• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Trung Quốc lúng túng trước phán quyết của PCA

Thế giới 27/07/2016 06:39

(Tổ Quốc)-Bắc Kinh đang cân nhắc ứng biến sau phán quyết 12/4 của Tòa Trọng tài.

Hai tuần đã trôi qua kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye đưa ra các phán quyết về Biển Đông theo khiếu kiện của Philippines. Các phán quyết thể hiện tính pháp lý không thể bác bỏ, được trình bày cụ thể, logic và minh bạch, liên hệ với nhau như một chỉnh thể. Đây là một văn kiện pháp lý quan trọng nhất kể từ khi xẩy ra tranh chấp tại Biển Đông.

Theo  nhận xét của ông Paul Reichler, luật sư trưởng của Philippines trong vụ kiện này, Philippines đã đạt được “một chiến thắng áp đảo”. Philippines đã gặt hái gần như hầu hết các yêu cầu trong đệ trình của mình gửi cho PCA.

Phải chăng Trung Quốc rút tên lửa khỏi đảo Phú Lâm (Hoàng Sa): So sánh ảnh vệ tinh trước đó với ảnh chụp hôm 8/7 cho thấy Trung Quốc dường như đã rút khẩu đội tên lửa phòng không khỏi đảo Phú Lâm.

Phán quyết của PCA là một thất bại pháp lý và ngoại giao nghiêm trọng của Trung Quốc. Một số nhà quan sát quốc tế cho rằng Trung Quốc đã phạm sai lầm khi không tham gia vụ kiện, rằng nếu có các luật sư của Trung Quốc tranh tụng tại Tòa thì Philippines khó mà giành được một thắng lợi lớn như vậy. Nhưng người Trung Quốc lập luận rằng nếu Trung Quốc tham gia vụ kiện thì nước này buộc phải chấp hành các phán quyết dù bất lợi cho Trung Quốc.

Trung Quốc nói rằng nước này không công nhận các phán quyết của PCA, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không bận tâm về chúng. Các phản ứng ban đầu của Bắc Kinh vẫn theo quán tính cay cú và thù địch đối với các phán quyết. Nhưng cũng ít nhiều có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tính toán về cách thức ứng phó trước dư luận trong nước và thế giới sao cho phù hợp.

Có 2 nội dung phán quyết gây lúng túng hơn cả cho giới lãnh đạo Bắc Kinh: Đó là Tòa quốc tế bác bỏ đường 9 đoạn và kết luận rằng đảo Ba Bình (hiện do Đài Loan kiểm soát) cũng chỉ là “đá”, chứ không phải là “đảo”, nghĩa là chỉ được hưởng vùng biển 12 hải lý chứ không phải 200 hải lý như Trung Quốc mong đợi để có thể tạo ra vùng chồng lấn tranh chấp ở Trường Sa.

Tại Trung Quốc, vấn đề phán quyết của Tòa đã bị làm chìm đi. Một học giả Trung Quốc nhận xét, hầu hết dân chúng Trung Quốc không biết về các phán quyết của tòa án quốc tế. Các phát biểu quan phương của Trung Quốc gần đây cũng ít đề cập đến đường 9 đoạn. Cách nói như “đinh đóng cột” rằng Trung Quốc có quyền lịch sử “không thể tranh cãi” tại Biển Đông cũng ít được nhắc đến như trước. Một chuyên gia luật biển quốc tế cho biết, người Trung Quốc nói rằng họ chưa từ bỏ đường 9 đoạn nhưng đang phải cân nhắc nên đề cập như thế nào cho phù hợp sau khi Tòa án quốc tế bác bỏ thẳng thừng cơ sở pháp lý của đường 9 đoạn.

Phán quyết của Tòa thực ra cũng mở lối thoát danh dự cho Trung Quốc, chấm dứt sự tranh cãi trong nội bộ về việc nên hay không nên sử dụng đường 9 đoạn mơ hồ. Nếu từ bỏ thái độ cực đoan, Bắc Kinh có thể thoát được “cái cùm địa-chính trị lớn đeo vào cổ Trung Quốc”, như Giáo sư người Singapore Mahbubani từng nhận xét. Họ có thể nhân dịp này làm chìm vấn đề, “biến đại sự thành tiểu sự”.

Mới đây, tại các cuộc gặp gỡ của cấp ngoại trưởng ASEAN, một số nước đồng minh của Trung Quốc đã cản trở việc các ngoại trưởng ASEAN bày tỏ lập trường về phán quyết của PCA liên quan Biển Đông. Nhưng trong Tuyên bố chung ngày 25/7 sau cuộc gặp giữa các ngoại trưởng ASEAN và ngoại trưởng Trung Quốc, có đoạn được dư luận chú ý: Tất cả các bên cam kết thực hành tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, bao gồm kiềm chế hành động chiếm giữ tại các đảo, đá, bãi cạn, bãi nhỏ và các cấu trúc khác hiện chưa chiếm giữ và giải quyết các bất đồng theo một cách thức xây dựng.

Liệu đây có phải là dấu hiệu về việc Trung Quốc chấp nhận duy trì nguyên trạng “mới” tại Biển Đông mà họ tạo ra trong thời gian 2014-2016? Hay Trung Quốc đang dọn đường cho cuộc thương lượng với Philippines, trong đó và trước hết liên quan đến bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, đã được PCA nhìn nhận nằm trong vùng đặc quyết kinh tế của Philippines?

Bãi cạn này do Trung Quốc kiểm soát, nhưng vẫn được duy trì nguyên trạng như từ khi hai nước đối đầu từ tháng  4 đến tháng 6/2012. Đây là vấn đề ưu tiên và “lương tâm” của người Philippines. Nếu không khai thông nó, dư luận Philippines khó lòng mà ủng hộ các quá trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước sau 3 năm căng thẳng.

Người Mỹ hiểu được vị trí chiến lược của Scarborough trong cục diện Biển Đông. Nếu để Trung Quốc bồi đắp nó thành đảo nhân tạo, đặt cơ sở quân sự tiền tiêu, sẽ tăng năng lực của Trung Quốc khống chế Biển Đông. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Shangri La hôm 4/6/2016, nêu rõ: “Nếu Trung Quốc xây dựng tiền đồn trên Scarborough thì đó sẽ là hành động khiêu khích, gây bất ổn và sẽ tự cô lập mình….và tôi mong hành động này không xảy ra vì Mỹ và các nước trong khu vực sẽ hành động và cô lập Trung Quốc”. Đô đốc Danis Blair, cựu Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, nói: “Nếu để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ đảo và cải tạo bãi cạn Scarborough thì đây sẽ là tổn thất địa chính trị không thể chấp nhận đối với Washington… Với Mỹ, Bãi cạn Scarborough nếu không phải một lằn ranh đỏ, thì ít nhất cũng phải là một lằn ranh hồng”.

Người Trung Quốc khá biết “mềm nắn rắn buông”. Dư luận quốc tế sẽ sớm biết họ sẽ ứng biến như thế nào sau phán quyết ngày 12/7 của PCA./.

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ