• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Chọc giận” EU, Nga khiến Ba Lan vỡ tan giấc mộng đồng minh?

Thế giới 20/03/2018 20:43

(Tổ Quốc) - Vụ điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh có thể đã tác động không nhỏ đến chính sách của Ba Lan đối với Moscow và EU.

Bloomberg nhận định, trong hai năm qua, chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Ba Lan đã tự “cô lập” mình ngay bên trong Liên minh châu Âu và trên mọi vấn đề, từ luật pháp cho đến người tị nạn… Tuy nhiên, dường như Warsaw vừa mới kịp nhận ra ai mới là người bạn đích thực của mình.

Trong khi Anh đang cáo buộc Nga sử dụng chất hóa học để đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái, các quan chức Ba Lan hiện đẩy mạnh việc kêu gọi các đồng minh EU đồng lòng và áp dụng các biện pháp trừng phạt mới lên chính quyền của Tổng thống mới đắc cử Vladimir Putin. Warsaw cũng muốn dừng dự án xây dựng một đường ống dẫn khí gas của Nga sang Đông Âu có đi qua Ba Lan.  

Nếu một vài quốc gia Đông Âu đang dần cải thiện thái độ trước Nga, thì theo Bloomberg, “bận tâm” duy nhất của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Ba Lan hiện giờ, cũng giống như động cơ khiến họ tránh xa khỏi phần còn lại trong EU – chính là các dự định của Moscow trong khu vực.

Cựu Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski, nhà lãnh đạo của Pháp luật và Công lý - một trong những đảng phái lớn nhất trong Quốc hội Ba Lan, từng cáo buộc Nga là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người anh em trai sinh đôi Lech Kaczynski. Năm 2010, ông Lech Kaczynski, khi đó đang là Tổng thống Ba Lan, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay khởi hành từ Warsaw đến Smolensk, Nga.

“Cách EU bắt đầu xử sự trong vấn đề chất độc thần kinh Nga là một thông điệp nhắc nhở rằng, một EU lớn mạnh có lợi cho Ba Lan,” Judy Dempsey, một học giả đến từ Trung tâm Carnegie châu  Âu tại Berlin, nhận định. “Ba Lan cần phải quyết định xem lợi ích của họ nằm ở đâu. Có lẽ nó thể hiện ở việc Ba Lan sẽ giành lại ảnh hưởng tại Brussels như thế nào”.

Chính quyền của Tổng thống mới tái đắc cử Vladimir Putin sẽ phải đối măt với các lệnh trừng phạt mới từ EU?

EU thay đổi giọng điệu, cùng chĩa mũi dùi vào Nga

Trước hết, nội các của Thủ tướng Mateusz Morawiecki cần phải đáp ứng được thời hạn (ngày 20/3) yêu cầu trả lời các khuyến nghị mà các nhà lãnh đạo của EU đưa ra cho Ba Lan, nhằm giải quyết tình trạng xung đột quyền lực của chính quyền với hệ thống tư pháp của nước này.

Tuy nhiên, dường như đã có một sự thay đổi đáng chú ý trong giọng điệu, khi các nhà lãnh đạo khối nói về sự thống nhất hơn là chia rẽ trong các cáo buộc chống lại Nga.

Phát biểu tại Warsaw hôm thứ Hai (19/3) sau cuộc gặp gỡ với ông Morawiecki, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, EU nên thực hiện các hành động “hợp tác và mạnh mẽ” đối với vụ tấn công bằng chất độc thần kinh tại Anh, đặc biệt là khi có “những dấu hiệu nghiêm trọng” về sự liên quan của Nga.

Trước đó, Ba Lan cũng kêu gọi Đức tái xem xét các kế hoạch mở rộng đường ống Nord Stream, vận chuyển khí gas từ Nga đến Tây Âu. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Konrad Szymanski tuyên bố, vụ đầu độc tại Anh đã đánh dấu “một khía cạnh mới của chính sách Nga đối với châu Âu”. “Nó đáng để cân nhắc trong bối cảnh này về việc, liệu Nga có phải là một đối tác đáng tin cậy hay không,” ông Szymanski nói.

Còn ông Michal Dworczyk, người đứng đầu văn phòng của Thủ tướng Morawiecki tiết lộ, trong tuần này, các quốc gia châu Âu có thể sẽ đưa ra quyết định áp dụng các lệnh trừng phạt chính trị hoặc kinh tế mới lên Nga.

EU khó giành được sự nhất trí hoàn toàn

Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng, khả năng áp dụng các lệnh trừng phạt mới đối với Nga đang vấp phải nhiều khó khăn.

Theo người đứng đầu cơ quan đối ngoại EU Federica Mogherini, cuộc gặp cấp bộ trưởng tại Brussels hôm thứ 19/3, đã đạt được sự “thống nhất toàn vẹn” về quyết định lên án vụ tấn công bằng chất độc hóa học. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom cho biết, chỉ riêng việc thuyết phục tất cả các nước thành viên cùng đồng ý với những biện pháp trừng phạt Nga, sau sự kiện nước này sáp nhập Crimea năm 2014 – cũng đã rất khó khăn rồi.

“Tất nhiên chúng ta biết rằng không hề dễ dàng để có được sự thống nhất ủng hộ các biện pháp trừng phạt đã được quyết định trước đó,” bà Wallstrom nói. “Nhưng tôi nghĩ, cuộc thảo luận hôm nay sẽ tạo ra một nền tảng tốt cho các hành động sau này”.

Trò chơi đặt cược của Ba Lan?

Một câu hỏi khác vẫn chưa có lời giải đáp đó là EU vẫn có thể đưa ra hành động đối phó với Warsaw. Ba Lan được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất từ ngân sách của EU.

Thủ tướng Morawiecki nói, ông đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong các cuộc thương lượng với Brussels trong hai tháng tới đây. Ủy ban châu Âu từng cáo buộc Ba Lan phá hoại sự độc lập của hệ thống tòa án bằng cách cung cấp cho các chính trị gia nhiều quyền lực hơn cần thiết.

Cũng trong năm nay, Ba Lan gây xôn xao cộng đồng quốc tế khi đưa ra một đạo luật mới, trong đó hình sự hóa các nhận định rằng Ba Lan chịu trách nhiệm cho thảm sát Holocaust.

Hiện tại nội các của ông Morawiecki đang tỏ ra chưa sẵn sàng cho bất kỳ cuộc cải cách nào để có thể giành được thiện cảm từ Brussels. Một phần của nguyên nhân có thể là Warsaw đã biết rõ, EU cần phải đạt được sự nhất trí hoàn toàn trong khối mới có thể áp dụng được các lệnh trừng phạt lên một chính phủ nào đó; trong khi Hungary đã cam kết sẽ ủng hộ Ba Lan trong vấn đề này.

“Có lẽ đây là một trò chơi đặt cược mà Ba Lan muốn thử xem liệu EU có đủ thống nhất và sức mạnh ý chí hay không, từ đó để gắn với các ranh giới của EU - cùng việc tiến thêm một bước nữa của cuộc leo thang mà rất có thể sẽ kết thúc bằng các lệnh trừng phạt,” Jo Leinen, một nghị sỹ người Đức của Nghị viện châu Âu phân tích. “Ba Lan đang thử xem EU kiên quyết đến mức nào”.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ