• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ những con bài Trung Quốc dùng “trả đũa” Mỹ

Thế giới 13/12/2016 22:38

(Tổ Quốc) - Trung Quốc có nhiều lợi thế để gây sức ép lên chính quyền mới của tân Tổng thống Trump.

Dưới góc nhìn của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, đã đến thời điểm xem xét lại nền tảng cơ bản trong mối quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh – hay còn được gọi là chính sách “Một Trung Quốc”.

“Tôi không hiểu tại sao chúng ta phải bị ràng buộc bởi chính sách Một Trung Quốc nếu chúng ta không thỏa thuận được với Trung Quốc về một số vấn đề khác, bao gồm cả thương mại,” ông Trump tuyên bố trong cuộc phỏng vấn mới nhất. Những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh Đài Loan – một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của Bắc Kinh, đã khiến nhiều người nghĩ đến những kịch bản khác nhau, bao gồm cả việc Washington công nhận Đài Loan dẫn đến mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung đổ vỡ.

Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc ví ông Trump “như một đứa trẻ” trong quan hệ ngoại giao và cho rằng ông chỉ nắm được những nguyên tắc lợi ích của kinh doanh, nhưng không hiểu rằng “chính sách Một Trung Quốc không thể đem ra mua hay bán.”

Cùng điểm qua những cách Trung Quốc có thể sử dụng để gây sức ép lên chính quyền mới thành lập của Tổng thống Trump.

THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, có rất nhiều cách để “trả đũa” ông Trump. Một trong những mục tiêu đầu tiên chính là ông lớn của ngành công nghiệp máy bay Boeing. Theo kế hoạch, năm 2016, Boeing sẽ giao cho Trung Quốc đơn hàng trị giá 11 tỷ USD, trong đó, chủ yếu là máy bay Boeing 737. Tờ Hoàn Cầu cảnh báo rằng, Bắc Kinh có thể “dễ dàng” bỏ rơi Boeing để quay sang đối thủ truyền kiếp của công ty này tại châu Âu là Airbus.

“Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn,” Wu Xinbo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán nói, “Nếu ông Trump vẫn tiếp tục thúc đẩy vấn đề Đài Loan, chúng tôi sẽ có hành động đáp trả.” Chuyên gia này cũng cho biết thêm, sau Boeing, nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực xuất khẩu vào Trung Quốc dễ tổn thương nhất của Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình thăm xưởng sản xuất Boeing tại Seattle tháng Chín, 2015

Bắc Kinh cũng hoàn toàn có thể làm chậm lại dòng vốn đầu tư từ các công ty nhà nước và tư nhân của Trung Quốc vào Mỹ. Một nghiên cứu gần đây của Rhodium Group cho thấy, kể từ năm 2015, tỷ lệ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Mỹ đã vượt xa khối lượng đầu tư của Mỹ vào quốc gia châu Á.

Các quan chức thương mại Mỹ từng bày tỏ sự e ngại rằng Trung Quốc sẽ tăng cường phân biệt đối xử đối với các công ty công nghệ Mỹ bằng cách áp dụng luật chống độc quyền. Năm ngoái, chính phủ nước này đã phạt Qualcomm - một công ty sản xuất chip máy tính tại San Diego khoản tiền lên tới 975 triệu USD về những vi phạm liên quan đến bằng sáng chế.

Ngoài ra, như ông Trump đã từng nhắc đến, không loại trừ khả năng Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng nội tệ khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn đáng kể. Tuy nhiên, khả năng này cũng có thể khiến nguồn tiền của người dân Trung Quốc đổ ra nước ngoài, khi các hàng hóa nhập khẩu quan trọng trở nên đắt đỏ.

CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN

Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng tham gia vào một số sáng kiến của Mỹ về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tháng trước, nước này cũng từng ủng hộ Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt cho Bình Nhưỡng, trong đó, có nhằm tới các khoản thu nhập của Triều Tiên từ xuất khẩu than.

Tuy nhiên, Bắc Kinh hoàn toàn có thể chuyển từ “một đồng minh bất đắc dĩ’ sang “một người láng giềng thân thiện” với Bình Nhưỡng. Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tỏ ra không hài lòng với việc Mỹ triển khai lá chắn phòng thủ THAAD tại Hàn Quốc - cáo buộc rằng, Washington đang cố gắng hạn chế năng lực quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể tăng cường thương mại, cứu trợ và đầu tư cho Triều Tiên

John Delury, một chuyên gia Mỹ tại Seoul đưa ra một số biện pháp Trung Quốc có thể sử dụng như tăng cường thương mại, cứu trợ và đầu tư… cho nền kinh tế Triều Tiên. Bắc Kinh cũng có thể triển khai tập trận chung với Bình Nhưỡng, Delury nói.  

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Trong thời gian tại chức, Tổng thống Obama  từng rất nỗ lực để thuyết phục Bắc Kinh đồng ý tham gia vào Hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu; theo đó, hai quốc gia thải ra nhiều khí carbon nhất là Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng cam kết cắt giảm lượng khí gas gây hiệu ứng nhà kính.

Ông Obama đã phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích, cho rằng, để đổi lấy sự đồng thuận của Trung Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu, cựu Tổng thống Mỹ đã thất bại, không thể “ép” quốc gia châu Á mở cửa thị trường, không tỏ rõ thái độ trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông…

 Tổng thư ký LHQ Ban ki moon, Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Obama

Ngoài ra, việc Trung Quốc nói lời đồng ý với hiệp định biến đổi khí hậu, được đánh giá là do đáp ứng chính mục tiêu đề ra của Bắc Kinh, thay vì chịu sức ép từ phía Mỹ. Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí và thực phẩm bẩn đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Trung Quốc, sớm hay muộn Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ ký kết văn bản trên. Đáng chú ý là, hiệp định chỉ yêu cầu Trung Quốc giảm lượng khí thải vào khoảng năm 2030, mà không kèm theo mục tiêu cụ thể - khác xa với những gì mà Mỹ phải cam kết với Liên Hợp Quốc.

Nếu Bắc Kinh có những thay đổi trong vấn đề biến đổi khí hậu, liệu tân Tổng thống Trump có phải chịu bất kỳ sức ép nào? Khó có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn. Ông Trump từng nói rằng, biến đổi khí hậu chỉ là một “trò chơi khăm” mà Trung Quốc sử dụng để làm tổn hại thương mại Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó, chính ông cũng đính chính, những gì mình phát biểu chỉ là một câu nói đùa.

ĐÀI LOAN

Nếu ông Trump chính thức thừa nhận Đài Loan, phản ứng đầu tiên của Trung Quốc có lẽ sẽ là tiến hành “trừng phạt” Đài Loan, nhằm giảm bớt giá trị của hòn đảo này đối với Washington.

Trung Quốc có thể sẽ gia tăng sức ép đối với 22 lãnh thổ có chủ quyền trên thế giới hiện vẫn đang duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan – trong đó, có cả Vatican – phải chính thức thừa nhận chính sách Một Trung Quốc của mình.

Sau đó, Bắc Kinh sẽ nhắm tới nền kinh tế Đài Loan bằng cách hạn chế nguồn đầu tư từ các công ty Trung Quốc và cấm các khách du lịch Đại lục đến đây.

 Người đứng đầu Đài Loan, bà Thái Anh Văn

Bắc Kinh cho rằng, những động thái gần đây của ông Trump có thể sẽ khuyến khích Đài Loan đòi độc lập, cũng như khiến các quốc gia khác “theo gương” Mỹ và công nhận hòn đảo này.

Nếu người đứng đầu Đài Loan, bà Thái Anh Văn tuyên bố độc lập, “và cả thế giới công nhận nền độc lập đó,” Trung Quốc sẽ tiến hành các hành động quân sự”, Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân cho biết. “Tuy nhiên, tôi không tin rằng bà Thái có ý định này,” ông Yinhong bổ sung.

IRAN

Sự tham gia của Trung Quốc vào hiệp định hạt nhân với Iran năm 2015 đã giúp mở rộng hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và Tehran. Thông qua Iran, Trung Quốc hy vọng có thể gia tăng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông và làm giảm vị thế độc tôn Mỹ đang nắm giữ trong khu vực này.

 Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Tuy nhiên, trong trường hợp hiệp định trên bị xóa bỏ và thương lượng lại như tân Tổng thống Trump từng đe dọa, theo Edward C. Chow – một nhà nghiên cứu về năng lượng và an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington - Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động thương mại với Iran và dần dần cô lập Mỹ.

Khoảng 1/3 dầu mỏ khai thác tại Iran được xuất khẩu đến Trung Quốc, và quốc gia châu Á cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Iran – một vị trí sẽ không thay đổi, cho dù tỷ phú Trump có tuyên bố nước Mỹ rời khỏi hiệp định hạt nhân.

“Vì ông Trump đã bắt đầu với Đài Loan trước, Trung Quốc rất có thể sẽ tăng gấp đôi tỷ trọng thương mại và đầu tư vào Iran,” chuyên gia Chow dự đoán.

(Theo New York Times)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ