• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các chuyên gia cảnh báo mối lo ngại diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở Triều Tiên

Thế giới 13/05/2022 19:24

(Tổ Quốc) - Thế giới đang dồn sự chú ý về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Triều Tiên sau khi nước này ghi nhận các ca mắc và tử vong đầu tiên.

Thế giới đang dồn sự chú ý về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Triều Tiên sau khi nước này ghi nhận số ca mắc và tử vong đầu tiên.

Các chuyên gia cảnh báo mối lo ngại diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở Triều Tiên - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Ngày 12/5, hãng thông tấn nhà nước KCNA thông báo Triều Tiên ghi nhận số ca mắc đầu tiên do Covid-19.

"Triều Tiên thông báo ca tử vong Covid -19 đầu tiên sau khi phát hiện nhiều người dân nước này sốt cao", truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên vào ngày 12/5.

Đến ngày hôm nay (13/5), truyền thông nước này tiếp tục đưa tin 6 người đã tử vong vì Covid-19, trong đó có một bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron siêu lây nhiễm.

Theo KCNA, 187.800 người đang cách ly và điều trị sau khi phát hiện sốt cao không rõ nguyên nhân từ cuối tháng Tư. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này ghi nhận khoảng 350.000 người đã có dấu hiệu bị sốt, trong đó 18.000 người mới xuất hiện triệu chứng trong ngày 10/5. Tuy nhiên, KCNA không nói rõ bao nhiêu người xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Thông tin về ca tử vong đầu tiên do Covid-19 được đưa ra sau khi chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nhanh chóng áp dụng "tình trạng khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng nhất" để chống dịch bệnh.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên ngày 12/5, Chủ tịch Kim Jong-un đặt mục tiêu "diệt trừ tận gốc dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất", nhanh chóng thực hiện "phong tỏa chặt chẽ" để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đây là tín hiệu cho thấy Triều Tiên có thể không dừng việc phát triển và thử vũ khí cho dù dịch bệnh bùng phát - đúng như tuyên bố quyết tâm phát triển kho vũ khí của nhà lãnh đạo Kim trước đó.

Các chuyên gia cho rằng không có hoặc rất ít người dân Triều Tiên đã tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19. Điều này gây ra lo ngại đợt bùng phát lần này sẽ gây ra áp lực lớn cho hệ thống y tế nước này vốn đã yếu kém từ trước.

Cho đến nay, theo the Guardian, Triều Tiên vẫn từ chối tiếp nhận nguồn cung vaccine từ Trung Quốc và Nga hoặc thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới. Về vấn đề này, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki lên tiếng Mỹ hiện chưa có bất kỳ kế hoạch chia sẻ vaccine Covid-19 với Triều Tiên vào thời điểm hiện tại.

"Cực kỳ đáng lo ngại"

Những thông tin về số ca mắc và tử vong do Covid-19 khiến nhiều chuyên gia đưa ra các suy đoán về diễn biến dịch bệnh cũng như cách chống chọi với dịch bệnh của nước này.

Bà Lina Yoon, nhà nghiên cứu cấp cao về Triều Tiên ở Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng việc chính quyền Triều Tiên thừa nhận dịch bệnh bùng phát là "cực kỳ đáng lo ngại".

"Hầu hết người dân Triều Tiên đều không được tiêm phòng. Tình trạng thiếu thuốc men, cơ sở y tế yếu kém sẽ khó có thể đối phó với dịch bệnh Covid-19", bà Yoon nói. "Cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng hỗ trợ thuốc điều trị các triệu chứng liên quan đến Covid-19, thuốc kháng virus gây bệnh Covid-19 đồng thời cung cấp vaccine và thiết bị cần thiết để bảo quản vaccine như tủ lạnh, máy phát điện và nhiên liệu".

Trong bối cảnh hiện tại, hãng KCNA đã dẫn hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đeo khẩu trang đến thăm cơ sở chống dịch khẩn cấp và tìm hiểu về mức độ lây lan trên toàn quốc do Covid-19.

"Đây là thách thức quan trọng nhất và là nhiệm vụ tối cao mà Đảng của chúng ta phải đối mặt và tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng y tế công cộng trong thời gian sớm nhất", Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh.

Ông Kim nhấn mạnh khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động cách ly và điều trị đối với những người bị sốt , trong khi kêu gọi nhanh chóng đưa ra những biện pháp điều trị và tăng cường nỗ lực cung cấp thuốc men.

Trước đó, Triều Tiên khẳng định không ghi nhận bất kỳ ca mắc Covid-19 nào sau khi đóng cửa biên giới trong hai năm dịch bệnh. Động thái này khiến Bình Nhưỡng dừng mọi hoạt động thương mại, khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Thêm vào đó, thiên tai và lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc cũng ảnh hưởng nghiệm trọng đến kinh tế nước này.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng việc Triều Tiên công khai số ca mắc và tử vong có thể là muốn nhờ đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Mặc dù vậy, ngày 12/5, Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo vào ngày 12/5, chỉ vài giờ sau khi công bố ca COVID-19 đầu tiên.

Ông Leif-Eric Easley, giáo sư Đại học Ewaha, Seoul cho biết sự thừa nhận ca mắc và tử vong vì Covid-19 có thể dự đoán tình trạng y tế công cộng của Triều Tiên đang rất nghiêm trọng.Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa Bình Nhưỡng sẽ đột ngột mở cửa hỗ trợ nhân đạo hay đưa ra đường lối hòa giải với Washington hay Seoul.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong hơn 2 năm qua Triều Tiên đã duy trì các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt theo chính sách zero-Covid/.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ