• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bấp bênh" tương lai NATO phụ thuộc thái độ phương Tây với Nga, Trung

Thế giới 22/09/2019 07:50

(Tổ Quốc) - Các giá trị chung của NATO sẽ thay đổi như thế nào trước quan hệ căng thẳng giữa liên minh quan sự hai đối thủ chính là Nga và Trung Quốc?

Trước một tuyên bố gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ rằng, lợi thế của NATO đối với Nga đang bị giảm sút, trang Sputnik dẫn lời một số chuyên gia nhận định, vai trò tương lai của NATO phần lớn sẽ phụ thuộc vào tiềm năng phát triển quan hệ chính trị giữa liên minh này với các đối thủ chính là Nga và Trung Quốc trong những năm tới.

Giới phân tích cũng tin tưởng, vai trò của NATO có thể sẽ bị thu hẹp từ phòng thủ tập thể tới phản ứng khủng hoảng trong trường hợp các bên đạt được tình trạng hoà hoãn.

nganato

Vai trò của NATO trong tương lai phụ thuộc vào quan hệ của khối với hai đối thủ lớn là Nga và Trung Quốc (ảnh: getty)

Tương lai nào cho NATO?

Đầu tuần trước, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Tướng Joseph Dunford nói, "lợi thế của NATO trước một nước Nga trỗi dậy đang bị xói mòn". Ông Dunford chỉ ra, cả Nga và Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng chiến lược và hoạt động quân sự của Mỹ kể từ sau Chiến tranh lạnh, cũng như phát triển các công nghệ và chiến lược để có thể lợi dụng các điểm yếu của Mỹ.

Mặc dù sự thiếu phù hợp trong NATO từng nhiều lần được nhắc tới sau khi Liên Xô sụp đổ, thế nhưng những khác biệt ngay trong nội bộ liên minh ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Vấn đề tiếp tục trở nên "nóng hơn" với quyết tâm gần đây của một số chính trị gia Liên minh châu Âu là thiết lập một lực lượng và không gian phòng ngự riêng của mình bên ngoài khuôn khổ NATO.

Theo ông Noah Mayhew, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Giải giáp vũ trang và không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt Vienna, tương quan của NATO trong tương lai sẽ phụ thuộc vào những quyết định mà giới lãnh đạo tại Moscow, Washington và các cường quốc khác – đưa ra trong những năm tới.

"Trong khi Mỹ và Nga tiếp tục công kích nhau bằng việc hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân và căng thẳng ngày càng mở rộng tại Đông Âu xung quanh vấn đề NATO mở rộng hoặc thái độ hiếu chiến của Nga – phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người – thì vai trò của NATO gần như chắc chắn chỉ gia tăng", ông Mayhew nói.

Chuyên gia này cũng nhận định, nếu Nga và các thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ có thể "hoà hoãn" với nhau, vai trò của NATO có thể một lần nữa thay đổi từ phòng thủ tập thể trở về phản ứng khủng hoảng.

Tuy nhiên, ông Alexander Neu, phát ngôn viên của Đảng Die Linke tại Uỷ ban Quốc phòng Quốc hội Đức lại cho rằng, những mâu thuẫn trong nội bộ NATO, về cả chính trị và kinh tế đang xuất hiện ngày càng nhiều.

"Chiến lược đã được thông qua của NATO không thể che giấu thực tế là các lợi ích khác nhau của từng nước thành viên NATO đang không ngừng phát triển. Mỹ muốn bảo hộ những vị trí mà họ cho là quan trọng tại châu Âu. Đối lập với các thập kỷ hậu thế chiến, mâu thuẫn giờ đây đang hiện hiện rõ ràng giữa các nước NATO", ông Neu chỉ ra.

Một số thành viên NATO sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dành cho Nga hoặc tham gia Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. "Các nước khác lại hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ Washington khi thúc đẩy một cuộc đối đầu mới với Moscow theo một cách thiếu trách nhiệm", ông cảnh báo.


NATO cần đối thủ

Phát ngôn viên của Đảng Die Linke nhận xét, phát biểu của Tướng Dunford phù hợp với một số cách suy nghĩ không chỉ trực tiếp từ NATO mà còn của giới quốc phòng các nước phương Tây.

"Hiện tại, hình ảnh kẻ thù cũ là Nga – cùng với hình ảnh kẻ thù mới là Trung Quốc, đang được đánh bóng mạnh mẽ. Nỗi sợ hãi như vậy của NATO chỉ chứng tỏ, các chính trị gia 'phòng thủ' quân sự và xuyên đại tây dương không còn chắc chắn về lý do của mình và những lời kêu gọi của họ ngày càng kém hiệu quả", ông Neu nhận xét. Theo ông, NATO luôn cần một đối thủ, nhưng người dân các nước phương tây không muốn bị cuốn vào những cuộc xung đột thậm chí là chiến tranh với Nga hay Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Mayhew nhớ lại, từng có thời điểm, yếu tố nổi bật của NATO là phòng thủ tập thể, bị giảm sút.

"Hội đồng Nga-NATO được thành lập và mối liên hệ giữa Nga và Mỹ được chào đón. Không may là, vì cuộc xung đột gần đây giữa hai nước, bao gồm cả về vấn đề Ukraine, vai trò của NATO một lần nữa trở thành cân nhắc trọng tâm trong chính sách phòng thủ của nhiều nước châu Âu", ônng cho hay.

Chi phí không so sánh được

Ông Neu lưu ý, ngân sách quân sự phương tây hàn năm lên tới 1.000 tỷ USD trong khi chi phí quốc phòng của cả Nga và Trung Quốc hợp lại cũng chỉ vào khoảng 300 tỷ USD/năm – chưa đầy 1/3 so với những gì NATO và Mỹ bỏ ra cho quốc phòng. Từ đó, câu hỏi đặt ra là, ai đang đe doạ ai.

"Nói một cách rõ ràng: tất nhiên Nga và Trung Quốc đang có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực quân sự, nhưng cả hai nước vẫn chưa thể là mối đe doạ cho phương Tây", phát ngôn viên đảng Die Linke phân tích. Ông dự đoán, trong bối cảnh căng thẳng giữa NATO và Nga cũng như Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị xoá bỏ, gần như chắc chắn các nước NATO sẽ không coi việc phá vỡ quan hệ với liên minh quân sự là điều có lợi cho mình.

"Còn phải chờ xem liệu các tên lửa từng bị cấm theo Hiệp ước INF có được tái triển khai ở châu Âu hay không, nhưng cả Mỹ và Nga đã cảnh báo khả năng đó có thể xảy ra", ông Neu cho hay. Đây cũng chính là lý do chính khiến các nước châu Âu tiếp tục tin tưởng vào các giá trị thành viên của NATO.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ