• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Rối ren trước bầu cử châu Âu: Cơn "ác mộng" chỉ mới bắt đầu của cựu lục địa?

Thế giới 14/05/2019 08:19

(Tổ Quốc) - Chỉ chưa đầy hai tuần nữa, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra với những tín hiệu tích cực cho các đảng phái theo chủ nghĩa hoài nghi EU.

Ba năm kể từ khi bỏ phiếu đồng ý với Brexit, tương lai mối quan hệ Anh - EU vẫn đang bị bao phủ trong một lớp sương mù. Hai lần bỏ qua hạn chót, giờ đây người Anh buộc phải tham gia vào cuộc bầu cử châu Âu vào ngày 23/5 – hai tháng sau khi họ đáng lẽ nói lời tạm biệt với EU "một lần và mãi mãi".

Trong hai tuần tới, các cử tri trên toàn lục địa già sẽ lựa chọn ra 751 thành viên của Nghị viện châu Âu. Trong lịch sử, tỷ lệ người đăng ký nhưng không đi bỏ phiếu thường khá thấp.

Rối ren trước bầu cử châu Âu: Cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu của cựu lục địa? - Ảnh 1.

Chủ nghĩa bài EU không còn là một phong trào ngắn hạn (ảnh: CNN)

CNN nhận định, cơn giận dữ về tình hình Brexit giờ đây thuộc về những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu. Theo kế hoạch ban đầu, Brexit diễn ra vào ngày 29/3 và Anh sẽ không có liên quan gì tới cuộc bầu cử sắp tới.

Năm 2014, đảng bài EU UKIP của chính trị gia Nigel Farage về đầu trong cuộc bầu cử châu Âu tại Anh. Điều này giúp gây áp lực lên Thủ tướng Anh lúc đó là David Cameron, buộc ông phải tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit. Năm 2019, đảng Brexit mới của Farage thậm chí còn đứng trước một công việc dễ dàng hơn. Tình huống rối ren hiện tại là một thông điệp mạnh mẽ và Farage được dự đoán sẽ lại dẫn đầu.

Các đảng phái hoài nghi châu Âu không chỉ có viễn cảnh tươi sáng tại Anh. Một cuộc trưng cầu dân mới nhất chỉ ra, những đảng này có thể giành được tới 35% số ghế tại Nghị viện châu Âu. Trước đó, những người bài EU đã không thể thành công kết nối ở cấp độ châu Âu – có nghĩa là ảnh hưởng của họ trong nội khối luôn bị giới hạn. Giờ đây mọi thứ đang thay đổi.

Matteo Salvini, Phó Thủ tướng Italy, đồng thời là nhà lãnh đạo của đảng cực hữu Lega Nord – hiện đang điều hành liên minh với đảng dân túy Phong trào 5 sao, đã giành nhiều tháng trời để tập hợp tất cả các đảng bài EU cùng nhau. Nếu thành công, ông có thể tạo ra một trong những khối lớn nhất ngay bên trong Nghị viện châu Âu.

Rối ren trước bầu cử châu Âu: Cơn ác mộng chỉ mới bắt đầu của cựu lục địa? - Ảnh 2.

Brexit không phải là cơn ác mộng duy nhất của châu Âu? (ảnh: EU)

Bà Catherine De Vries, Giáo sư chính trị tại Đại học Vrije, Amsterdam cho rằng, phong trào hiện tại phía sau những người theo chủ nghĩa hoài nghi có thể khiến mọi người bỏ qua các khác biệt.

"Một số người có thể gia nhập nhóm của Salvini bởi vì họ có động cơ tìm đến một lực lượng lớn hơn", bà De Vries nói. Động cơ đó là năng lực gây ảnh hưởng tới các chính sách của EU, thay vì chỉ có thể ngồi một bên và phản đối.

Còn ông Matthew Goodwin, Giáo sư của Đại học Kent, Anh nhận định, nhiều nhà dân túy châu Âu đã thay đổi cách nhìn, từ việc muốn tự có một Brexit "của riêng mình" thành họ có thể gây ảnh hưởng tới châu Âu từ bên trong.

Họ [các nhà dân túy châu Âu] sẽ trở thành một lực lượng chính trị phá hủy ngay trong nội bộ Nghị viện EU. Hầu hết sẽ thúc đẩy sự quay lại của quyền lực quốc gia, an ninh biên giới thắt chặt hơn, trợ giúp nhiều trong vấn đề người tị nạn và có thể là các thể chế dân chủ và minh bạch hơn.

Mattew Goodwin

"Họ sẽ trở thành một lực lượng chính trị phá hủy ngay trong nội bộ Nghị viện EU" ông Goodwin phân tích. "Hầu hết sẽ thúc đẩy sự quay lại của quyền lực quốc gia, an ninh biên giới thắt chặt hơn, trợ giúp nhiều trong vấn đề người tị nạn và có thể là các thể chế dân chủ và minh bạch hơn".

Giáo sư chính trị cũng cho rằng, "cuộc chiến" giữa những người ủng hộ và phản đối EU sẽ ngày càng tăng tốc bởi vì đó không phải là một cuộc phản đối ngắn hạn. "… Chủ nghĩa dân túy có tiếng nói mạnh mẽ trong xã hội hơn nhiều những gì mà chúng ta sẵn sàng nghĩ tới", ông Goodwin nói.

Theo CNN, bầu cử châu Âu có thể ngay lập tức đem tới sự thất vọng cho nhiều chính trị gia tại Brussels; nhưng mọi việc chưa chấm dứt ở đó.

Hiện đang tồn tại một mô hình trong nền chính trị châu Âu liên quan tới các đảng cựu hữu "vay mượn" những ý tưởng dân túy để thuyết phục cử tri. Ví dụ rõ rệt nhất là đảng chiến thắng của UKIP đã khiến Đảng Bảo thủ đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề Brexit.

Tuy nhiên, như bà De Vries giải thích, đôi khi mọi thứ khá mơ hồ. Bà đề cập tới trường hợp việc Thủ tướng Hà Lan Mark Ruttle gần đây đã "làm giảm ý nghĩa của các cuộc bầu cử EU". Nguyên nhân là đảng đối thủ theo chủ nghĩa quốc gia Diễn đàn Dân chủ có thể đánh bại đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ của ông Ruttle.

Điều này có thể giúp một đảng chính trị từng cổ súy Hà Lan rời EU, thắt chặt kiểm soát biên giới và ra lệnh cấm phụ nữ Hồi giáo đeo khăn chùm đầu… - một độ tin cậy mà trước đó họ chưa từng có được. Vì vậy, quyết định làm giảm tầm quan trọng của các cuộc bầu cử EU, khiến nó giống như một cuộc bỏ phiếu phản đối thông thường khác – rất phù hợp với "đường đi nước bước" của đương kim Thủ tướng Hà Lan. Đáng lưu ý, bắt đầu từ năm 2017, chính quyền của ông Rutte cũng đã ngả dần về phía cánh hữu sau những áp lực từ phe đối lập.

Những trường hợp tương tự đang xuất hiện ngày càng nhiều và khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn cho Brussels. Có khả năng động cơ cho một châu Âu ít đoàn kết hơn, đã bắt đầu chuyển động.

"Quá trình thương lượng đã bắt đầu. Câu hỏi là nhượng bộ sẽ tới mức nào? Những người theo xu thể chủ đạo sẽ đưa bao nhiêu cho những người theo dân túy?", ông Goodwin chỉ ra. "Tất cả đều phụ thuộc vào sức mạnh của họ. Có 30-35% ghế là một việc, có 40-45% ghế trong 10 năm nữa lại là một chuyện khác".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ