• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan

Văn hoá 25/10/2024 19:26

(Tổ Quốc) - Trong 2 ngày 25 và 26/10, tại TP. Hải Phòng, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền về kiến thức pháp luật liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan.

"Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan" là hội nghị khu vực phía Bắc về tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Trước đó 1 tháng vào cuối tháng 9, tại Cần Thơ, Bộ VHTTDL cũng đã tổ chức thành công Hội nghị dành cho các đại biểu khu vực phía Nam.

Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu tổng quan các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019 và 2022. Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 2/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Hội nghị cũng nhằm đánh giá thực trạng về hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, xác định cụ thể các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành và xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nếu có, và đề xuất các giải pháp giải quyết.

Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu tại Hội nghị (ảnh: Hoàng Ngọc - TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 08 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan. Việt Nam đã ký kết 03 Hiệp định song phương với Hoa Kỳ và Thụy Sỹ về bản quyền và sở hữu trí tuệ. Việt Nam đã đàm phán, ký kết 6 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do giữa Việt Nam với các đối tác, trong đó có cam kết về quyền tác giả, quyền liên quan. Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết 05 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do khu vực ASEAN với đối tác.

Hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được hoàn thiện. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2022. Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan được Chính phủ ban hành năm 2023. Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2023.

Đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (nhằm thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP) đã được Bộ VHTTDL trình Chính phủ, thực hiện các công việc lấy ý kiến của các bộ liên quan theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Đến nay, Bộ VHTTDL đã nhận được ý kiến của 24 Thành viên Chính phủ: 24/24 ý kiến biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Nghị định; 5/24 Thành viên Chính phủ có ý kiến tham gia thêm (Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Thông tin và Truyền thông). Bộ VHTTDL tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Nghị định theo ý kiến của các Thành viên Chính phủ và gửi ý kiến tiếp thu giải trình tới 05 Thành viên Chính phủ đã có ý kiến tham gia thêm để xin ý kiến.

Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 25-26/10, với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, cơ quan liên quan, đại diện các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, đại diện các hội, hiệp hội, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, đại diện một số chủ sở hữu quyền tác giả, các đơn vị khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan, các sở, ngành VHTTDL… khu vực phía Bắc.

Hội nghị được tổ chức nhằm hướng tới mục tiêu để Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cam kết quốc tế thực sự đi vào cuộc sống; tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách đến các nhóm đối tượng là các cơ quan quản lý, thực thi, các chủ thể quyền, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời, nâng cao vai trò và đẩy mạnh công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là việc thực thi xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan bằng biện pháp hành chính trong giai đoạn hiện nay; trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư cũng như thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo; đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự có dịp tiếp cận đầy đủ những nội dung cơ bản về Tổng quan về hệ thống pháp luật - quản lý - thực thi tại Việt Nam; Quản lý, khai thác quyền tác giả, quyền liên quan; hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; Thực thi, xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; cơ chế bảo vệ bản quyền trên không gian mạng (thông qua quy định về Trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian); Giám định quyền tác giả, quyền liên quan.

Đây là các cơ chế giúp chủ sở hữu quyền quản lý, khai thác và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình; giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Từ đó góp phần triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu được thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, thực thi, khai thác quyền tác giả, quyền liên quan tại các địa phương cùng với các bộ, cơ quan, đơn vị có liên quan, qua đó nâng cao kiến thức nghiệp vụ và đề xuất các sáng kiến mới nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý và thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ