• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất đồng trong điều hành trước COVID-19 đang "mở đường" cho cuộc li hôn thế kỷ giữa Anh và Scotland?

Thế giới 25/07/2020 20:51

(Tổ Quốc) - Khi Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson có mặt tại Orkney – một quần đảo nằm ở bờ biển phía bắc Scotland hôm thứ 5 (23/7), ông thể hiện thái độ tự tin khi tuyên bố, chuyến công du là bằng chứng cho sự cam kết của ông về một quốc gia thống nhất.

"Liên hiệp Anh là một thể chế vững mạnh tuyệt vời – nó giúp đỡ đất nước của chúng ta qua những thời điểm khó khăn", ông nói. "Tôi nghĩ điều mọi người thực sự muốn là được chứng kiến toàn bộ đất nước của chúng ta đoàn kết với nhau và đó là những gì chúng ta sẽ làm".

CNN nhận định, có khả năng những nỗ lực của ông Johnson sẽ thiếu đi sự hiện diện của giới lãnh đạo Scotland. Trong chuyến đi đầu tiên tới Scotland vào năm 2020, Thủ tướng Vương quốc Anh đã lựa chọn một nhóm các hòn đảo rải rác, có dân cư sinh sống và cách cơ quan quyền lực Scotland tại Edinburgh hàng trăm km. Ông cũng không gặp gỡ quan chức cấp cao được bầu cử của Scotland là Thủ hiến Nicola Sturgeon.

Boris Johnson có lí do để làm vậy. Mặc dù Scotland chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, độ tín nhiệm của bà Sturgeon lại gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do bà đã triển khai một cách tiếp cận thận trọng hơn so với người đồng cấp từ London trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Không ngạc nhiên khi mục tiêu chính trị lớn nhất của bà Sturgeon – đưa Scotland độc lập với nước Anh, cũng nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ cho ông Johnson lại đang tuột dốc. Chuyến thăm của ông tới Scotland được coi là một nỗ lực nhằm giành lại ít nhiều uy tín cho tiếng nói của mình trước Edinburg.

Bất đồng trong điều hành trước COVID-19 đang "mở đường" cho cuộc li hôn thế kỷ giữa Anh và Scotland? - Ảnh 1.

Ông Johnson tại cảng Stromness, Orkney (ảnh: CNN)

Cách tiếp cận bất đồng

Một trong nhiều bài học rút ra từ đại dịch tại Vương quốc Anh đó là phong cách chỉ đạo khác nhau giữa các nhà lãnh đạo.

Trước khi bị nhiễm COVID-19, ông Johnson chia sẻ với một nhóm phóng viên rằng, ông mới tới thăm một bệnh viện. "Có một vài bệnh nhân COVID-19 ở đó và tôi bắt tay với từng người một đấy", ông cho hay.

Ông Johnson đối mặt với nhiều chỉ trích vì những lời tư vấn lẫn lộn về việc tái mở cửa đất nước. Hôm 10/5, ông nói với người dân Anh rằng, nếu họ không thể làm việc tại nhà, giờ đây họ nên "được khuyến khích chủ động đi làm", nhưng cũng phải "duy trì cảnh giác".

Tuy nhiên, bà Sturgeon không tỏ ra ấn tượng. "Tôi không biết 'duy trì cảnh giác' có nghĩa gì", bà Sturgeon nhận xét vào thời điểm đó, đồng thời yêu cầu không triển khai khẩu hiệu này ở Scotland.

Khi chính phủ Johnson công bố quy định mới cho phép người dân được tới một số quốc gia mà không phải chịu cách li khi quay về quê nhà, bà Sturgeon gọi quy trình đi tới quyết định là "hỗn loạn". Không giống như London, bà từ chối cho phép đi lại không hạn chế từ Tây Ban Nha.

Một khác biệt nữa là trong vấn đề đeo khẩu trang. Scotland quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang trong cửa hàng từ hai tuần trước khi Downing Street (nơi đặt trụ sở văn phòng Thủ tướng Anh tại London) đưa ra động thái tương tự trên toàn nước Anh.

Thủ tướng Johnson không phản đối việc đeo khẩu trang nhưng ông lại thường xuyên xuất hiện mà để mặt trần, thậm chí ngay cả với các hoạt động trong nhà. Chuyến đi của ông tới Orkney kéo theo một cuộc biểu tình phản đối nhỏ, trong đó một người đàn ông đặt câu hỏi: "Khẩu trang của ông đâu, Boris?"

Bất đồng trong điều hành trước COVID-19 đang "mở đường" cho cuộc li hôn thế kỷ giữa Anh và Scotland? - Ảnh 2.

Chiếc khẩu trang có hoạt tiết tartan truyền thống của bà Sturgeon đã trở thành một biểu tượng tại Scotland (ảnh: CNN)

Nhận thức về quyền lực

Đối với người ngoài (thậm chí là nhiều người dân Anh), sự phân chia quyền lực trong Vương quốc Anh có thể khá rắc rối. Ông Boris Johnson là Thủ tướng của Vương quốc Liên hợp Anh và Bắc Ireland (bao gồm bốn quốc gia Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland) . Tuy nhiên, kể từ cuối những năm 1990, phần lớn quyền lực đã được trao cho các quốc gia thành viên – một quy trình được gọi là ủy thác quyền hành.

Điều này có nghĩa, nhiều quyết định chính sách liên quan tới y tế, giáo dục và giao thông của Scotland, Wales và Bắc Ireland được thực hiện không phải tại London mà tại Edinburgh, Cardiff và Belfast. Thường xuyên xảy ra tình trạng một chính sách lớn từ Downing Street được công bố hoành tráng nhưng nội dung đi kèm lại giải thích rằng, quy định chỉ áp dụng tại nước Anh.

"Đây thực sự là thời điểm có ý nghĩa khi ủy thác quyền hành trở nên rõ ràng nhất đối với người dân", Mark Diffley – nhà sáng lập công ty nghiên cứu và thăm dò ý kiến Mark Diffley đánh giá.

Bất chấp cách tiếp cận khác biệt, tình hình COVID-19 tại Scotland và nước Anh không quá khác biệt. Trong thực tế, tỷ lệ tử vong vì virus corona mới tại Scotland chỉ ít hơn Anh một chút. Trong 100.000 ca nhiễm COVID-19, có 77 người thiệt mạng tại Scotland, còn ở Anh là 86.

"Có những khác biệt quan trọng trong cách tiếp cận cũng như trong sự hiểu biết của dư luận về cách tiếp cận", giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học Edinburg, bà Linda Bauld chỉ ra.


Thúc đẩy độc lập

Câu hỏi cho bà Sturgeon – và là nỗi lo lắng cho ông Johnson, là liệu phản ứng tích cực dành cho sự lãnh đạo của bà Sturgeon trước đại dịch, có biến đổi thành những ủng hộ chính trị cho ý tưởng một Scotland độc lập hay không.

Lần cuối cùng người dân Scotland chính thức bỏ phiếu về độc lập là năm 2014. Tỷ lệ chọn "không" nhiều hơn so với chọn "có" vào khoảng hơn 10%. Nhưng nhiều thứ đã thay đổi kể từ đó. Năm 2015, trong cuộc tổng tuyển cử Vương quốc Anh, Đảng Quốc gia Scotland (SNP) của bà Sturgeon đã giành tới 56 ghế trong Hạ viện tại London – tăng 50 ghế so với trước đó. Một năm sau, trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, phần lớn người Scotland đều bỏ phiếu phản đối Vương quốc Anh rời bỏ EU.

Theo công ty thăm dò ý kiến John Curtice, tỷ lệ ủng hộ cho Scotland rời Vương quốc Anh đã tăng trong một năm trở lại; thậm chí ngay cả nhiều cử tri Scotland từng bỏ phiếu cho Brexit cũng bắt đầu mong muốn trở nên độc lập.

Đây là một vấn đề cho ông Johnson. Với chuyến công du tới Scotland, ông hy vọng có thể nhấn mạnh tới người dân Scotland về những lợi ích về mối liên hệ thống nhất 300 năm với nước Anh. Tuy nhiên, trong quá khứ, vị thủ tướng Đảng Bảo thủ không nhận được nhiều sự ủng hộ tại Scotland. Còn bà Sturgeon thậm chí còn nói đùa trên Twitter rằng, chuyến đi của ông Johnson không gây hại gì cho bà.

SNP từng hứa tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập trước kỳ bầu cử quốc hội Scotland vào năm sau; tuy nhiên, do đại dịch, kế hoạch này hiện đang tạm thời bị trì hoãn.

Ông Tommy Sheppard, một nghị sỹ SNP nhận xét: "Những người muốn Scotland trở thành một quốc gia độc lập rất hoan nghênh các chuyến công du của ông Boris Johnson tới Scotland bởi vì mỗi lần ông ấy đặt chân tới Scotland, sự ủng hộ cho độc lập sẽ lại gia tăng". Ông cho rằng, phản ứng trước đại dịch đã khiến nhiều người theo chủ nghĩa hoài nghi được mở mắt về sự khác biệt thực sự giữa Scotland và Anh.

"Họ nhận thức được điều đó theo một cách mà họ chưa từng biết. Và có lẽ họ hiểu ra, một Scotland độc lập có thể làm được gì nếu có quyền lực chính trị để hành động", ông Sheppard nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ