(Tổ Quốc) - Mỹ và Nga đang có cuộc khẩu chiến mới liên quan tới quá trình đàm phán gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí START Mới.
Tờ The Guardian đăng tải, các cuộc thương thảo về kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga đang rơi vào thế bối rối khi nhà đàm phán hàng đầu của Washington tuyên bố "có một thỏa thuận mang tính cơ bản" giữa Tổng thống Donald Trump và Vladimir Putin. Đáng lưu ý, Điện Kremlin lại nhanh chóng phủ nhận và gọi đó là "sự lừa gạt".
Đặc phái viên đặc biệt của Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshal Billingslea cho hay, ông đã bay tới Helsinki, Phần Lan hôm thứ Hai (12/10) để gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Theo ông Billingslea, chuyến đi được thực hiện dựa trên nhận định là hai bên có thể đạt được một bước đột phá trong đàm phán về liệu có gia hạn Hiệp ước START Mới hay không?
Được ký kết vào tháng 4/2010 và sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, Hiệp ước START Mới giới hạn số vũ khí chiến lược mà hai nước được triển khai.
"Chúng tôi tin rằng đã có một thỏa thuận về cơ bản ở cấp cao nhất giữa hai chính phủ. Đó là lý do tại sao tôi cắt ngắn chuyến công du của mình tới châu Á và bay thẳng tới Helsinki khi người Nga gọi và muốn các bên cùng ngồi xuống", ông Billingslea nói trước một tổ chức tư vấn chính sách tại Washington. Phát biểu của Billingslea được cho là ám chỉ về một thỏa thuận bằng lời nói không chính thức nào đó giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Putin.
Cũng theo ông Billingslea, điều kiện của Mỹ để gia hạn hiệp ước đó là đóng băng toàn bộ kho vũ khí của hai nước, bao gồm cả vũ khí phi chiến lược (tầm ngắn hoặc "chiến thuật").
Tuy nhiên, điều kiện trên vấp phải sự phản đối quyết liệt và nhanh chóng từ phía Moscow. Hãng thông tấn RIA Novosti trích dẫn Bộ Ngoại giao Nga gọi tuyên bố của ông Billingslea là "lừa dối". Thứ trưởng Ryabkov cho hay, việc đóng băng "là không thể chấp nhận được" và Moscow sẽ không phê chuẩn gia hạn hiệp ước START Mới trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 sắp tới.
"Nếu người Mỹ cần phải báo cáo lên cấp cao một điều gì đó mà họ cho rằng đã đạt được với Liên bang Nga trước kỳ bầu cử, họ sẽ không thể có nó", ông Ryabkov khẳng định.
Trong bài phát biểu tại Quỹ Di sản, đặc phái viên Billingslea nhận định, ông Ryabkov có thể đã không theo kịp mong muốn của người đứng đầu nước Nga. "Tôi hy vọng sự nhất trí của ngài ấy [Tổng thống Putin] – sự sắp xếp mà chúng tôi tin tưởng đã được thông qua ở các cấp độ cao nhất, sẽ được truyền tải xuyên suốt trong hệ thống chính trị để người đồng cấp Nga của tôi được phép thương lượng", ông nói. "Chúng tôi đã sẵn sàng kí kết thỏa thuận này. Thực tế chúng tôi có thể kí kết ngay ngày mai nhưng Moscow cũng sẽ phải thể hiện mong muốn chính trị được làm vậy".
Trước đó, Washington từng nhất quyết phải để Trung Quốc tham gia bất kỳ quá trình đàm phán kiểm soát vũ khí nào trong tương lai, thay vì chỉ gia hạn START Mới. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, ông Billinslea đã rút lại yêu cầu này và chấp nhận sẽ sắp xếp các cuộc thảo luận ba bên vào dịp khác.
Cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện đang là Giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Giải giáp vũ khí là Alexandra Bell chỉ ra, trước khi đòi hỏi phải nhanh chóng hoàn tất gia hạn hiệp ước trước bầu cử Mỹ, "trong nhiều tháng, chính quyền Trump luôn khẳng định rằng vẫn còn rất nhiều thời gian và không cần phải vội vàng".
Tổng thống Trump luôn muốn thể hiện những thành tựu chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, trong gần 4 năm qua, Mỹ đã rút khỏi 3 hiệp định kiểm soát vũ khí và không kí kết thêm được cái nào khác.
Theo chuyên gia chính sách hạt nhân James Acton từ Quỹ Carnegie về Hòa bình Thế giới, Nga gần như chắc chắn sẽ không đồng ý với việc đóng băng kho vũ khí bởi nó sẽ ảnh hưởng tới số lượng vũ khí phi chiến lược của họ, đặc biệt khi đây là lĩnh vực mà Moscow đang chiếm ưu thế so với Mỹ và NATO.
"Từ lâu chúng tôi đã nắm được lập trường của Mỹ là thực hiện đóng băng [kho vũ khí hạt nhân] và điều đó là không thể chấp nhận được đối với Nga. Không phải bởi vì chúng tôi phản đối việc đóng băng mà bởi vì chúng tôi cần phải xử lý các vấn đề về ổn định chiến lược một cách toàn diện", RIA Novosti dẫn lời Thứ trưởng Nga Ryabkov nhấn mạnh.
"Người Nga sẽ không đồng ý với những điều sẽ giúp giải quyết được mối lo ngại lớn nhất của Mỹ về nước Nga trong khi không nhận lại được cái gì đáng giá", ông Acton phân tích. "Nếu hai bên có thể đạt được một thỏa thuận, Mỹ sẽ phải đưa lại cho Nga thứ gì đó họ mong muốn. Và phần lớn chúng ta đều nghĩ cái giá phải trả rất có thể sẽ liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo".