• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bên lề căng thẳng Triều Tiên, “giật thót” tên lửa Iran

Thế giới 08/09/2017 22:11

(Tổ Quốc) - Iran đang có nhiều động thái phản ứng với các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách thúc đẩy chương trình tên lửa của nước này.

Iran đang phản ứng với các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách tăng khoản ngân sách cho chương trình tên lửa của nước này, Vladimir Sazhin, một chuyên gia về các vấn đề Trung Đông nói với Sputnik, và cho biết thêm rằng trong những thập kỷ gần đây, ngành công nghiệp tên lửa của Tehran đã có những tiến bộ đáng kể.

Tốc độ phát triển tên lửa đáng gờm

Tehran đã đạt được tiến bộ đáng kể trong sản xuất tên lửa bằng cách chế tạo ra hơn 20 loại tên lửa, Vladimir Sazhin, chuyên gia về vấn đề Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói với Sputnik.

Sazhin nói với Sputnik Iran rằng: "Trong những năm gần đây, Iran đã mua, hiện đại hóa và chế tạo hàng loạt loại tên lửa cũng như điều chỉnh rất nhiều tên lửa tầm ngắn khác nhau, bao gồm tên lửa chiến thuật và tác chiến chiến thuật. Tuy nhiên, trọng tâm của nước này được đặt vào việc tạo ra tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công các mục tiêu ở những khoảng cách xa."

Kho tên lửa đồ sộ của Iran đang ngày càng gia tăng về cả số lượng và chất lượng. (Nguồn: AFP)

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng chương trình tên lửa của Tehran đã nhanh chóng phát triển trong suốt hơn ba thập kỷ qua. Chiến tranh Iran - Iraq 1980-88 đã trở thành động lực cho chương trình này. Sau thời điểm trên, Tehran đã mua hàng chục tên lửa Scud-B và Scud-C do Liên Xô chế tạo từ Libya. Sau hoạt động nâng cấp cần thiết, các tên lửa tầm ngắn này được đặt tên lần lượt là Shahab-1 và Shahab-2.

Sazhin chỉ ra rằng Iran đã nỗ lực trong việc tạo ra Shahab-3 với tầm hoạt động 1.700 km. Với thành công trên, tên lửa này đã tạo tiền đề "khai sinh ra" loạt tên Qadr với ba mức độ nâng cấp: tên lửa Qadr 101 giai đoạn 1 với tầm bắn lên tới 80 km; Qadr-110 (tầm bắn 2.000-2.500 km) và Qadr-110A, có khả năng hoạt động lên tới 3000 km.

Chuyên gia này lưu ý rằng Tehran cũng có kế hoạch phát triển dòng tên lửa đạn đạo Shahab, có khả năng di chuyển 5.000-6.000 km. Tuy nhiên, theo Sazhin, khả năng của Iran để tiếp tục phát triển trên nền tảng tên lửa Shahab phần lớn đã cạn kiệt cho đến nay.

Tuy nhiên, Iran vẫn có thể sử dụng các hệ thống phóng của nó, như Safir-2, có khả năng mang trọng tải tới 100 kg để tiến vào không gian thực hiện các nhiệm vụ quân sự, chuyên gia trên nhận định.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia Iran cũng đang phát triển các tên lửa nhiên liệu rắn. Trong năm 2009, tên lửa Sajil chạy bằng nhiên liệu rắn hai giai đoạn đã được thử nghiệm. Tầm bắn của loại tên lửa này đang là 2.000 km. Tuy nhiên, bằng việc giảm trọng lượng phần đầu của tên lửa thì tầm hoạt động của Sajil có thể tăng lên đến 3.000 km, Sazhin giải thích.

"Có một xu hướng hiện hữu cho thấy Iran (IRI) đang chuyển từ sản xuất nhiên liệu lỏng sang các loại nhiên liệu rắn", Sazhin nhấn mạnh, làm rõ rằng sự chuyển đổi này làm tăng đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu của Iran.

Nhà phân tích này cũng chỉ ra rằng tên lửa của Iran là "cơ động và hoàn toàn thích nghi" với việc hoạt động trong các điều kiện khác nhau; chúng được cải trang cẩn thận và được bảo vệ bởi hệ thống phòng không của đất nước.

Tác dụng ngược của đòn trừng phạt Mỹ?

"Tiềm năng tên lửa của Iran là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những kẻ thù của Iran. Tất nhiên điều này làm đối thủ của nước này lo lắng", Sazhin nhấn mạnh.

Cũng theo Sazhin, chính sách trừng phạt của Washington đối với Iran đã được chứng minh là vô ích. Sau khi ông Donald Trump ký gói trừng phạt chống lại Iran, Nga và Triều Tiên vào đầu tháng 8, Tehran chỉ đơn giản là thúc đẩy chương trình tên lửa bằng cách tăng nguồn tài trợ từ 300 triệu lên 520 triệu USD.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhấn mạnh rằng chương trình tên lửa của Tehran đang được phát triển vi phạm Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), còn được gọi là thỏa thuận hạt nhân về Iran năm 2015, thì vấn đề cốt lõi của JCPOA là văn bản này không có bất kỳ hạn chế nào đối với các cuộc thử tên lửa , Sazhin lưu ý.

Dù vậy, ông nói thêm rằng Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra Nghị quyết 2231 kêu gọi Iran không thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc phát triển các hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân.

Về vấn đề này, chuyên gia này cho hay, chương trình tên lửa của Iran có thể gây ra những lo ngại khi Hiệp định JCPOA hết hạn - trong 10-15 năm tới. Tuy nhiên, theo Sazhin, vấn đề chương trình tên lửa của Iran chỉ được thảo luận và quyết định trong khuôn khổ đàm phán quốc tế với nước này cùng với sự chấp thuận của Liên hợp quốc.

"Việc gây áp lực mạnh lên Iran về chương trình tên lửa sẽ không hiệu quả và không gây được ảnh hưởng đến họ", Sazhin nhấn mạnh, nói thêm rằng cần phải áp dụng cách tiếp cận toàn diện và thực tế để giải quyết vấn đề.

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ