(Tổ Quốc) - Người đứng đầu nước Nga cho rằng, "sẽ tốt hơn cho chúng ta, nếu mọi thứ là quá muộn đối với họ".
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã kêu gọi phát triển quốc phòng đối phó với các vũ khí siêu thanh – một công nghệ mà chính ông từng tuyên bố chỉ nước Nga mới sở hữu.
Hôm thứ Hai (14/5), phát biểu trước Bộ Quốc phòng và những nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, ông Putin tỏ ý khen ngợi những tiến bộ gần đây của quân đội nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng cảnh báo "cần phải cẩn trọng trước những thay đổi trong tình hình chính trị - quân sự có thể ảnh hưởng tới an ninh khu vực và toàn cầu". Ông đặc biệt đề cập tới quyết định của người đồng cấp Mỹ Donald Trump rời khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với Bộ Quốc phòng Nga (ảnh: RT)
Trong số các biện pháp mà ông Putin đưa ra là "tái trang bị cho binh lính các thiết bị công nghệ mới nhất có khả năng chống cự lại các cuộc không kích của kẻ thù, bao gồm vũ khí siêu thanh". Các vũ khí siêu thanh có thể đạt được vận tốc Mach 5, tương đương gấp 5 lần tốc độ âm thanh – quá nhanh cho bất kỳ hàng phòng thủ nào. Ông Putin cho rằng, "chúng ta biết rõ, cho tới nay, những vũ khí như vậy chưa hề tồn tại trên thế giới, không ai có, ngoại trừ chúng ta, ngoại trừ nước Nga".
"Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng, sớm hay muộn, các vũ khí đó sẽ xuất hiện tại các cường quốc khác trên thế giới", ông Putin nói. "Sẽ tốt hơn cho chúng ta nếu mọi thứ là quá muộn đối với họ. Điều đó có nghĩa là gì, 'quá muộn đối với họ'? Nó có nghĩa là các biện pháp bảo vệ chống lại các loại vũ khí này nên xuất hiện trước khi vũ khí siêu thanh được đưa vào cảnh báo tại các nước mà tôi đã đề cập".
Sẽ tốt hơn cho chúng ta nếu mọi thứ là quá muộn đối với họ. Điều đó có nghĩa là gì, 'quá muộn đối với họ'? Nó có nghĩa là các biện pháp bảo vệ chống lại các loại vũ khí này nên xuất hiện trước khi vũ khí siêu thanh được đưa vào cảnh báo tại các nước mà tôi đã đề cập.
Tổng thống Vladimir Putin
Tháng 3/2018, Tổng thống Putin đã phần nào hé lộ việc phát triển kho vũ khí siêu thanh có năng lực hạt nhân của Nga, khi giành một phần lớn trong bài phát biểu quốc gia thường niên để nói về các loại vũ khí như tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Kinzhal Kh-47M2 và thiết bị phóng trượt Avangard phù hợp với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Sarmat RS-28. Một tên lửa siêu thanh khác phóng từ tàu ngầm có tên 3M22 Tsirkon cũng đã được ông Putin xác nhận trong bài phát biểu vào tháng 3 năm nay.
Tất cả các loại vũ khí trên đều đã trải qua nhiều vòng kiểm nghiệm và Kinzhal được cho là đã đi vào sử dụng cùng với các phi cơ đánh chặn Mikoyan MiG-31K và phi cơ tấn công. Về phía Mỹ, mặc dù bày tỏ nghi ngờ một số tuyên bố của Nga liên quan tới công nghệ tên lửa, nhưng Washington vẫn không ngừng thúc đẩy xây dựng hệ thống tấn công và phòng thủ đối phó với vũ khí siêu thanh. Mỹ cũng chỉ trích Moscow đã cố tình hạ thấp năng lực của một mẫu tên lửa khác là Novator 9M729 mà theo Washington cáo buộc đã vi phạm INF.
Nga phủ nhận việc hệ thống đã vượt qua giới hạn cấm của hiệp ước, đồng thời tố cáo chính Mỹ đã vi phạm INF khi theo đuổi kế hoạch lá chắn tên lửa toàn cầu, bao gồm các hệ thống phòng thủ có thể được sử dụng trong cả tấn công. Hồi tháng Hai, chỉ hai tuần sau khi tuyên bố dự định phát triển một kế hoạch tham vọng "nhằm phát hiện và phá hủy bất kỳ tên lửa nào tấn công vào nước Mỹ", Tổng thống Trump đã rời khỏi hiệp ước có hiệu lực từ thời kỳ chiến tranh lạnh.
Nga thử nghiệm thiết bị phóng trượt Avangard tại vùng Dombarovsky vào ngày 26/12/2018 (ảnh: Bộ quốc phòng Nga)
Trong khi INF dự kiến sẽ chính thức sụp đổ vào tháng Tám, cả Mỹ và Nga đều cảnh báo họ đã xem xét khả năng triển khai các hệ thống vũ khí tầm ngắn và tầm trung. Theo Tổng thống Trump, Washington đã "phát triển các lựa chọn đối phó quân sự của riêng mình, và sẽ làm việc với NATO cùng các đồng minh khác để ngăn cản bất kỳ bước tiến quân sự nào đến từ những hành vi trái pháp luật của Nga". Đáp trả, Tổng thống Putin nhấn mạnh, trong trường hợp bị Mỹ đe dọa, Nga sẽ không chỉ tấn công các vị trí đặt tên lửa của Mỹ trên khắp châu Âu, mà còn cả các bộ tư lệnh của Lầu Năm góc ngay tại Mỹ - điều mà ông và giới chuyên gia Nga đánh giá có thể được thực hiện chỉ trong vài phút.
Với những bất đồng sẵn có giữa Moscow và Washington trong một số vấn đề của thế giới, như khủng hoảng chính trị Venezuela, leo thang căng thẳng liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, chiến dịch tấn công mới do Moscow "chống lưng" tại Syria…, ở thời điểm hiện tại hai cường quốc quân sự hàng đầu khó có thể ngồi xuống bàn thương lượng cùng nhau.
Hôm thứ Hai (13/5), trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ các đồng minh châu Âu tại Brussels, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng có cuộc gặp mặt với người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị. Moscow và Bắc Kinh đang ngày càng xích lại gần nhau hơn trong những năm gần đây, đặc biệt trước sự hiện diện quân sự gia tăng của Mỹ trên toàn cầu.
Khi được hỏi về tình trạng hiện tại trong quan hệ giữa ba nước, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết: "Quan hệ Trung – Nga đã thiết lập một hình mẫu cho cộng đồng quốc tế" và hai nước "sẵn lòng chấp nhận các thỏa thuận với các cường quốc thế giới, bao gồm cả Mỹ, dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, củng cố hợp tác và đấu tranh vì hòa bình, an ninh và ổn định cho toàn cầu". Ông Lavrov cũng bổ sung: "ý nghĩa của mối quan hệ giữa các cường quốc không phải chỉ vì người dân ở những nước này và đẩy mạnh hợp tác các bên cùng có lợi; mà nó còn vì số phận của thế giới".