(Tổ Quốc) - Tổng thống Donald Trump muốn tham gia vào các cuộc họp theo thể thức Normandy để giải quyết căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Tờ The Guardian đăng tải, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn tham dự các cuộc đàm phán trong khuôn khổ một sáng kiến do Pháp khởi xướng, nhằm giải quyết xung đột giữa Nga và láng giềng Ukraine.
Cụ thể hơn, ông Trump ngỏ ý sẵn sàng trở thành một phần trong quá trình thương thảo thuộc thể thức Normandy (giữa Pháp, Đức, Ukraine và Nga) có thể sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
"Tôi tin rằng việc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine… là một bước rất lớn và tích cực. Nếu họ cần tôi, tôi sẽ tham gia [các cuộc đàm phán]", ông Trump cho hay.
Cuối tuần trước, Ukraine và Nga mỗi bên đã thả 35 tù nhân của nhau. Sự kiện này được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lên nắm quyền.
Phát biểu của ông Trump được đưa ra sau khi một cuộc gặp hiếm hoi vừa kết thúc tại Moscow giữa giới chức Nga, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. Người Pháp ca ngợi cuộc gặp là sự khởi đầu mới tới Moscow.
Ngoại trưởng Le Drian nói, ông muốn cuộc họp cấp bộ trưởng tiếp theo theo thể thức Normandy được tổ chức tại Paris trong tháng Chín. Nếu thành công, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên thuộc dạng này kể từ năm 2016. Ukraine ủng hộ việc bao gồm cả Mỹ trong thể thức Normandy và coi đó là một cách giúp phá vỡ thế bế tắc tại miền đông Ukraine.
70 tù nhân đã được trả tự do trong sự kiện có nhiều ý nghĩa cho quan hệ Nga và Ukraine (ảnh: AFP)
Những ý tưởng mà Pháp chia sẻ với Tổng thống Nga Vladimir Putin vượt ra bên ngoài vấn đề Ukraine và bao gồm cả những đề xuất về an ninh. Hôm thứ ba (10/9), chúng đã được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov "bật đèn xanh".
The Guardian nhận định, những nỗ lực xoa dịu căng thẳng với Nga có nguy cơ sẽ thiếu đi sự tham gia của Anh, do đây vẫn là quốc gia phản đối Moscow nhiều nhất. Một phần nguyên nhân đến từ vụ việc Nga bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học để đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal trên lãnh thổ Anh, vẫn chưa có hồi kết.
Hồi tháng Sáu, Thủ tướng Anh lúc đó Theresa May từng gặp Tổng thống Putin tại thượng đỉnh G20, tuy nhiên cuộc gặp không đem lại một tác động thực sự nào cho quan hệ Anh và Nga. Tuy nhiên, quyết định để London đứng ngoài thể thức Normandy, cũng từng gây ra nhiều tranh cãi ngay trong nội bộ chính quyền Anh.
Người kế nhiệm bà May, tân Thủ tướng Boris Johnson giờ đây có thể sẽ phải đối mặt với sức ép từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Trump về việc bình thường hóa quan hệ với Moscow, bắt đầu từ vấn đề Ukraine.
Một số quốc gia EU khác hiện đang có quân đội NATO đóng quân – điển hình là Ba Lan, cũng sẽ cảm thấy e ngại trước thái độ nồng ấm mà các bộ trưởng Pháp thể hiện trước Moscow.
Đối thoại chỉ vì lợi ích của đối thoại – mà không có các nguyên tắc và mục tiêu cụ thể - thì sẽ chỉ là một con đường trơn tuột để đáp ứng các lợi ích của Nga.
James Nixey
Ông James Nixey từ tổ chức tư vấn chính sách Chatham House tỏ ra nghi ngờ rằng Moscow muốn thực sự hâm nóng quan hệ, ít nhất là không phải với những điều kiện được EU công nhận. "Đối thoại chỉ vì lợi ích của đối thoại – mà không có các nguyên tắc và mục tiêu cụ thể - thì sẽ chỉ là một con đường trơn tuột để đáp ứng các lợi ích của Nga", ông Nixey nhận xét.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu thường niên trước các đại sứ Pháp vào ngày 27/8 vừa qua, Tổng thống Macron đã gửi đi một thông điệp tới Moscow khi khẳng định, ông muốn phát triển một kết cấu an ninh toàn châu Âu bằng việc hợp tác với Nga.
Giới chức Pháp cảnh báo, nếu châu Âu không nỗ lực hiểu về Moscow nhiều hơn, Nga đơn giản sẽ quay sang Trung Quốc. Trước bài phát biểu trên, ngày 19/8, hai ông Macron và Putin đã gặp gỡ nhau tại Fort de Brégançon.
Động thái của Tổng thống Pháp cũng đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận tại Pháp. Một số nhà khoa học chính trị như François Heisbourg - cố vấn đặc biệt của Tổ chức nghiên cứu chiến lược (FRS) cho rằng, các mục tiêu của ông Macron là phi hiện thực nếu ông nghĩ mình có thể tách Nga khỏi Trung Quốc.
"Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc không phải là do bị phương Tây hắt hủi nên Moscow phải tìm tới Bắc Kinh. Hai cường quốc chia sẻ tầm nhìn lãnh đạo đối với thế giới như nhau, nơi các quốc gia hoàn toàn kiểm soát các vấn đề nội bộ của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân quyền", ông Heisbourg chỉ ra.
Còn theo ông Bruno Tertrais, phó giám đốc FRS, Tổng thống Macron đang theo đuổi một điều ảo tưởng bởi vì ông Putin đã từ chối các giá trị của phương Tây trong suốt 15 năm qua.
Có lẽ nhận thức được những chỉ trích trên, trong bài phát biểu tại Moscow, bản thân Ngoại trưởng Le Drian cũng nhấn mạnh, bất kỳ sự tan băng nào trong quan hệ đều sẽ là một tiến trình chậm rãi. Ngoài ra, lệnh trừng phạt hiện tại của EU đối với Nga vì đã sáp nhập Crimea năm 2014, sẽ không được dỡ bỏ.
"Việc 70 người được thả tự do, bao gồm 24 thuyền viên, tôi tin rằng là một kết quả cụ thể mà Pháp rất khuyến khích", ông Le Drian nói.
Trong cuộc họp báo tại Moscow, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Pháp khẳng định, ông không ngây thơ. Hiện vẫn có những khác biệt rõ ràng giữa Pháp và Nga, bao gồm cả vấn đề Crimea, can thiệp bầu cử phương Tây và vụ máy bay Malaysia Airlines MH17 khởi hành từ Amsterdam bị lực lượng ly khai Ukraine bắn rơi, khiến 298 người thiệt mạng…
Việc Nga yêu cầu đưa Vladimir Tsemakh, chỉ huy lực lượng li khai ở miền đông Ukraine và là một nhân chứng trong vụ máy bay MH17, vào danh sách tù nhân được thả - đã vấp phải sự phản đối từ Hà Lan. Tsemakh bị chính quyền Ukraine bắt giữ hồi tháng Sáu, và động thái trả tự do cho người này được nhìn nhận là một đòn "hy sinh" của Kiev hướng tới bình thường hóa quan hệ với Nga tại miền đông Ukraine.