Bố mẹ in mã QR cài tóc cho con nhận lì xì, là sự tiện lợi hay làm mất đi sự may mắn ngày Tết?
(Tổ Quốc) - Nhiều người đã thử và không hề phủ nhận sự tiện lợi đến không ngờ.
Lì xì mừng tuổi là một tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền. Người lớn lì xì cho trẻ em, con cái lì xì cha mẹ, ông bà, cùng với những lời chúc sức khỏe, may mắn. Thường thì người ta cũng không quá chú trọng đến số tiền bên trong lì xì mà chủ yếu là lan tỏa tinh thần năm mới. Và năm nay, khi hình thức chuyển khoản, không dùng tiền mặt lên ngôi thì cũng xuất hiện một hình thức lì xì mới, khiến dân tình bàn tán không ngớt.
Trào lưu in mã QR nhận lì xì vô tình giúp người bán bận rộn tới sát Tết
Chuyên nhận in ấn theo yêu cầu, đợt cuối năm, chị Linh Anh (Hà Nội) liên tục nhận được tin nhắn hỏi có in mã QR gắn phụ kiện cho bé hay không. Ban đầu, chị còn khá bất ngờ, sau đó mới biết hóa ra các phụ huynh muốn in theo dạng kẹp tóc cài đầu cho con, một mặt là hình ảnh đáng yêu của bé, một mặt là QR ngân hàng của bố mẹ. "Sau khi có một phụ huynh nhờ in, mình đăng lên mạng khoe thì được mọi người hưởng ức, vốn tính nghỉ Tết sớm 1 tháng nhưng 28 Tết vẫn còn cặm cụi thiết kế rồi giao hàng cho khách".
Cũng theo chị Linh Anh, trước đó chị đã từng thấy những mẫu thiết kế như vậy ở bên trang mạng xã hội Trung Quốc, song, không ngờ các phụ huynh nhà ta đã bắt trend nhanh như chớp. Chi phí cũng không quá cao, thường gia đình sẽ đặt nguyên 1 set nhỏ, khoảng 150.000đ với combo 2 chiếc kẹp cài tóc, 2 móc khóa, 2 huy hiệu. "Đến hôm nay mới có mồng 2 mà đã có khách hỏi tôi có nhận làm lại chưa, muốn đặt cho con đeo đi du xuân".
Gặp các cháu cứ mở máy ra quét, không cần chuẩn bị lỉnh kỉnh
"Hôm nay mình đi chúc Tết cũng gặp một vài cháu bé đeo nơ có mã QR trên đầu. Nhìn cũng đáng yêu mà. Mình mở điện thoại quét chuyển tiền lì xì cho các cháu, nhanh, gọn, lẹ. Mình vốn không phải là người thích dùng tiền mặt, cả năm nay đi chợ mua mớ rau còn chuyển khoản nên rất thích cách "chơi Tết" này của bố mẹ cháu", Hồng Nhung chia sẻ.
Cũng theo chị Hồng Nhung, thật ra việc quét mã như này vào ngày Tết cũng rất tế nhị bởi các cháu sẽ không biết ngay về giá trị đồng tiền mà vui vẻ khi biết đã được lì xì. "Có nhiều cháu nhỏ từng bóc lì xì ngay trước mặt mình và tỏ biểu cảm lạ khi không phải số tiền như ý. Chuyển khoản cũng là cách giúp bố mẹ không khó xử những tình huống như vậy. Còn đương nhiên, mình vẫn chuẩn bị cả tiền mặt cho vào phong bao lì xì nếu như không có ai để mã QR". .
Liệu có còn may mắn khi không có lì xì tận tay?
Trái lại, cũng có không ít quan điểm cho rằng việc lì xì bằng hình thức này đã làm mai một đi một nét đẹp ngày Tết. "Lì xì là truyền thống, nó mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều số tiền nằm trong. Nhớ ngày nhỏ được lì xì 5000đ, 10.000đ vẫn vui vẻ, chẳng hề gì, chỉ cần được cầm lì xì là vui. Giờ mình chứng kiến có bé được người già lì xì là bóc vội ra xem, mình thấy buồn. Hôm trước còn đọc được post Tết này đừng áp lực cho nhau chuyện lì xì, vì kinh tế khó khăn, thì mấy ngày đi chúc Tết còn gặp luôn cảnh bố mẹ bế con ra chào rồi bảo bác quét mã cho cháu đi".
Cũng có người cho rằng dù nhiều bố mẹ nói là không đặt nặng chuyện lì xì nhưng việc in mã QR công khai cho con, cảm giác bố mẹ vẫn muốn tăng tiền nhận về chứ không phải để tiện lợi cho người mừng. "Nhìn thấy QR là áp lực ngang. Cách để không bị ác cảm với cái QR code này la fkhông có ý định cũng kệ, ứ mừng. Cứ giơ cái điện thoại trước mặt nhiều người nó phản cảm kiểu gì ấy, người tặng thì hữu hình chứ đâu phải vô hình".
Vốn phong tục lì xì xưa nay không mang ý nghĩa vật chất, người tặng - người nhận luôn đặt tinh thần cao hơn. Chủ yếu là những câu chúc, là tấm lòng đầu năm mới mà chúng ta muốn dành cho nhau. Bởi thế nên, dù mừng tuổi bằng hình thức nào, sẽ có những ý kiến, quan điểm riêng. Do đó, các bố mẹ hãy lựa làm sao cho hợp tình hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh.
"Thấy một người bạn chia sẻ nên vợ tôi cũng đặt ngay cho "lao động chính trong nhà" một set về. "Tuy nhiên vợ chồng tôi không đặt nặng vấn đề có ai đó chuyển khoản lì xì cho con không, mà coi như là một phụ kiện độc đáo Tết này. Song, mình chỉ cho con đeo lúc tụ tập với hội bạn thân, vì chúng mình hiểu nhau trong việc đùa vui này, cũng hay đòi chuyển khoản cho nhau. Thậm chí, mã QR trên đầu con không phải là QR ngân hàng của vợ chồng tôi đâu, mà chỉ là một lời chúc của cả nhà thôi", anh Long (Hải Phòng).