp với học, đặc biệt là học tiếng Anh để có thể tìm đến các cơ hội việc làm tốt hơn.
Các nhà phân tích cũng cho rằng nâng cao kỹ năng cũng là chìa khóa phát triển kinh tế ở thị trường lao động Việt Nam. Hơn 1/2 số thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30 cần được hỗ trợ để xây dựng các kỹ năng và chuyên môn kỹ thuật nhằm đảm bảo tiếp tục phát triển lâu dài.
"Tăng cường nguồn nhân lực từ giới trẻ có thể giúp Việt Nam bắt kịp các nước láng giềng về năng suất lao động. Điều này chắc chắn sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong dài hạn", ông Khiếu Văn Hoàng, Giảng viên tại Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng thúc đẩy cải thiện đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo nhân viên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vào tháng 6/2023, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất xuống 1,5-2% để kích thích tiêu dùng và đầu tư.
"Nếu chính sách này được thực hiện tốt sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và không làm trầm trọng thêm lạm phát", ông Khiếu Văn Hoàng nói./.