• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ đảo ngược tình thế, Quốc hội Anh đẩy Thủ tướng Boris Johnson bước trên băng mỏng?

Thế giới 04/09/2019 09:28

(Tổ Quốc) - Các nghị sỹ Anh đang giành quyền kiểm soát trong cuộc "đấu trí" với chính phủ tân Thủ tướng Boris Johnson, liên quan tới Brexit.

Hôm thứ Ba (3/9), với 328 phiếu thuận và 301 phiếu chống, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu ủng hộ việc đưa Dự luật về ngăn chặn rời Brexit không có thỏa thuận ra bỏ phiếu trong ngày 4/9.

Trang Political nhận định, mục tiêu ngay lập tức là ngăn cản Thủ tướng Boris Johnson đưa Anh rời khỏi EU vào cuối tháng 10 mà không kèm theo một thỏa thuận chính thức nào; tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc bỏ phiếu "vô tiền khoáng hậu" ngày 3/9 sẽ còn được nhắc tới trong nhiều năm tới.

Hãy cũng nhìn lại những ý nghĩa của nó đối với ông Johnson, Brexit và cả nước Anh.

1076493491

Tân Thủ tướng Anh đang rơi vào tình thế nước sôi lửa bỏng (ảnh: Reuters)

Thủ tướng Boris Johnson

Phiên bỏ phiếu ngày hôm qua có thể khiến tân Thủ tướng Anh trở thành chủ nhân của Văn phòng số 10 phố Downing có thời gian tại vị ngắn nhất. Theo truyền thống, nếu một Thủ tướng Anh mất khả năng giành thắng lợi trong bỏ phiếu tại Quốc hội, họ sẽ bị thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc kêu gọi bầu cử sớm để quyết định số phận của mình.

Tuy vậy, bầu cử sớm có thể là một rủi ro lớn. Nó có khả năng dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, cũng như là cuộc trưng cầu đầu tiên về chính ông Johnson. Năm 2017, Thủ tướng tiền nhiệm Theresa May cũng "suýt sảy chân" khi vượt qua bầu cử sớm với tỷ lệ vô cùng nhỏ.

Trong khi Đảng Bảo thủ vẫn được lòng dân, nhưng sự ủng hộ phần lớn nằm ở những người ở độ tuổi 30, thậm chí là trẻ hơn; và họ đang phải đứng trước những đối thủ từ cánh tả (Dân chủ Tự do) và cánh hữu (Đảng Brexit); chưa kể đến đối thủ truyền thống Công Đảng.

Và thậm chí để tổ chức bầu cử sớm, ông Johnson sẽ cần tới sự ủng hộ từ Công Đảng đối lập. Thế nhưng nhà lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn vẫn chưa khẳng định ông có đồng ý với động thái như vậy hay không. Sau nhiều tháng kêu gọi bầu cử sớm, hôm thứ Ba, ông Corbyn bất ngờ đưa ra điều kiện mới: khả năng về một Brexit không thỏa thuận phải được loại bỏ trước khi ông đồng ý bầu cử.

Quốc hội Anh cũng có thể cố gắng ép ông Johnson rời bỏ vị trí mà không cần tới các cử tri – thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, do Thủ tướng Anh đã thành công khiến Nữ Hoàng tạm dừng hoạt động của Nghị viện trong 5 tuần (từ ngày 9/9), gần như chắc chắn những người phản đối ông Johnson sẽ không đủ thời gian cho việc đó.

Brexit

Brexit sẽ bị trì hoãn? Điều đó phụ thuộc bầu cử sớm có diễn ra hay không và ông Johnson sẽ đi tới đâu. Tân Thủ tướng khăng khăng rằng, Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 cho dù Quốc hội có nói gì. Với thái độ cương quyết như vậy, người duy nhất có thể ngăn cản được ông Johnson có lẽ chỉ là Nữ Hoàng. Tuy nhiên, theo Politico, kịch bản "Nữ hoàng chống lại Boris Johnson" hầu như sẽ không bao giờ xảy ra bởi vì nó sẽ là màn đụng độ chính trị trực tiếp nhất của một vương triều Anh trong gần 200 năm qua.

Nếu bất kỳ cuộc bầu cử nào diễn ra trong tháng 10, các cử tri sẽ đứng trước ba lựa chọn: ủng hộ cho chính sách Brexit bằng mọi giá của ông Johnson; bầu cử ra một chính phủ do Công Đảng lãnh đạo để theo đuổi một Brexit kiểm soát được; hoặc có một chính phủ thiểu số do một đảng thân EU lãnh đạo như Dân chủ Tự do.

EU nghĩ gì?

Politico nhận định, EU sẽ không thay đổi những yếu tố chủ chốt trong thỏa thuận hiện tại. Ưu tiên lớn nhất của liên minh là duy trì thị trường chung và muốn đưa Anh trở thành một ví dụ tiêu cực mà các thành viên khác không muốn làm theo.

Hôm thứ tư (4/9), các quan chức ở Brussels sẽ đề xuất hai cơ chế ngân sách mới nhằm hỗ trợ các công ty và nhân viên bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi một Brexit không thỏa thuận. Mục tiêu của EU: ngăn chặn Anh "xé rách" thị trường chung của mình.

Nước Anh

Các ảnh hưởng dài hạn của cuộc tranh cãi trong tuần là không hề nhỏ. Giờ đây, ông Boris Johnson rõ ràng sẽ không thể có được một nước Anh "thống nhất", ngay cả khi ông tìm được một cách xử lý vấn đề Brexit.

Chính quyền Johnson hiện đang có một sự lựa chọn giữa việc "kích động" một cuộc khủng hoảng hiến pháp (nếu chính phủ không màng tới Quốc hội) hoặc cố gắng điều phối một cuộc khủng hoảng chính sách (nếu Quốc hội tiếp tục đảo ngược chính sách chủ chốt của chính phủ trong cuộc bỏ phiếu thứ hai vào ngày 4/9).

Nghị sỹ Liz Kendall hôm thứ Ba viết trên Twitter rằng, bà "chưa từng chứng kiến cơn giận dữ đến như vậy" giữa các đồng nghiệp tại Quốc hội Anh. Vốn trung lập về chính trị, Nữ Hoàng Elizabeth II giờ đây cũng bắt đầu có hành động, điển hình là quyết định đình chỉ Quốc hội vừa qua.

Chính phủ Scotland – có quyền lực tương tự với chính quyền liên bang tại nước Mỹ, đang kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý mới về việc rời Anh. London – được biết tới với lập trường thân EU, đang ngày càng xa rời phần còn lại của đất nước. Và viễn cảnh phải tái thiết lập một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Ireland đang đe dọa phá hoại một thỏa thuận hòa bình từng ký kết hơn 20 năm trước.

Nói cách khác, ảnh hưởng dài hạn nhất của Brexit, theo Politico, có thể chính là một nước Anh "tan vỡ". 

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ