• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đình chỉ Quốc hội: canh bạc lớn dày lợi thế cho Thủ tướng Anh hướng Brexit "thành công hoặc chết"?

Thế giới 29/08/2019 09:06

(Tổ Quốc) - Thủ tướng Boris Johnson thành công thuyết phục Nữ hoàng Elizabeth II cho phép đình chỉ Quốc hội trong 5 tuần

Điều này đồng nghĩa với việc những người chỉ trích ông sẽ có ít thời gian hơn dự tính cho các nỗ lực ngăn cản Anh rời EU mà không đạt được một thoả thuận nào vào ngày 31/10.

Trước ngày hôm qua (28/8), lựa chọn chính của các nhà lập pháp phản đối một Brexit không thoả thuận, chính là thông qua một đạo luật yêu cầu chính phủ tiếp tục tìm cách kéo dài thời hạn Brexit, đồng thời tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai trong trường hợp quá trình thương lượng với EU bị đổ vỡ.

Những động thái pháp lý trên  đáng lẽ được bắt đầu khi Quốc hội Anh quay trở lại làm việc vào ngày 3/9 sau kỳ nghỉ hè thường niên. "Binh đoàn" phản đối Brexit không thoả thuận đã lên kế hoạch phong toả quãng thời gian gián đoạn truyền thống kéo dài 3 tuần đúng vào kỳ diễn ra các hội nghị thường niên của các đảng phái chính – tức là khoảng giữa tháng 9. Họ tin rằng, thời gian là lợi thế của mình.

Tuy nhiên, giờ đây, chính những người này lại đang đối mặt với thách thức lớn khi khoảng thời gian cần thiết để tiến hành vận động cho đạo luật, đã bị cắt ngắn. Với việc Nữ hoàng phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Johnson, các chính trị gia phản đối Brexit không thoả thuận có thể sẽ buộc phải chuyển sang Kế hoạch B – bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Vấn đề là, để điều đó xảy ra, họ cần các nghị sỹ Đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống lại chính đảng của mình. Đây thực sự là một mong muốn khá "xa xỉ".

Screen Shot 2019-08-29 at 07

Động thái của ông Johnson khiến Nữ hoàng Anh đang phải đối mặt với nhiều tranh cãi (ảnh: CNN)

Mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào?

CNN nhận xét, chính phủ Anh thường sắp xếp để mỗi năm có một kỳ họp Quốc hội mới. Kỳ họp mới sẽ bắt đầu với bài phát biểu mở đầu của Nữ hoàng vào ngày 14/10, trong đó bà nêu ra những ưu tiên pháp lý của chính phủ theo một bài viết được Văn phòng Thủ tướng Anh soạn sẵn. Theo lệ thường, sau đó Quốc hội sẽ bắt đầu bước vào những ngày tháng tranh cãi xung quanh các vấn đề nóng. Và trong khi Thủ tướng Johnson sẵn lòng phá bỏ các thông lệ quen thuộc của đời sống chính trị Anh, thì truyền thống trên lại có vẻ như rất phù hợp với ông. Brexit sẽ là trọng tâm trong chương trình pháp lý của chính phủ và nội dung trong Bài phát biểu của Nữ hoàng cho phép Văn phòng Thủ tướng dập tắt ngay từ đầu những tuyên bố rằng, họ đang tìm cách ngăn cản Quốc hội thảo luận về Brexit.

Đáng chú ý thời gian biểu lại trùng với các cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng EU vào ngày 17 – 18/10. Nếu ông Johnson trở về từ sự kiện với một thoả thuận Brexit mới, ông được kỳ vọng sẽ thuyết phục Quốc hội trong hai tuần còn lại trước hạn chót Brexit. Và tiếp theo có thể sẽ là một cuộc tổng tuyển cử nhanh nhờ vào lực đẩy của chiến thắng Brexit, giúp củng cố hơn nữa quyền lực của cựu thị trưởng London.

Tuy nhiên, nếu đàm phán với EU thất bại và ông Johnson buộc phải bước trên con đường không thoả thuận, mọi thứ có thể sẽ rất khác biệt. Thách thức cho các đối thủ của ông là, ở thời điểm này, không gian kế hoạch của họ sẽ rất bị giới hạn.

Ngay cả khi họ thu thập được đủ ủng hộ để tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm ở giai đoạn cuối, luật pháp Anh dành ra quãng thời gian hai tuần để chính phủ mới thành lập hoặc tổ chức tổng tuyển cử. Trong khi đó, chiếc đồng hồ đếm ngược tới thời điểm Brexit không hề ngừng hoạt động.

Theo CNN, những người trước đây từng tỏ ý hoài nghi về việc tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm trong tuần sau – trước khi ông Johnson có đủ thời gian đạt được thoả thuận với EU – hiện ngày càng tỏ ra kiên quyết hơn  hơn. Ông Dominic Grieve, một nghị sỹ Đảng Bảo thủ và là một trong những người phản đối Brexit không thoả thuận mạnh mẽ nhất nói với BBC rằng, bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần tới giờ đây trở nên chắc chắn hơn bao giờ hết.

boris2

Ông Johnson nỗ lực để Brexit diễn ra đúng thời han 31/10 sắp tới (ảnh: Reuters)

Tại sao Brexit không thoả thuận lại gây tranh cãi?

Khi ông Johnson đứng đầu chiến dịch kêu gọi Anh rời EU trước khi diễn ra trưng cầu dân ý năm 2016, viễn cảnh này là điều khó tưởng tượng. Thực tế, không phải giới lãnh đạo chiến dịch "Rời đi", mà chính là chính phủ Anh mới có chính sách phải đạt được một thoả thuận trong trường hợp Brexit được lựa chọn.

Tuy nhiên, khi chính quyền Anh ngày càng lún sâu vào quá trình đàm phán với EU, những điều khoản gây chia rẽ lại càng lộ rõ. Những người chỉ trích cựu Thủ tướng Theresa May cho rằng, thoả thuận đề xuất của bà không đủ để phá vỡ quan hệ EU do nó bao gồm nhiều năm tiếp tục hợp tác theo các tiêu chuẩn của EU, nhằm duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ giữa hai bên. Theo những người phản đối, không có thoả thuận là cách duy nhất để có thể rời đi hoàn toàn.

Ông Boris Johnson thực sự muốn gì?


CNN nhận định, tất cả những gì Thủ tướng Johnson làm cho tới phút này, đều nhắm tới một mục đích – đạt được Brexit đúng thời hạn 31/10, cụ thể hơn, theo lời của ông là "thành công hoặc chết".

Đình chỉ Quốc hội đem lại một tác động chủ chốt. Nó thách thức những người phản đối dám ra tay. Ngay cả khi họ có kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tuần sau và ngay cả khi ông Johnson thất bại, tân Thủ tướng vẫn là người nắm giữ các lá bài.

Nếu không ai giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm – luật pháp Anh cho phép Thủ tướng đương nhiệm có quyền được kêu gọi tổ chức bầu cử vào ngày mà ông lựa chọn.

Như vậy, ông Johnson có thể đưa ra ngày bỏ phiếu vào 1/11 – khiến Brexit diễn ra theo đúng lịch trình mà khó ai có thể phản đối.

Dường như ông Johnson đang rất hài lòng khi cho rằng, với kế hoạch trên, Quốc hội Anh sẽ chịu "ngồi yên" tới thời điểm Brexit và mọi thứ sẽ theo đúng trình tự. Nhưng cho dù thế nào, một điều chắc chắn là tuần tới sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn trên chính trường Anh và giống như những gì xung quanh Brexit trong những ngày qua – sẽ không ai dám khẳng định điều gì chắc chắn. 

Phương Đỗ

NỔI BẬT TRANG CHỦ