(Tổ Quốc) - Theo trang Financial Times, Chính phủ Việt Nam hiện đang thúc đẩy các chương trình đầy tham vọng để phát triển lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, vươn ra thế giới.
Hiện tại, Việt Nam hiện đứng thứ 9 trên thế giới ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử và được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, quy mô của ngành điện tử đã đủ để phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Cụ thể, Việt Nam đã cam kết chính sách giảm thuế và tăng cường các đặc quyền khác cho các công ty bán dẫn để giúp phát triển lĩnh vực này khi quốc gia Đông Nam Á này đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong cạnh tranh chất bán dẫn toàn cầu.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã thúc đẩy các kế hoạch như khoản tài trợ cho ngành thông qua quỹ khoa học và nghiên cứu chung của nhà nước tại các công ty công nghệ tư nhân như FPT.
Các công ty từ Nvidia đến Samsung đang tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh chip tại Việt Nam đồng thời là kỳ vọng Việt Nam sẽ là nơi đặt nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất toàn cầu của Intel. Intel nhiều năm trước đã đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam và cho đến nay nhà máy này vẫn là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn. Hiện nay, tổ công tác dự án Intel sẽ tiếp tục họp bàn để xem xét về các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư đến từ Mỹ.
Cùng với làn sóng chuyển dịch vốn FDI, Việt Nam sẽ có cơ hội đón nhận các dự án đầu tư chất lượng cao. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện rất quan tâm để chọn Việt Nam là điểm đến đưa ngành công nghiệp bán dẫn vào Việt Nam, từ dự định đào tạo kỹ sư thiết kế chip đến đầu tư vào các cơ sở sản xuất linh kiện và vật liệu bán dẫn.
Theo ông Jose Fernandez - Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường ở Mỹ, Việt Nam sẽ thu hút hàng chục công ty trong lĩnh vực bán dẫn và một số tập đoàn khác của Mỹ vào nước này nếu đáp ứng mục tiêu xanh.
Việt Nam tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam cần đạt được các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia thống trị lĩnh vực chip.
Trang FT dẫn lời Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, Việt Nam sẽ nới lỏng chính sách đưa chuyên gia nước ngoài vào lực lượng lao động, vốn dĩ đang phải đối mặt với tình trạng giấy phép lao động nước ngoài bị chậm lại gần đây. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành này vào năm 2030 và các trường đại học đang mở các lớp bán dẫn với sự hợp tác của các nhà tuyển dụng như Samsung.
Hiện nay, quốc gia Đông Nam Á này đang được nhiều doanh nghiệp đặt các cơ sở sản xuất chip, linh kiện công nghệ cao. Trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến hút thêm hàng triệu USD từ Mỹ nhằm phát triển lĩnh vực này.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định kế hoạch quốc gia về chip sẽ bao gồm các khoản tài trợ thông qua quỹ khoa học và hoạt động nghiên cứu chung của nhà nước với các công ty tư nhân.
Trong quá trình lâu dài, Việt Nam đã có nền tảng giáo dục khoa học và công nghệ vững chắc nhưng trình độ kỹ năng tiên tiến đã hạn chế sự phát triển rộng hơn của chuỗi giá trị điện tử.
"Có nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn có được khả năng lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói của Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng trở thành một cường quốc", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường ông Fernandez từng đưa ra nhận xét về triển vọng ngành bán dẫn của Việt Nam trong chuyến thăm của ông tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Fernandez cũng nói thêm rằng quốc gia này là mục tiêu hàng đầu của các khoản trợ cấp theo Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ. Đây sẽ là một "huy hiệu" của sự tự tin.
Vào tháng 12, hãng Nikkei đã đưa tin Apple lần đầu tiên chuyển nguồn lực kỹ thuật sang Việt Nam để phát triển sản phẩm iPad. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Việt Nam đang thể hiện sự cống hiến đối với ngành này bằng cách bổ sung ngành vào hai chương trình của nhà nước. Một là Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, cung cấp các khoản tài trợ và hỗ trợ khác. Thứ hai là Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, nỗ lực phối hợp nhằm tạo ra 10 sản phẩm có khả năng cạnh tranh vào năm 2030, trong đó có xuất khẩu.
Trước mắt, Việt Nam đang đứng trước cả thách thức lẫn cơ hội thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn khi đang là điểm sáng thu hút trong cuộc chuyển dịch đầu tư của các nhà sản xuất công nghiệp. Vì vậy, những chính sách kịp thời và phù hợp sẽ thu hút nhiều hơn nữa đầu tư nước ngoài hơn vào nước nhàm thúc đẩy ngành sản xuất vi mạch bán dẫn./.