(Tổ Quốc) - Bài viết trên trang Modern Diplomacy - chuyên phân tích và bình luận các vấn đề quốc tế ngày 22/3 cho biết Việt Nam tránh được các xu hướng suy thoái kinh tế thông thường trên khắp châu Á và đang có mức tăng trưởng trên trung bình.
Trang Modern Diplomacy trích dẫn một báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết GDP của Việt Nam năm 2023 ước tính đạt 6,2% và có thể tránh được xu hướng suy thoái chung ở châu Á.
Một trong những khía cạnh chính giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tốt hơn so với mức trung bình là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển, tiêu dùng nội địa tăng, tầng lớp trung lưu tăng và sản xuất chế tạo theo định hướng xuất khẩu phát triển.
Việt Nam cũng đã nhận được các khoản vay từ nhiều tổ chức quốc tế trong vài năm qua để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và kết nối biên giới cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của hàng trăm nghìn người trên khắp các tỉnh.
Tăng trưởng bền vững trong nhiều lĩnh vực
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang chuẩn bị tốt, cũng như đang thực hiện các dự án thí điểm tái thiết và phục hồi sau thiên tai. Bài viết cho rằng Việt Nam đã có thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới và Hà Lan để phát triển khả năng phục hồi cho các khu vực ven biển, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long nhằm giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đã nhận được khoản tài trợ từ ADB nhằm tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.
Về nhân lực, Việt Nam đang vươn lên thành một xã hội tri thức nhờ sự linh hoạt trong chính sách nâng cao năng lực của các bên liên quan và cung cấp thông tin cho cộng đồng thường xuyên. Với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam đã cung cấp điện thành công cho 100% dân số.
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) về cắt giảm thuế quan 2020 - 2035. Theo đó, xuất khẩu thiết bị điện và máy móc từ Việt Nam sẽ tăng lên 12,1% trong khi những mặt hàng xuất khẩu chính của nước này chủ yếu là hàng dệt may sẽ tăng gần 10%. RCEP tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Australia và New Zealand đồng thời có thể mang lại doanh thu thương mại tốt hơn.
Bên cạnh đó, hội nhập tốt hơn với các nền kinh tế trong khu vực cũng thúc đẩy phát triển du lịch, giải trí, giáo dục, nông nghiệp, viễn thông ô tô và công nghệ thông tin. Hiện tại, Việt Nam đang xếp thứ 70 trong số 190 quốc gia về mức độ dễ dàng kinh doanh và là quốc gia có tỷ lệ dân số trẻ (từ 15 - 64 tuổi) chiếm gần 70% dân số.
Ở lĩnh vực xây dựng, nhiều kỳ vọng ngành xây dựng Việt Nam sẽ phát triển do tăng chi tiêu vào các dự án cơ sở hạ tầng cùng với sự cải thiện kết nối khu vực thông qua cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ và hàng không.
Bên cạnh đó, bài viết cũng đánh giá cao ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi ấn tượng. Riêng năm ngoái, Việt Nam đã chứng kiến lượng khách du lịch tăng hơn 185% trong 4 tháng đầu năm 2022.
"Ngành du lịch Việt Nam sẽ còn tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết thỏa thuận toàn diện thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và phục hồi sau Covid. Trong giai đoạn 2022 - 2025, dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân lũy kế về du lịch của Việt Nam đạt bình quân 13,5%/năm", tác giả Pankaj Jha nhận định.
Ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn vào năm 2023
Trước nhu cầu cấp thiết của thế giới về chuyển đổi năng lượng sạch, trang Modern Diplomacy cho rằng Việt Nam có thể đạt được kế hoạch chuyển đổi khoảng 50% nhu cầu điện năng sang năng lượng tái tạo vào năm 2030. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ ổn định hơn đối với các ngành công nghệ cao, các ngành dịch vụ dựa trên tri thức và giáo dục. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản và xây dựng tại Việt Nam sẽ thu hút sự chú ý của quốc tế trong thời gian tới.
Cuối cùng, bài viết cho rằng những nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã tạo dựng được niềm tin của nhà đầu tư. "Việt Nam có thể chứng kiến tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn và ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn trong năm 2023", ông Pankaj Jha nhận định./.