• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bình Dương xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2020 – 2025

Văn hoá 28/05/2020 17:11

(Tổ Quốc) - Bình Dương xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2020 – 2025; "Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020" trên địa bàn tỉnh Bình Phước; Bình Phước rà soát việc thực hiện Đề án quy hoạch, xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo là tin văn hóa tiêu biểu tại 2 tỉnh mới đây.

Bình Dương xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2020 – 2025

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương thống nhất Chương trình về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2020 – 2025.

Mục đích chương trình nhằm nâng cao chất lượng Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Đảm bảo sự thống nhất trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó, chương trình cũng nhằm Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư thông qua thực hiện quy ước để nâng cao chất lượng xây dựng nếp sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh; Chú trọng phát hiện cách làm hay, gương điển hình để kịp thời biểu dương, nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2020 – 2025 - Ảnh 1.

Bình Dương tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở - Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Bình Dương

Nội dung của chương trình bao gồm các hoạt động tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu dân cư thực hiện nội dung quy ước của cộng đồng; Các quy định về nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Tích cực xây dựng gia đình văn hóa ấm no hạnh phúc; Phòng, chống bạo lực gia đình...; - Tuyên truyền nội dung Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Tiêu chuẩn công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; Xã đạt nông thôn mới nâng cao; Nông thôn mới kiểu mẫu; Xây dựng đô thị văn minh; Công nhận gia đình văn hóa; Khu dân cư văn hóa đến từng gia đình, khu dân cư.

Bên cạnh đó chương trình cũng tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình ở cơ sở như: Hướng dẫn rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy ước ở các khu dân cư; Xây dựng, duy trì hoạt động và phát huy vai trò của các tổ chức tự quản cộng đồng ở khu dân cư; Phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng quản lý và tổ chức các hoạt xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn khu dân cư cho Trưởng khu phố, ấp, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; Xây dựng mô hình gắn kết các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở ấp, xây dựng đô thị văn minh ở khu phố. Định kỳ hàng năm sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, chương trình còn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư đảm bảo vui tươi, ý nghĩa, thiết thực; Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các khu dân cư đăng ký thực hiện xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

"Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020" trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Tỉnh Bình Phước hiện có 41 thành phần dân tộc, với 193.860 người, chiếm khoảng 20% dân số toàn tỉnh, đông nhất là đồng bào S'tiêng (89.543 người), còn lại là các dân tộc thiểu số như: Khmer, Tày, Nùng, M'nông, Mường, …. Một số đồng bào dân tộc thiểu số như S'tiêng, Khmer sống tập trung thành ấp, sóc, còn các dân tộc khác chủ yếu sống xen kẽ với người Kinh và cộng đồng các dân tộc khác trên khắp các địa phương trong tỉnh. Phần lớn địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc tỉnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, đời sống xã hội còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong những năm qua, nhất là từ khi triển khai Quyết định số 4685/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm hỗ trợ thực hiện.

Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chính sách phù hợp với yêu cầu hoạt động văn hóa, nghệ thuật và công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật trong giai đoạn mới. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức nhiều cuộc Liên hoan, Hội thi văn hóa văn nghệ quần chúng, góp phần làm phong phú hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở; tạo điều kiện cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh được giao lưu, trao đổi, học tập tạo sự bình đẳng, thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh và các Đội Thông tin lưu động cấp tỉnh, huyện đã bám sát nhiệm vụ chính trị và thực tiễn đời sống xã hội, chất lượng nghệ thuật được chú trọng và nâng cao; hàng năm, đều xây dựng kế hoạch, chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới. Các chương trình nghệ thuật đã khai thác sử dụng di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trong tỉnh và vùng, miền, khu vực, tạo được bản sắc riêng, gần gũi, hấp dẫn đồng bào. Các Đội chiếu bóng lưu động của tỉnh đã tổ chức chiếu bóng tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số phục vụ đồng bào. Một số lễ hội tín ngưỡng, dân gian của đồng bào đã được cấp tỉnh, huyện hỗ trợ phục dựng nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng ở ấp, khu phố đang ngày càng lan tỏa, góp phần quan trọng trong nâng cao ý thức tự bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng các dân tộc.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Quyết định số 4685/QĐBVHTTDL ngày 31/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phê duyệt Đề án "Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020" tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng cơ bản đã góp phần nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân; tạo điều kiện để đưa vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số sớm hòa nhập vào sự phát triển chung của tỉnh, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và tạo điều kiện, thu hẹp khoảng cách mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Sau 06 năm thực hiện Quyết định số 4685/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phê duyệt Đề án "Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020" trên địa bàn tỉnh đã cơ bản làm chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân; hệ thống cơ sở vật chất, các thiết chế về văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng; khơi dậy phong trào hướng về cơ sở, góp phần to lớn vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Bình Phước rà soát việc thực hiện Đề án quy hoạch, xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước cùng với các sở, ngành và huyện Bù Đăng đã kiểm tra thực tế, rà soát việc thực hiện Đề án quy hoạch, xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo trên địa bàn xã Bình Minh, huyện Bù Đăng.

Trong giai đoạn 1 và 2 của đề án, Bình Phước đã thực hiện các hạng mục gồm: Điểm trường Tiểu học Xuân Hồng; cổng chào; đường trục chính và hệ thống đường giao thông nội bộ; khu vực nhà đón tiếp; nhà dài; sân lễ hội; làng nghề... Hiện nay, theo quy hoạch nằm trong tổng thể khu bảo tồn còn 5 hạng mục chưa được thực hiện, gồm: nhà nghỉ dưỡng; sân chơi thể thao, hồ bơi, khu vui chơi, giải trí; nhà ăn uống; tượng đài; đập thủy lợi, trạm bơm nước.

Bên cạnh các hạng mục, công trình do tỉnh đầu tư, thời gian qua, huyện Bù Đăng cũng làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng. Đồng thời, huyện sưu tầm thêm các hiện vật để trưng bày trong khu bảo tồn... Tuy nhiên, so với tầm vóc và ý nghĩa của Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, cần phải tiếp tục đầu tư nhiều công trình, hạng mục khác để vừa đảm bảo được việc bảo tồn nét văn hóa độc đáo vừa thu hút được du khách đến tham quan, thưởng lãm..

Theo đó, UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới phải huy động tối đa xã hội hóa đầu tư vào khu bảo tồn. Việc đề xuất thu phí một số dịch vụ trong khu bảo tồn của huyện Bù Đăng là hợp lý nhưng phải cụ thể mức thu trình UBND tỉnh xem xét. Quy hoạch cần phải điều chỉnh, thay đổi phù hợp với hiện tại, có không gian hợp lý, khoa học, đúng tính chất của khu văn hóa lịch sử. Tỉnh rất đồng thuận việc sớm có bộ cồng chiêng đạt kỷ lục lớn nhất Việt Nam, vì đây là cách để tạo dấu ấn, thu hút du khách. Đồng thời lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, khi đầu tư, sửa chữa lại các khu văn hóa làng nghề phải tham khảo ý kiến già làng, nhà nghiên cứu để đảm bảo đúng văn hóa truyền thống của đồng bào S'tiêng bản địa ở sóc Bom Bo.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ