(Tổ Quốc) - Lực lượng lao động có tay nghề cao ở Việt Nam gần đây là yếu tố quan tâm chính của các công ty nước ngoài. Điều này là nhờ chiến lược mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển các ngành công nghệ cao của đất nước, đặc biệt là chất bán dẫn.
Trang Vietnam Briefing đã có những đánh giá về kế hoạch phát triển nhân lực tại Việt Nam.
Việc sản xuất chất bán dẫn, vốn đã trở thành một phần không thể thiếu trong rất nhiều sản phẩm điện tử, đã được Chính phủ Việt Nam xem là chìa khóa nâng cao vị thế của đất nước trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang tăng cường chiến lược phát triển nhằm thu hút nhiều nhà sản xuất chất bán dẫn đầu tư vào quốc gia này.
Theo Vietnam Briefing, trong khi nhiều công ty bán dẫn đang xem Việt Nam như một mắt xích khả thi trong chuỗi cung ứng thì quốc gia Đông Nam Á vẫn đang gặp phải một số rào cản, chủ yếu là tình trạng thiếu lao động chuyên môn cao.
Theo thống kê, ước tính Việt Nam có khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip trong khi ngành này cần khoảng 5.000 đến 10.000 nguồn nhân lực này trong suốt năm qua. Trước diễn biến như vậy, Việt Nam đã đặt ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm phát triển nguồn nhân lực lao động chuyên môn cao.
Được Thủ tướng Việt Nam phê duyệt đầu năm nay, Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu trong Quyết định 899/QD-TTg, đưa ra kế hoạch chi tiết để thu hút cũng như phát triển nhân tài tại Việt Nam.
Theo Quyết định, mục tiêu chung của Chiến lược nhằm xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông; chuyển đổi số… Qua đó, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài. Cụ thể, việc tìm kiếm nhân tài nhằm phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước được tiến hành trong các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo tác giả, việc nhận biết và thực thi chiến lược này có thể giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn tiềm năng của lao động có tay nghề tại Việt Nam. Hơn nữa, điều này cũng có thể mang lại cơ hội trong lĩnh vực giáo dục đại học và đào tạo nghề.
Ngoài ra, chiến lược đã xác định chi tiết một số nhiệm vụ chung cho một số cơ quan chính phủ. Đây chủ yếu là các thông tin hành chính đi kèm với các thông tư, nghị định và quyết định tiếp theo từ các cơ quan khác nhau có liên quan.
Cách tiếp cận này đã và đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến nguồn lực lao động có tay nghề cao.
Tìm thấy cơ hội cung cấp dịch vụ tại Việt Nam
Nhiệm vụ và giải pháp khác của Chiến lược là nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Cụ thể, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài.
Trong khi chiến lược nhấn mạnh vào chương trình phát triển tài năng trong nước nhưng các tổ chức giáo dục nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng. Chương trình đặc biệt khuyến khích sự tham gia của các tổ chức giáo dục nước ngoài trong việc cung cấp đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ phát huy được lợi thế nhân tài trong nước.
Bên cạnh đó, chiến lược cũng thảo luận về việc thu hút lao động tài năng từ nước ngoài, cụ thể gợi ý sử dụng quảng cáo để thu hút lao động nước ngoài đảm nhận vai trò tại Việt Nam. Chi tiết hơn, chiến lược tập trung vào những người Việt Nam ở nước ngoài thể hiện lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Việc sử dụng những công cụ này sẽ khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài quay trở về nước làm việc.
Vốn tư nhân, ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ được đề xuất sẽ hỗ trợ tốt cho dự án này. Tuy nhiên, chiến lược cũng nêu cụ thể các nguồn lực xã hội nước ngoài là định hướng tài trợ khả thi khác.
Cách tiếp cận hiện tại cho thấy điều kiện dành cho người lao động nước ngoài có thể được cải thiện ở Việt Nam khi chiến lược này đưa vào thực hiện trong thực tế. Chiến lược cũng gợi ý rằng các cơ sở giáo dục đại học và các nhà cung cấp dịch vụ dạy nghề nước ngoài có thể sớm tìm thấy cơ hội cung cấp dịch vụ tại Việt Nam./.