• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ S-400 "đào sâu" rạn nứt giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria?

Thế giới 16/05/2019 10:24

(Tổ Quốc) - Động thái leo thang quân sự gần đây tại Syria được cho là càng đào sâu hơn nữa khe nứt giữa Moscow và Ankara.

Trong những tuần gần đây, vùng tây bắc Syria chứng kiến loạt leo thang quân sự mới khi các lực lượng Nga và Syria phát động chiến dịch ném bom nhằm vào nhiều địa điểm tại Idlib, Aleppo và Hama. Trước đó, hai đợt tấn công của nhóm vũ trang Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) vào ngày 27/4 đã khiến 22 tay súng thân chính phủ bị thiệt mạng.

Đây là động thái leo thang nghiêm trọng nhất kể từ khi Moscow và Ankara đạt được một thỏa thuận chi tiết, thiết lập khu vực phi quân sự tại các khu vực do quân nổi dậy nắm giữ ở vùng tây bắc Syria vào tháng 9/2018. Theo tổ chức Quan sát nhân quyền Syria, suốt nhiều tháng qua, các điều khoản của thỏa thuận đã liên tục bị vi phạm, dẫn đến gần 500 thường dân bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ cũng có liên quan tới hai sự việc riêng rẽ vào đầu tháng Năm. Quân đội Syria nã pháo vào một trạm quan sát của Thổ tại tỉnh Hama, trong khi các tay súng người Kurd của YPG tấn công các đồn gác của Thổ gần Tel Rifaat, thuộc tỉnh Aleppo.

Cho tới thời điểm hiện tại, điểm chung lớn nhất trong quan hệ hợp tác Washington – Ankara tại Syria chính là đối phó các áp lực từ Mỹ. Tuy nhiên, những khác biệt đang ngày càng trở nên rõ ràng: Moscow dần hết kiên nhẫn với việc Ankara không thể kiểm soát HTS và đảm bảo cho việc thực thi khu vực phi quân sự; trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng vì Nga vẫn chưa thực hiện lời hứa đẩy lực lượng YPG ra khỏi Tel Rifaat.

Động thái leo thang quân sự phía trên được cho là càng đào sâu hơn nữa "khe nứt" giữa Moscow và Ankara.

Bất ngờ S-400 đào sâu rạn nứt giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria? - Ảnh 1.

Nga, Thổ "bằng mặt nhưng không bằng lòng"? (ảnh" getty)

Ngày 25-26/4, vòng đàm phán Astana tiếp theo giữa Nga, Thổ và Iran lại một lần nữa không thể tạo ra đột phá. Moscow muốn Ankara tham gia thúc đẩy thành lập một ủy ban hiến pháp chung giữa chính quyền và phe đối lập tại Syria, nhưng không đạt được thỏa thuận gì.

Ngày 2/5, Ngoài trưởng Thổ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara và Washington đang xích lại gần nhau, nhằm thiết lập một "khu vực an ninh" ở phía đông sông Euphrates, dọc theo biên giới Syria – Thổ. Bất mãn với thông báo này, Moscow quyết định gia tăng áp lực lên cả hai khu vực nằm trong mối quan tâm của Thổ là Tel Rifaat và Idlib.

Trong khi Nga và Iran muốn duy trì Tel Rifaat như một khu vực đệm để kiểm soát được Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh, Ankara lại muốn nắm chắc khu vực nhằm củng cố những gì đã đạt được tại Afrin, đồng thời tiến sâu hơn về Manbij. Đây là một phần trong những nỗ lực của Thổ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của vùng lãnh thổ rộng lớn thuộc quyền kiểm soát của YPG – lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ xếp vào danh sách khủng bố.

Mục tiêu ngắn hạn của Ankara là hoàn toàn kiểm soát biên giới Syria – Thổ ở phía tây sông Euphrates và mở ra tuyến đường Gaziantep – Aleppo, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thổ tiếp cận thị trường Syria.

Về phần Idlib, Ankara quan ngại, nếu chính phủ Syria giành lại tỉnh này và các vùng xung quanh, Thổ sẽ đánh mất lợi thế chính trị trong cuộc xung đột Syria và phải đối mặt với làn sóng người tị nạn từ Idlib tràn qua biên giới. Ngoài ra, nó cũng sẽ làm giảm ảnh hưởng của Thổ tới vùng biên giới tại phía tây sông Euphrates. Còn đối với Nga, giá trị chiến lược của Idlib nằm ở chỗ 2/3 tuyến đường cao tốc M4 và M5 kết nối Latakia tới Aleppo và Damascus tới Aleppo – đều đi qua tỉnh này. Nắm quyền kiểm soát các con đường huyết mạch trên sẽ giúp cho quá trình khôi phục kinh tế của chính quyền Syria. Bên cạnh đó, Moscow cũng cần đảm bảo an ninh tại một số khu vực chủ chốt ở phía tây Idlib, nhằm ngăn cản các khả năng căn cứ quân sự Hmeimim của họ bị lực lượng đối lập tấn công.

Bất ngờ S-400 đào sâu rạn nứt giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria? - Ảnh 2.

Thỏa thuận S-400: yếu tố then chốt trong quan hệ tay ba Mỹ - Nga - Thổ (ảnh: Reuters)

Với những "ngoắt nghéo" trên, có vẻ như Moscow sẵn sàng đưa cho Ankara cơ hội mở rộng ảnh hưởng tại Tel Rifaat nhằm đổi lấy việc Nga tiến sâu vào Idlib. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy rất khó để đạt được do những lý do sau.

Thứ nhất, Nga gần như chắc chắn không muốn để Thổ tiến hành không kích như ở Afrin năm ngoái. Thứ hai, khả năng lớn là Ankara sẽ không đồng ý với một chiến dịch mặt đất quy mô lớn vào Idlib; và nếu Moscow gây sức ép, Thổ sẽ có thể tiến gần hơn nữa về phía Washington. Thứ ba, Iran, chính quyền Syria và cả YPG sẽ đều phản đối một thỏa thuận giữa Nga – Thổ về Tel Rifaat.

Ngoài ra, còn hai yếu tố có thể khiến tình huống thậm chí còn phức tạp hơn nữa cho Ankara. Đầu tiên, Mỹ gần đây yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga, đồng thời đề nghị một thỏa thuận ở phía đông sông Euphrate liên quan tới YPG. Lựa chọn này có thể sẽ khiến Ankara rời khỏi tiến trình Astana và làm xấu đi quan hệ với Nga.

Thứ hai, sự im lặng của Thổ trước chiến dịch tấn công do Nga dẫn đầu vào Idlib nhiều khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới lập trường của Ankara với phe đối lập Syria, làm tăng ảnh hưởng của HTS tại Idlib… Các nỗ lực của Iran nhằm làm trung gian giữa Anakra và Damascus cũng có thể khiến tiếng nói của Thổ với phe đối lập tại Syria bị yếu đi.

Giờ đây, rõ ràng chiến lược "cố gắng để có tất cả" không phải là điều tốt nhất cho Ankara. Trong tương lai, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cần phải quyết định ưu tiên của mình là một thỏa thuận ở phía đông hay phía tây sông Euphrates; nhưng quan trọng hơn cả, liệu Thổ có nên từ bỏ Tel Rifaat, Manbij hay Idlib và với giá nào? Nếu Mỹ kiên quyết với lập trường về S-400, Ankara có thể sẽ buộc phải lựa chọn giữa các lệnh trừng phạt từ Mỹ gây tổn hại tới nền kinh tế hoặc một cuộc tấn công toàn diện của Nga tại Idlib khiến ảnh hưởng của Thổ tại Syria bị sụt giảm.

Những yếu tố trên, cùng với rạn nứt ngày càng sâu trong quan hệ Nga – Thổ, hứa hẹn sẽ dẫn tới thêm nhiều leo thang và khó dự đoán tại vùng tây bắc Syria.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ