(Tổ Quốc) - Tại sao Nga – Triều Tiên bất ngờ muốn đẩy mạnh việc xây cây cầu mới nối liền biên giới hai nước?
Triều Tiên có chung biên giới với ba quốc gia là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga; trong đó đường biên giới với Nga chỉ kéo dài 17km, dọc theo sông Đồ Môn (Tumen) và phần cửa sông nằm ở phía đông bắc. Chỉ có duy nhất một lối đi kết nối hai bên là một tuyến đường sắt đi trên cây Cầu hữu nghị Nga- Triều Tiên – bắt đầu được mở ra từ năm 1959. Tuy nhiên, trong tuần vừa rồi, các đại diện của Nga đã có mặt tại Triều Tiên để thảo luận về một ý tưởng đáng chú ý: xây dựng thêm một cây cầu mới nối liền hai quốc gia.
Tuyến đường sắt đi qua Cầu Hữu nghị giữa biên giới hai nước Nga và Triều Tiên |
Kết nối mang tính biểu tượng hơn là giá trị kinh tế
Moscow và Bình Nhưỡng từng đề cập đến việc mở ra một lối đi cho các phương tiện di chuyển giữa hai nước, mà không cần phải đi qua Trung Quốc. Hôm thứ Tư (21/3), một thông cáo của Bộ Phát triển Viễn đông Nga cho biết, Nga và Triều Tiên sẽ thiết lập một nhóm làm việc liên quan đến vấn đề trên.
“Có 23 trạm kiểm soát xe cơ giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc, mà giữa Triều Tiên và Nga lại không có bất kỳ trạm nào,” ông Ro Tu Choi, một Bộ trưởng của Triều Tiên phát biểu trong cuộc gặp gỡ. “Hiện tại, khi nhập khẩu hàng hóa từ vùng Viễn đông của Nga, chúng không đi qua biên giới với Nga, mà lại qua Trung Quốc. Điều này khiến quãng đường bị kéo dài ra rất nhiều”.
Hội nghị thượng đỉnh Nga – Triều Tiên đã thu hút sự chú ý của NK News, một trang web chuyên đưa tin và bình luận về Triều Tiên. Anthony Rinna, một nhà phân tích chính sách đối ngoại Nga tại Đông Á nhận định với NK News, lối đi biên giới mới nhiều khả năng được sử dụng để “làm giảm bớt các vấn đề trong tương lai, như hậu cần hay kỹ thuật, có thể phá hỏng các kết nối đường sắt của Triều Tiên”.
Trong khi đó Benjamin Katzeff Silberstein, một học giả của Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Philadelphia, Mỹ cho rằng, cây cầu mới sẽ mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn là giá trị kinh tế. Theo Silberstein, thương mại giữa Nga và Triều Tiên là không đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, tuy nhiên, “có vẻ như mọi người tin rằng, về dài hạn, thương mại song phương sẽ phát triển trở lại”, chuyên gia này nói.
Trong quá khứ, Nga và Triều Tiên từng có mối trao đổi thương mại không thể “xem thường”. Vào thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô là đồng minh tài chính quan trọng nhất của Bình Nhưỡng khi chiếm tới một nửa giá trị thương mại quốc tế của Triều Tiên trong khoảng từ những năm 1970 – 1980. Sau khi Liên Xô sup đổ, cùng với việc Tổng thống Nga lúc đó là ông Boris Yeltsin ngả sang phía Seoul, quan hệ trên mới dần trở nên “xa cách”.
Tình hình bắt đầu được cải thiện kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền: năm 2000, ông có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng và nhận được sự ca ngợi hết lời từ truyền thông quốc gia Triều Tiên. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế giữa hai bên vẫn không gia tăng nhiều. Năm 2013, Nga chỉ chiếm 1% thương mại giữa Triều Tiên và nước ngoài – kém xa so với Trung Quốc.
Hai bên đều bày tỏ hy vọng về những kết nối kinh tế hiệu quả hơn; tuy nhiên, chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đang theo đuổi, dường như vẫn là một chướng ngại lớn. Nga ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng; gần đây nhất, cuối tháng 12/2017, các lệnh trừng phạt đa phương mới đã giới hạn số lượng công dân Triều Tiên làm việc tại Nga và các nước khác, trong khi đây lại được coi là quan hệ kinh tế quan trọng nhất giữa Nga và Triều Tiên.
Triều Tiên bốc dỡ than tại cảng ở Rason hồi tháng 11 năm ngoái |
Nga để ngỏ các mối liên kết thương mại với Triều Tiên
Theo Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học liên bang Viễn đông Vladivostok, Nga, Artyom Lukin, rõ ràng thương mại giữa vùng Viễn đông của Nga và Triều Tiên đã bị ảnh hưởng nặng nề trong hai năm qua. Ông cho biết, tuyến đường sắt trên Cầu Hữu nghị từng là một trong những tuyến đường quan trọng để vận chuyển than từ Siberia đến cảng Rajin, thuộc thành phố Rason của Triều Tiên, nơi Moscow cũng có một nhà ga.
“Từ nhà ga này, than được xuất khẩu tới các nước châu Á, chủ yếu là Trung Quốc,” ông Lukin nói. “Ít nhất, đó là tình hình trước khi các lệnh trừng phạt hà khắc của Liên hợp quốc được áp dụng vào nửa sau năm 2017”.
Ông Lukin đánh giá, trong thời điểm hiện tại, khó có thể hình dung việc người Nga đầu tư xây dựng một chiếc cầu. “Triều Tiên sẽ hy vọng Nga cung cấp tài chính,” ông dự đoán. “Tuy nhiên, không một nhà đầu tư nào của Nga, kể cả tư nhân hay nhà nước, sẽ cam kết với dự án này, chừng nào mà các nguy cơ chính trị liên quan tới Triều Tiên được giảm bớt”.
Bỏ qua những rủi ro chính trị, việc đầu tư vào Triều Tiên sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Nga. Nhà ga tại cảng Rajin có thể củng cố cho sự hiện diện của Nga trong khu vực nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Còn có những hy vọng về tuyến đường sắt kết nối giữa Nga và Hàn Quốc – một động thái có thể mở ra con đường vận chuyển đến và từ châu Âu qua Nga; hoặc một đường ống dẫn khí gas từ Nga đến cả Hàn Quốc và Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Nga có vẻ như đang giữ các lựa chọn kinh tế mở tại Triều Tiên. Năm ngoái, một công ty Nga đã xây dựng một đường truyền Internet mới cho Triều Tiên; còn giờ đây chính phủ Nga đang lên kế hoạch xây dựng một cây cầu mới. “Sớm hay muốn Triều Tiên cũng sẽ thoát khỏi cô lập,” giáo sư Lukin nói. “Đến lúc đó, cây cầu sẽ được sử dụng rất nhiều”.