(Tổ Quốc)-Mỹ áp lực hải quân với Trung Quốc để xác lập quyền hợp pháp tự do hàng hải tại Biển Đông.
Ngày 18/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một thành viên cao cấp nội các Donald Trump kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Rex Tillerson dự kiến có cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Biển Đông có thể là một trong các vấn đề chính của chương trình nghị sự.
Đội tàu tác chiến Carl Vinson tập trận tại Biển Đông |
Trung Quốc đã làm rất nhiều việc để có chuyến thăm này. Đây là bước chuẩn bị cho cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình. Ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện, người phụ trách các vấn đề đối ngoại của chính phủ Trung Quốc, đã hai lần thăm Mỹ.
Vào năm diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Trung Quốc không muốn trục trặc trong quan hệ với Mỹ, điều sẽ gây chỉ trích trong nội bộ Trung Quốc. Chủ trương “ngoại giao nước lớn kiểu mới” với Mỹ mà ông Tập Cận Bình khởi xướng đã thất bại và quan hệ Trung Mỹ đã bị đẩy lùi. Bắc Kinh đang lẳng lặng điều chỉnh mối quan hệ này dưới sức ép của chính quyền mới ở Mỹ. Hồi tháng 12/2016, ông Trump đã tung gài quả bom nổ chậm khi nói rằng, Mỹ không nhất thiết phải theo đuổi chính sách “một trung Quốc” nếu Trung Quốc không nhượng bộ về kinh tế thương mại. Điều này tạo sức ép lớn đối với chính quyền Tập Cận Bình. Có thể đã có những dàn xếp về vấn đề mà ông Trump quan tâm hàng đầu là kinh tế thương mại phù hợp với chủ trương “nước Mỹ trên hết”. Sau đó, Donald Trump đã khẳng định chính sách “một Trung Quốc” và có thể đã nhận được một cái gì đó đáng giá. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, thặng dư thương mại trong tháng 2 của Trung Quốc với Mỹ giảm xuống còn 10,42 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2014. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm 4,2%, trong khi nhập khẩu từ Mỹ tăng tới 38%.
Tàu Carl Vinson sẽ tiến hành nhiều lần diễn tập và tuần tra Biển Đông trong tháng 2 và 3 để tạo ấp lực với Trung Quốc |
Mỹ tạo sức ép tại Biển Đông để đạt mục tiêu gì?
Đội tàu tác chiến của Mỹ của tàu sân bay USS Carl Vinson hoạt động trên Biển Đông từ ngày 18/2 và nhận lệnh trực tiếp từ bộ chỉ huy Hạm đội 3 đặt tại San Diego, bang California.
Hạm đội 3 đảm nhiệm bảo vệ lãnh thổ Mỹ, gồm đội tàu hơn 100 chiếc, trong đó có 4 tàu sân bay. Trong khi đó, Hạm đội 7 có khoảng 80 tàu, và chỉ có 1 tàu sân bay. Lần đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Mỹ có hai hạm đội hoạt động tại Tây Thái Bình Dương.
Động thái này là dấu hiệu phản ánh cách tiếp cận cứng rắn hơn của Washington. Sự phô trương uy lực này của Hải quân Mỹ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Donald Trump đang cân nhắc các biện pháp trấn an đồng minh trong khu vực, đồng thời đáp trả các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Ngày 3/3, Mỹ đã mời các phóng viên và 3 bộ trưởng chính phủ Philippines lên tham quan tàu USS Carl Vinson khi chiếc tàu này đang tuần tra tại một khu vực nằm giữa đảo Hải Nam và Bãi cạn Scarborough, nơi chỉ cách phía Bắc đảo Luzon của Philippines 220km. Đài TNHK dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 9/3 tiết lộ: “Tháng 6/2016, Trung Quốc có kế hoạch bồi đắp trên Bãi cạn Scarborough. Chúng tôi nhận được báo cáo từ Mỹ rằng có những xà lan chất đầy đất cát và các vật liệu xây dựng đi tới Bãi cạn Scarborough. Nhưng tôi nghĩ phía Mỹ đã cảnh báo và răn đe, bởi vậy mà có thể Trung Quốc đã dừng lại”.
Chuẩn đô đốc James Kilby, chỉ huy đội tàu, khẳng định: “Chúng tôi đã hoạt động ở đây trong quá khứ, chúng tôi sẽ hoạt động tại đây trong tương lai và sẽ tiếp tục trấn an các đồng minh của chúng tôi”. Theo ông Kilby, Mỹ sẽ “tiếp tục cho thấy rằng vùng biển quốc tế là nơi mà bất kỳ ai cũng được quyền tự do lưu thông và giao thương”.
Các nguồn tin Hải quân Mỹ cho hay, Tư lệnh Hạm đội 3 có kế hoạch điều đội tác chiến tàu USS Carl Vinson tiến hành hai cuộc tuần tra khác tại Biển Đông trong vòng 3 tháng tới đây. NBC News (Mỹ) mới đây còn đưa tin cho biết theo nhiều báo cáo nội bộ, 3 tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ là USS Alexandria, USS Chicago và USS Louisville, đã được triển khai tại khu vực Tây Thái Bình Dương vào tháng 2 vừa qua và ít nhất 1 chiếc đã vào tiến vào Biển Đông. Tàu vận tải đổ bộ USS Green Bay tiến hành các hoạt động thường nhật ở Biển Đông sau khi tham gia tập trận ở Vịnh Thái Lan.
Mỹ muốn khẳng định về mặt pháp lý quyền tự do hàng hải và bay qua Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng tuyên bố tại Seoul hồi tháng 2: “Điều chúng ta cần phải làm là nỗ lực hết sức, nhất là về ngoại giao, để giải quyết hợp lý việc này, duy trì việc mở các kênh trao đổi”.
Và chuyến thăm Bắc Kinh của ông Tillerson có thể dẫn tới một thỏa hiệp từ phía Trung Quốc về pháp lý quyền tự do hàng hải và bay qua Biển Đông./.
Người bình luận