• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

'Bắt tay' Ấn – Nhật: Cú hích cho châu Á?

Thế giới 29/04/2022 19:59

(Tổ Quốc) - Quan hệ kinh tế Ấn Độ - Nhật Bản là chìa khóa cho sự ổn định khu vực, theo đánh giá của trang East Asia Forum.

Ấn Độ và Nhật Bản dường như đang đánh giá tất cả các khía cạnh phù hợp để phát triển quan hệ đối tác sâu sắc hơn. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm Ấn Độ vào ngày 19 tháng 3 và đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn Độ-Nhật Bản lần thứ 14 ở New Delhi. Trong khi hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một loạt các vấn đề tại sự kiện này, hợp tác kinh tế là trọng tâm.

Liên kết kinh tế chưa xứng tầm

Ông Kishida thông báo rằng Nhật Bản sẽ đầu tư 5 nghìn tỷ yên (42 tỷ USD) vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới để tài trợ cho các dự án công và tư "cùng có lợi". Các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh việc ký kết biên bản trao đổi về khoản vay 300 tỷ Yên (2,5 tỷ USD) cho Ấn Độ.

'Bắt tay' Ấn – Nhật: Cú hích cho châu Á? - Ảnh 1.

Tăng cường hợp tác kinh tế của hai ông lớn châu Á sẽ thúc đẩy duy trì cán cân quyền lực. Ảnh: East Asia Forum.

Ấn Độ cũng là nước nhận viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 2005. Nguồn vốn này đã được chuyển vào các lĩnh vực quan trọng như điện, thông tin liên lạc và cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là mạng lưới tàu điện ngầm và đường sắt.

Có khoảng 1.455 công ty Nhật Bản đã đăng ký hoạt động tại Ấn Độ và chính phủ Ấn Độ đã thiết lập một đơn vị gọi là 'Nhật Bản mở rộng' tại Bộ Thương mại. Nhật Bản cũng đã tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ như Hành lang vận chuyển hàng hóa Delhi – Mumbai và Hành lang công nghiệp Delhi – Mumbai. Diễn đàn Hành động phía Đông Ấn Độ - Nhật Bản đã được tổ chức lần thứ sáu vào tháng 3 năm 2022 và tập trung vào các dự án kết nối ở Đông Bắc Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự gia tăng thiện chí về mặt chính trị giữa Tokyo và New Delhi chưa chuyển ngay thành hội nhập kinh tế. Với quy mô lớn của nền kinh tế hai bên, trao đổi thương mại và dịch vụ là chưa xứng tầm và có phần còn mất cân bằng. Xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ sang Nhật Bản vẫn còn nhiều hạn chế khi 13,2% giá trị tất cả các dòng thuế còn chưa được đưa vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) giữa hai nước.

Xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ sang Nhật Bản đã tăng lên nhưng chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng nhập khẩu dịch vụ của Nhật Bản. Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Ấn Độ cũng đã tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với FDI của Nhật Bản vào các nước như Trung Quốc và Indonesia. Môi trường kinh doanh phức tạp, thiếu cơ sở hạ tầng và hậu cần tốn kém đã hạn chế FDI của Nhật Bản vào Ấn Độ. Việc Nhật Bản chậm mở cửa biên giới cũng đang tạo ra nhiều vấn đề cho cộng đồng người nước ngoài của họ, bao gồm cả các nhà nghiên cứu chính sách và sinh viên Ấn Độ.

Đóng góp quan trọng của một Ấn Độ mạnh mẽ

Hiện tại, sự phát triển kinh tế liên tục và mạnh mẽ của Ấn Độ không chỉ là mong muốn của riêng nước này. Chỉ một Ấn Độ mạnh về kinh tế mới có thể đóng góp đầy đủ vào an ninh khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Và để giảm thiểu nguy cơ leo thang bạo lực trong lãnh thổ và khu vực lân cận của mình, Ấn Độ có thể hội nhập vào các hệ thống kinh tế và chuỗi cung ứng của Đông và Đông Nam Á.

Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Noriyuki Shikata bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ xem xét lại việc đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiện điều khoản 'Quy định về xuất xứ' cho phép các thành viên RCEP áp đặt mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm được sản xuất tại các quốc gia không thuộc RCEP. Trong khi đó, quy định được tự do tiếp cận thương mại và giảm thuế quan hàng hóa sẽ mang lại lợi ích cho các thành viên RCEP. Việc Ấn Độ rút khỏi RCEP sẽ gây tổn hại thêm cho xuất khẩu của Ấn Độ và hạn chế sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất.

Đối thoại nhiều hơn giữa New Delhi và Tokyo cũng có thể giúp mang tới một môi trường kinh doanh thuận lợi cho FDI của Nhật Bản vào Ấn Độ và xây dựng niềm tin lớn hơn giữa các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ để tham gia lại RCEP. Trong khi đó, những nỗ lực quan tâm đến việc giảng dạy tiếng Nhật ở Ấn Độ có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ, và nới lỏng các hạn chế về thị thực sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trao đổi công dân giữa hai quốc gia.

Nhật Bản có thể tận dụng ảnh hưởng của mình trong các ngân hàng đa phương, như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), và các dự án liên kết của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với ADB để giảm bớt các vấn đề về thiếu hụt nguồn tiền của Ấn Độ. Động thái này sẽ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, thương mại và chiến lược của chính Nhật Bản. Tokyo có thể hưởng lợi từ nguồn nhân lực và tăng trưởng kinh tế quy mô lớn của Ấn Độ. Đồng thời, mối quan hệ kinh tế Ấn Độ - Nhật Bản bền chặt hơn cũng có thể giúp hiệp đồng chính sách đối ngoại của họ, điều cốt yếu để duy trì cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ