• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ "giáng đòn" mạnh vào Nord Stream 2, Ba Lan hứng phản ứng gì từ Nga, Đức?

Thế giới 09/10/2020 08:22

(Tổ Quốc) - Tờ Bloomberg đăng tải, thái độ ủng hộ của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga, đang đem tới một cái giá không hề nhỏ.

Trước những chỉ trích rằng Berlin đang lợi dụng sức mạnh của mình để "chà đạp" lợi ích các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhỏ hơn, bà Merkel đã thẳng tay ngăn cản những tranh luận liên quan tới việc liệu khối có coi dự án Nord Stream 2 là một mục tiêu trừng phạt sau cáo buộc Moscow tham gia đầu độc chính trị đối lập Alexei Navalny.

Tuy nhiên, nước láng giềng Ba Lan mới đây lại giáng một đòn mạnh vào đường ống năng lượng tập đoàn Nga Gazprom xây dựng. Sau hai năm điều tra, chính quyền Ba Lan kết luận đường ống đe dọa quyền lợi người tiêu dùng nước này và làm phát sinh nhiều quan ngại về an ninh năng lượng, cạnh tranh thị trường và đối tác tài chính giữa Gazprom với 5 công ty năng lượng châu Âu trong xây dựng và quản lý đường ống. Mức phạt kỷ lục trị giá 7,6 tỷ USD của Warsaw dành cho Gazprom cho thấy dự án đường ống trở thành một trong những trọng tâm địa chính trị lớn nhất trong căng thẳng ngày càng leo thang giữa phương Tây và nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin.

Thái độ kiên quyết của nhà lãnh đạo Đức đẩy bà vào cuộc xung đột với Quốc hội Mỹ. Các lệnh trừng phạt từ Washington khiến dự án đã gần hoàn thành nhưng đành phải tạm dừng vào tháng Mười hai năm ngoái. Bên cạnh đó, bà Merkel cũng đứng trước viễn cảnh khác thường khi là nước thuộc EU lớn nhất có quan hệ tốt với Nga nhưng lại mâu thuẫn với một thành viên trong khối.

"Những gì Ba Lan và Washington đang làm đã tạo ra trở ngại cho việc hoàn thành Nord Stream 2 và làm Berlin tức giận. Đó là một vấn đề lớn cho chủ quyền của Đức", học giả chuyên về châu Âu và Âu-Á Wayne Merry tại tổ chức tư vấn mang tên Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ nhận định.

Bất ngờ "giáng đòn" mạnh vào Nord Stream 2, Ba Lan hứng phản ứng gì từ cả Nga, Đức? - Ảnh 1.

(ảnh minh họa: getty)

Sự ủng hộ của bà Merkel dành cho đường ống khí đốt đã "chọc tức" một số đồng minh. Họ cho rằng, Nord Stream 2 sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga trong khi bỏ qua những đối tác như Ukraine.

Nó cũng làm dấy lên cáo buộc rằng, nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trong EU đang đặt lợi ích của Đức lên trên các nước thành viên khác ngay cả khi bà thường xuyên kêu gọi họ hy sinh trong một loạt vấn đề từ giải cứu kinh tế cho tới tiếp nhận người tị nạn.

Sự việc của ông Alexey Navalny đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi trong nội bộ Đức liên quan tới số phận đường ống khí đốt. Bản thân bà Merkel từng có lúc đề cập khả năng coi Nord Stream 2 là một trong những mục tiêu trừng phạt. Tuy nhiên, sau đó bà bất ngờ dập tắt thảo luận và khẳng định vấn đề Navalny không mang tính song phương và phải được giải quyết với các đồng minh EU. Kể từ đó, giới chức Đức hầu như không còn tranh cãi về đường ống, thay vào đó Berlin và Paris cùng nhau đề xuất loạt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các mục tiêu Nga.

Giờ đây động thái trực tiếp từ Ba Lan – nước có dân số cao thứ 6 trong EU đã mở ra một thách thức hoàn toàn mới. Án phạt là một công cụ pháp lý làm phát sinh nhiều nghi vấn hơn – về cơ sở pháp lý, quyền tài phán và tính khả thi… mà không phải ai cũng có thể dễ dàng trả lời.

Các quy định của EU về lý thuyết cho phép Warsaw đề nghị các nước trong khu vực hỗ trợ họ thu tiền (nhân danh Ba Lan), ngay cả khi Ủy ban châu Âu chưa có phản ứng gì.

"Đây là một hòn đá khác cản trở dự án", nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Xã hội Đức Timon Gremmels nói. "Ít nhất, nó khiến kết quả thành công trở nên mơ hồ hơn và có thể tạo ra một cuộc chiến pháp lý lâu dài khác".

Quyết định của Ba Lan cũng tạo ra những quan ngại nguy hiểm về pháp quyền. Bất kỳ hành động kháng cáo nào của Gazprom đều là một bài kiểm tra cho hệ thống tòa án của Ba Lan. Hệ thống này mới có một loạt cải tổ và bị EU chỉ trích là phá hoại các giá trị nội khối bằng việc chính trị hóa tòa án.

Công cuộc "đại tu" hệ thống tòa án bắt đầu từ năm 2015 đã đẩy Ba Lan vào thế xung đột với các đối tác EU, đặc biệt là Đức. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ba Lan và cũng là nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách EU.

Không muốn bị cho là khiêu khích, Berlin phần lớn thời gian đều tỏ ra thận trọng trong phản ứng trước Ba Lan. Tuy nhiên, tháng trước, chính phủ Merkel đã đưa ra đề xuất ngừng cấp tiền từ quỹ viện trợ đại dịch của EU nếu các nước thành viên không tuân theo các tiêu chuẩn pháp quyền.

Tuần trước mối quan hệ giữa các bên tiếp tục tuột dốc khi vụ đầu độc Navalny được thảo luận tại một hội nghị thượng đỉnh của EU. Tại đây, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố, ông muốn coi đường ống là một mục tiêu trừng phạt và gọi đó là "một yếu tố trong chiến lược địa chính trị kiên trì của Nga".

Tuy nhiên, Nord Stream 2 cũng là một mục tiêu quan trọng đối với bà Merkel. Giới chức Berlin tỏ ra khá "im hơi lặng tiếng" trong khi phản ứng từ Điện Krelim lại rõ nét hơn. Quan hệ Nga- Ba Lan đang không quá "tốt đẹp", người phát ngôn của Tổng thống Putin là Dmitry Peskov nói trong một cuộc họp báo. Còn Phó Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề Quốc tế thuộc Thượng viện Nga Andrey Klimov cho hay, chính sách "chống Nga" của Ba Lan cũng nhằm vào cả Berlin. "Chúng tôi có rất nhiều cách khác nhau để đối phó với Ba Lan", ông Klimov cảnh báo.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ