(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Quốc phòng hai nước vừa ký kết một thỏa thuận liên quan tới hiện diện tàu chiến của Nga tại Venezuela.
Newsweek đưa tin, quân đội Nga mới đây đã ký một thỏa thuận cho phép gửi tàu chiến tới Venezuela nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với quốc gia Mỹ Latin. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục chỉ trích Tổng thống Venezuela đương nhiệm Nicolas Maduro và "bật đèn xanh" cho những nỗ lực thay thế ông Maduro của phe đối lập.
Hôm thứ năm (15/8), Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela đã có chuyến công du tới Moscow gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Hai nhà lãnh đạo đã "ký kết một hiệp định về các chuyến ghé thăm của tàu chiến hai nước tới các cảng của cả Nga và Venezuela, cũng như thảo luận tình hình tại Venezuela và các vấn đề trong quan hệ hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự song phương". Thỏa thuận trên ra đời trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng liên quan trực tiếp tới Tổng thống Maduro – được Moscow ủng hộ và nhà lãnh đạo Quốc hội Juan Guaido – được Washington ủng hộ.
Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước về việc gần như tẩy chay hoàn toàn chính quyền Tổng thống Maduro, Bộ trưởng Quốc phòng Padrino cho hay, Venezuela "thực sự đang phải trải qua một tình huống khó khăn vì những hành động của Mỹ". Ông Maduro cũng gọi đó là "cách vi phạm luật pháp quốc tế một cách vô cùng ngang ngược".
Tàu chiến chống tàu ngầm Nga Moskva được nhìn thấy tại cảng La Guaira, cách phía bắc Caracas khoảng 30 km vào ngày 27/8/2013. Mối quan hệ quân sự giữa Moscow với Mỹ Latin đạt đỉnh điểm trong Chiến tranh Lạnh, tuy nhiên giờ đây, Nga đang tìm cách "hâm nóng" quan hệ trong bối cảnh Mỹ tiếp tục can thiệp vào khu vực (ảnh: getty)
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu nói, giới chức Nga "đang theo dõi chặt chẽ những sự kiện diễn ra tại Venezuela", và "nhận thức được áp lực chưa từng có trong tiền lệ mà Washington hướng tới mục tiêu gây bất ổn" cho Venezuela. Ông Shoigu khẳng định sự ủng hộ mà Moscow dành cho Tổng thống Maduro trong những nỗ lực "theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập và đối phó với những cố gắng của Mỹ nhằm thay đổi chính phủ được bầu cử hợp pháp". Theo người đứng đầu cơ quan quốc phòng Nga, "hành động can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại khi bầu không khí đang vô cùng căng thẳng, là không thể chấp nhận được".
Venezuela đã và đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế . Tình hình ngày càng tồi tệ hơn sau khi các lệnh trừng phạt của Washington bắt đầu vào năm 2017. Hồi tháng Một, mâu thuẫn chính trị bùng nổ khi ông Guaido tuyên bố mình là Tổng thống lâm thời trong một động thái được Washington và các đồng minh khu vực ủng hộ.
Trong khi đó, mặc dù bị hầu hết phương Tây và các đối tác quốc tế "quay lưng", Tổng thống Maduro vẫn nhận được sự trợ giúp từ các nước Mỹ Latin cánh tả như Cuba, cũng như một số cường quốc nước ngoài bao gồm Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau buổi gặp gỡ ngày 15/8, Bộ trưởng Padrino viết trên Twitter rằng, thỏa thuận quân sự mới sẽ giúp "duy trì mối quan hệ mạnh mẽ và năng động" giữa Venezuela và Nga. Ngoài ra, nó còn dẫn tới thêm nhiều trao đổi song phương trong "giáo dục, huấn luyện và tập trận kết hợp trên cạn, dưới nước và trên không".
Một tháng trước khi ông Guaido tự nhận là Tổng thống hồi tháng Một, các máy bay ném bom của Nga đã tiến hành tập trận chung với phi cơ chiến đầu Venezuela tại vùng biển Caribbean. Bất chấp những cảnh báo từ Mỹ, Nga tiếp tục triển khai nhân sự tới Venezuela theo các thỏa thuận "hợp tác kỹ thuật quân sự" được ký kết từ năm 2001 với một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất trên thế giới.
Khi ông Guaido bất ngờ tiến hành đảo chính vào cuối tháng Tư, một số quan chức cấp cao của chính quyền Trump đã cáo buộc Moscow cố tình hỗ trợ để ông Maduro giữ vững quyền lực mặc dù chính ông Maduro kiên quyết phủ nhận liên hệ với Nga. Sau đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hé lộ, Bộ trưởng Padrino chính là một trong 3 quan chức cấp cao của Venezuela từng đồng ý tham dự vào kế hoạch thay đổi chế độ, nhưng lại rút ra vào phút cuối. Tương tự, ông Padrino cũng bác bỏ lời cáo buộc.
Kể từ đó, hai ông Padrino và Bolton từng nhiều lần công kích lẫn nhau trên Twitter. Hôm thứ tư (14/8), Cố vấn An ninh Mỹ đã bình luận về cái chết hồi tháng Sáu của Chỉ huy hải quân Venezuela Rafael Acosta. Ông Acosta bị coi là phản bội và từng được nhắc tới trong một bài báo của New York Times.
Ông Bolton đã tag ông Padrino trong cập nhật trên Twitter: "anh có một lựa chọn. Bảo vệ cho đồng đội của mình khỏi bị tra tấn và lạm dụng… Hoặc anh sẽ bị ghi nhớ vì đã tham dự vào các hành động này… Chúng tôi đứng cạnh những người lính Venezuela đã thề trung thành với đất nước và hiến pháp của mình… Chúng tôi bên cạnh các bạn khi các bạn chiến đấu vì nền tự do cho người dân Venezuela".
Hiện ông Padrino vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản ứng chính thức nào.