(Tổ Quốc) - Moscow cho rằng, cáo buộc mới nhất của Mỹ đối với Iran là không có đủ bằng chứng.
Theo Newsweek, Moscow đang bày tỏ sự hoài nghi với cáo buộc gần đây của Washington rằng, Iran đứng phía sau cái chết của hơn 600 lính Mỹ tại Iraq; đồng thời cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm khởi xướng một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông.
Trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Ba (2/4), Đặc phái viên đặc biệt của Mỹ về Iran, Brian Hook tiết lộ "dựa trên các báo cáo quân sự đã được giải mật của Mỹ, Iran chịu trách nhiệm cho cái chết của ít nhất 608 quân nhân Mỹ" trong suốt cuộc chiến Iraq.
Ông Hook tuyên bố, con số trên chiếm "17% toàn bộ những lính Mỹ đã bỏ mạng tại Iraq từ năm 2003 tới 2011" và không tính tới "hàng nghìn người Iraq bị giết hại" bởi các tay súng Hồi giáo dòng Shiite - vốn được cho là do lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran huấn luyện.
Quân đội Mỹ trong một vụ đụng độ với các tay súng Hồi giáo Shiite tại Najaf, Iraq vào ngày 20/8/2004 (ảnh: getty)
Trong khi Iran vẫn chưa có phản ứng chính thức trước phát biểu này, đồng minh của Cộng hòa Hồi giáo trong cuộc chiến Syria là Nga, đã kịp nêu lên những nghi ngờ của mình. Hôm thứ Năm (4/5), Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, bà "ngạc nhiên" trước lời cáo buộc, và "chúng tôi chưa từng nghe tới bất kỳ đụng độ nào giữa Mỹ và Iran trên lãnh thổ Iraq, vì vậy các đồng nghiệp Washington phải giải thích chính xác họ ám chỉ điều gì khi đề cập tới liên quan của Teheran".
"Chúng tôi khuyến nghị Mỹ không xem xét các cớ để bắt đầu một cuộc chiến tranh mới, làm gia tăng đau khổ mà toàn thế giới phải hứng chịu với chính sách hiếu chiến của mình", Maria Zakharova nói.
Dựa trên cáo buộc là Tổng thống Iraq lúc đó, Saddam Hussein, sở hữu vũ khí hóa học, Mỹ bắt đầu can thiệp quân sự tại quốc gia Trung Đông vào tháng 3/2003. Mặc dù mục tiêu lật đổ ông Hussein đã thành công, cáo buộc trên sau đó đã bị chứng minh là sai lầm. Quân lính Mỹ bắt đầu phải đối mặt với những lực lượng nổi dậy của những người Baath trung thành; các nhóm Hồi giáo Sunni bảo thủ cực đoan như Al-Qaeda…; và lực lượng Hồi giáo Shiite được cho là nhận sự "chống lưng" từ Iran.
Người dân Syria vẫy cờ Syria, Nga và Iran trên đường phố thủ đô Damascus (ảnh: Getty)
Lầu Năm góc ước tính hơn 3.500 lính Mỹ đã thiệt mang trên chiến trường Iraq từ năm 2003 tới 2011. Tuy nhiên, bà Zhkharova lưu ý, "vẫn chưa có con số chính xác" về số lượng dân thường thương vong và nó có thể là "hàng trăm nghìn người". Dự án mang tên Iraq Body Count đưa ra con số dân thường bị chết do bạo lực tại Iraq trong thời gian trên là hơn 114.000 người; còn một nghiên cứu của tổ chức PLOS Medicine công bố năm 2013 chỉ ra, con số thực tế vượt hơn 405.000 nạn nhân.
Báo cáo của PLOS Medicine được cho là tương tự với ước tính rằng nửa triệu dân thường đã bị giết tại nước láng giềng Syria kể từ khi cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy (được Mỹ và các đồng minh khu vực ủng hộ) nổ ra từ năm 2011. Đến năm 2014, IS đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn tại cả Iraq và Syria, khiến Lầu Năm góc đã thành lập một liên minh quốc tế bắt đầu không kích nhóm khủng bố tại cả hai quốc gia Trung Đông.
Tại thời điểm đó, Iran và Mỹ đứng chung một chiến tuyến chống lại IS tại Iraq, nơi họ đều ủng hộ giới lãnh đạo với người Hồi giáo Shiite chiếm ưu thế tại Baghdad. Tuy nhiên, tại Syria, trong khi Tehran đứng phía sau chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, thì Washington lại tìm cách lật đổ chính quyền này. Năm 2015 đánh dấu sự can thiệp của Nga vào Syria, ủng hộ Tổng thống al-Assad để đối phó với lực lượng đối lập và nhóm vũ trang nổi dậy.
Hiện tại, khi mà IS hầu như đã bị tiêu diệt nhờ vào những nỗ lực của cả ba quốc gia và các đồng minh khu vực, Mỹ lại hướng sự chú ý sang các nhóm bị trục xuất, bị cho là hoạt động theo chỉ đạo của Iran trong khu vực. Tehran đối mặt với cáo buộc hỗ trợ cho các nhóm nằm trong danh sách khủng bố của Mỹ, như Hezbollah tại Lebanon… Lữ đoàn của Hezbollah tại Iraq được coi là một trong những lý do khiến Nhà Trắng quyết định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, đồng thời tái áp dụng các lệnh trừng phạt mới nhằm thắt chặt nền kinh tế Iran.
Trong khi đó, Moscow tỏ ra thận trọng khi không gọi mối quan hệ với Iran là một đồng minh chính thức, mà là "quan hệ đối tác chiến lược" với lợi ích chung là cùng ủng hộ Tổng thống Syria al-Assad. Cả Nga và Iran đều coi Mỹ là đối thủ chung, đặc biệt sau những cấm vận kinh tế gần đây. Tuy vậy, lập trường và tầm nhìn của mỗi nước trong khu vực lại khác biệt rõ rệt theo từng thời điểm.
Mối quan hệ với hai "kẻ thù" của Iran là Israel và Arab Saudi, đã loại bỏ Nga khỏi nhóm "Trục đối kháng" bao gồm Iran, Syria, Hezbollah và các nhóm vũ trang đồng minh khác tại Trung Đông. Tên của nhóm xuất phát từ cách cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng nhắc tới Iraq, Iran và Triều Tiên là "Trục ma quỷ". Sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ John Bolton cũng mở rộng thuật ngữ của ông Bush dành cho Cuba, Libya và Syria.
Hiện đang là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Bolton ủng hộ hành động quân sự đối với tất cả các quốc gia phía trên (ngoại trừ Cuba).