(Tổ Quốc) - Diễn đàn Xiangshan (Hương Sơn), "cấu trúc an ninh mới" của châu Á lần thứ 7 đã khai mạc tại Bắc Kinh ngày 11/10.
Theo ban tổ chức, diễn đàn an ninh này, theo lịch trình sẽ kéo dài tới ngày 12/10 với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức, cũng như đại diện của giới chuyên gia từ gần 60 quốc gia.
Các cuộc thảo luận tại sự kiện này sẽ tập trung vào các vấn đề như vai trò của các lực lượng vũ trang trong sự thống trị toàn cầu và đối phó với các mối đe dọa an ninh mới của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua hợp tác trong các lĩnh vực an ninh hàng hải và chống khủng bố quốc tế.
Tàu chiến Trung Quốc và Nga trong cuộc tập trận tháng 9 tại Biển Đông. (Nguồn: Xinhua) |
Tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định rằng hai vấn đề có thể thống trị diễn đàn này là những tranh cãi gần đây giữa Trung Quốc với Singapore về Biển Đông và việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tại Hàn Quốc.
Biển Đông và THAAD
Sự kiện này diễn ra chỉ mười ngày sau khi Hàn Quốc công bố địa điểm mới triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và chỉ 19 ngày sau khi một bài báo trên tờ Global Times Trung Quốc chỉ trích Singapore và dấy lên nhiều căng thẳng xung quanh vai trò của Singapore trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
"Biển Đông, thậm chí cả Hoa Đông, cũng như việc triển khai THAAD sẽ được thảo luận bởi các nước tham gia", chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh cho biết.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Đại tá Yang Yujun cho biết Hàn Quốc là một trong số 60 nước được mời đã gửi một phái đoàn đến diễn đàn, trong khi Singapore nói với tờ SCMP rằng đoàn đại biểu của nước này sẽ do ông Ong Ye Kung, quyền Bộ trưởng Giáo dục và là quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng nước này dẫn đầu.
Trước đó, Giáo sư Jin Yinan, cựu Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc phòng của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã nói với Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc vào ngày 30/9 rằng Bắc Kinh nên áp đặt lệnh trừng phạt và trả đũa chống lại Singapore – buộc nước này "trả giá vì làm tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích của Trung Quốc".
Nhận xét của ông Jin được đưa ra cùng nhiều lời chỉ trích khác của Bắc Kinh đối với việc Singapore muốn đưa lập trường ủng hộ Philippines về phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) vừa qua về Biển Đông vào thông cáo chính thức của Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết (NAM) tại Venezuela đầu tháng trước.
Một chuyên gia quân sự khác tại Bắc Kinh, yêu cầu giấu tên, cũng cho biết các cuộc khẩu chiến giữa truyền thông nhà nước Trung Quốc và Singapore có thể được mở rộng tới diễn đàn này.
"Nhưng tôi không nghĩ rằng Trung Quốc cần thể hiện sự bất bình với Singapore trên các phương tiện đại chúng" ông nói. " Sẽ không còn bất kì không gian nào cho Bắc Kinh trong tương lai trong trường hợp cần thiết phải cải thiện mối quan hệ với Singapore. "
“Đơn thuần là tranh luận”
Ông Li nói rằng sẽ là "không thực tế" để hy vọng Trung Quốc và 60 quốc gia khác tại diễn đàn này có thể đạt được bất kì kết quả hoặc sự đồng thuận nào. Và điều có thể đạt được "chỉ đơn thuần là các cuộc tranh luận".
Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore và là một trong hơn 100 chuyên gia an ninh được mời tham dự diễn đàn, cho biết ông mong muốn các đại biểu từ nước Đông Nam Á sẽ bày tỏ phản ứng của mình đối với phán quyết của Tòa PCA – đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.
"Biển Đông là tuyến đường thủy rất quan trọng và có ý nghĩa xuất phát từ cả nguyên nhân chiến lược và kinh tế", ông cũng tin rằng Trung Quốc sẽ tìm cách sử dụng diễn đàn này để thúc đẩy chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như những sáng kiến khu vực khác.
Bắc Kinh đã giới thiệu diễn đàn Xiangshan là một sự kiện sánh ngang với Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hàng năm tại Singapore, được gọi là đối thoại Shangri-La - đồng tổ chức bởi chính phủ Singapore và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh từ năm 2002.
"Trung Quốc hy vọng diễn đàn Xiangshan sẽ là một diễn đàn ý kiến an ninh quốc tế có sức ảnh hưởng tại Bắc Á - tương tự như Đối thoại Shangri-La ở Nam Á," quan sát viên quân sự Song Zhongping tại Bắc Kinh nói.
(Theo SCMP, Sputnik)