• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bầu cử Mỹ tăng sức "nóng", Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản "âm u" nhất

Thế giới 14/10/2020 19:30

(Tổ Quốc) - Trung Quốc sẽ "bỏ phiếu" cho ai trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng sau?

Financial Times đăng tải, câu hỏi mặc dù chỉ mang tính giả định nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nắm quyền, quan hệ Mỹ-Trung liên tục tuột dốc đến mức giới phân tích giờ đây thường xuyên thảo luận về nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhìn từ phía Trung Quốc, lựa chọn giữa ông Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden rất khó khăn. Một số chuyên gia cho rằng, ông Trump sẽ tiếp tục các chính sách cứng rắn của mình nhằm vào Bắc Kinh, trong khi lập trường nghiêng về chủ nghĩa đa phương của cựu Phó Tổng thống Biden có thể đem lại khả năng hợp tác nhiều hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.

"Biden sẽ có nhiều nền tảng hoặc kênh liên lạc hơn để thương lượng với Trung Quốc và chúng ta có thể chứng kiến một thế giới ít căng thẳng hơn", một trong những cố vấn của chính phủ Trung Quốc đồng thời là Chủ tịch tổ chức tư vấn chính sách Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, ông Wang Huiyao đánh giá. "Với Tổng thống Trump, tôi tin tưởng ông ấy sẽ vẫn được vây quanh bởi những cố vấn theo trường phái cứng rắn và sẽ vẫn kích động các chính sách cũng như đề xuất tiêu cực về Trung Quốc.

Theo ông Wang, ứng viên Biden sẽ tái khẳng định sự lãnh đạo của Mỹ trong thế giới phương tây và đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris, Tổ chức Y tế Thế giới và có thể cả một số hiệp định thương mại quốc tế.

Bầu cử Mỹ tăng sức nóng, Trung Quốc chuẩn bị cho kịch bản "âm u" nhất - Ảnh 1.

Ứng viên Joe Biden được dự đoán sẽ theo đuổi cách tiếp cận mang tính đa phương hơn trong khi ông Donald Trump sẽ duy trì chính sách "nước Mỹ là trên hết" (ảnh: FT)

Tuy nhiên, giáo sư Chen Zhiwu từ Đại học Hong Kong lại cảnh báo, bất kỳ sự thuận lợi nào dành cho Trung Quốc của chính quyền Biden (trong trường hợp ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ), cũng đều sẽ chỉ trong ngắn hạn.

Ông Chen đồng ý rằng, ứng viên Dân chủ có lẽ sẽ sử dụng một cách tiếp cận đa phương mang tính truyền thống hơn trong chính sách đối ngoại – đối lập với chương trình nghị sự mang tính đơn phương "nước Mỹ là trên hết" của ông Trump.

"Sự khác biệt trong phong cách sẽ được áp dụng và ảnh hưởng tới mối quan hệ Mỹ-Trung", vị giáo sư hiện đang là Giám đốc của Viện châu Á toàn cầu chỉ ra. "Kết quả là, chính quyền do Biden lãnh đạo có thể sẽ khiến mọi thứ dễ dàng hơn cho Trung Quốc trong một hoặc hai năm đầu tiên, bởi vì ông ấy cần thời gian để khôi phục lại những thay đổi mà chính quyền Trump đã thực hiện, tuy nhiên về lâu dài, điều đó có thể lại trở thành một thách thức khó khăn hơn cho Trung Quốc".

Nguyên nhân cho nhận định trên, theo ông Chen, là đến từ một trong những ý định phía sau chủ nghĩa đa phương đã được Biden đề cập tới, đó là nhằm đối phó với Trung Quốc.

Ông Biden từng nói: "Khi chúng ta hợp tác với các nền dân chủ bạn bè, sức mạnh của chúng ta sẽ tăng gấp đôi. Trung Quốc không thể tảng lờ hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu. Điều này đem lại cho chúng ta lợi thế đòn bảy để định hình các quy định về mọi thứ từ môi trường tới lao động, thương mại, công nghệ và tính minh bạch - khiến chúng tiếp tục phản chiếu những lợi ích và giá trị dân chủ".

Học giả cấp cao đến từ tổ chức Chamtham House của Anh là Yu Jie nhận định, viễn cảnh cho quan hệ Mỹ-Trung khá tiêu cực cho dù ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

"Cả Biden hay Trump đều sẽ triển khai một chính sách "thân thiện với Trung Quốc sau khi tuyên bố thắng lợi. Mặc dù có sự khác biệt về phong cách, nhưng trong các lĩnh vực liên quan tới hạn chế Trung Quốc mở rộng ảnh và đường hướng chung cho quan hệ Mỹ-Trung – mức độ sai lệch không quá nhiều", bà Yu dự đoán.

Không ít nhà phân tích đánh giá, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mong muốn được chứng kiến ông Trump tái đắc cử hơn.

"Thắng lợi giành cho ông Trump sẽ gây khó khăn cho quan hệ Mỹ-Trung nhưng đó lại là một món quà về mặt chính trị cho ông Tập. Mỹ càng phản đối Trung Quốc, người dân Trung Quốc – ngay cả những người không hài lòng với ông Tập, sẽ càng ủng hộ phía sau ông ấy", bà Yu giải thích.

Cũng theo bà, "việc chính quyền Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc sẽ loại bỏ hoàn toàn những tiếng nói thân Mỹ và ít bảo thủ trong chính quyền Trung Quốc".

Còn giám đốc Viện Trung Quốc SOAS, Steve Tsang nhận định, dưới thời Trump, "cân bằng quyền lực trên thế giới đã nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc nhiều hơn".

Tuy nhiên, liệu đối đầu Mỹ-Trung có dẫn tới xung đột? "Điều đó phụ thuộc vào cách mọi người định nghĩa xung đột", ông Tsang nói. "Tôi không nghĩ tới một cuộc xung đột quân sự bởi vì quân đội Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng để đối mặt với quân đội Mỹ và tình trạng này gần như chắc chắn sẽ không thay đổi trong vòng 4 năm tới".

"Mặc dù vậy, leo thang chạy đua và đối đầu trong các lĩnh vực khác như thương mại hoặc chuyển giao công nghệ hoặc trừng phạt lẫn nhau có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn", chuyên gia đến từ London cảnh báo.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ