(Tổ Quốc) - Các cơ quan tình báo và quân sự Mỹ cho biết Triều Tiên có thể sẵn sàng thực hiện thử hạt nhân dưới lòng đất trong tháng này.
Kế hoạch thử hạt nhân dưới lòng đất
Theo hãng CNN, một báo cáo mới đây của Mỹ xác định chính quyền Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho kế hoạch mới ở khu thử hạt nhân Punggye-ri và có thể sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân vào cuối tháng này. Hình ảnh vệ tinh đã ghi lại được động thái này nhưng chưa quan sát rõ liệu Triều Tiên có đặt vật liệu hạt nhân sẵn ở đường hầm dưới lòng đất trong khu thử hay không.
Nếu Triều Tiên tiến hành một vụ thử trong tháng này thì đây sẽ là vụ thử hạt nhân dưới lòng đất thứ bảy của nước này từ trước đến nay.
Theo hãng CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch thăm Hàn Quốc và Nhật Bản trong tháng Năm. Đây không phải là lần đầu tiên cho thấy tín hiệu đe dọa từ một vụ thử hạt nhân trước chuyến thăm của tổng thống Mỹ. Triều Tiên từng chuẩn bị một vụ thử vào năm 2014 khi cựu Tổng thống Barack Obama thăm Hàn Quốc. Đến năm 2016, Bình Nhưỡng cũng đã thử hạt nhân sau khi cựu Tổng thống Obama và một số lãnh đạo khác của thế giới rời thượng đỉnh ở châu Á.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki lên tiếng Mỹ không quá lo ngại về chuyến công du Đông Á của Tổng thống Joe Biden vào cuối tháng này.
"Tôi muốn nói rằng chúng tôi đều có đánh giá tình hình an ninh trước bất kỳ chuyến thăm nào của một tổng thống Mỹ. Hiện tại điều đó không quá lo ngại. Tổng thống Biden sẽ bắt đầu chuyến công du châu Á trong vài tuần nữa. Vấn đề Triều Tiên dự kiến cũng nằm trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Biden thăm Hàn Quốc và Nhật Bản", bà Jen Psaki nhấn mạnh.
Vào tháng trước, hãng CNN đã đăng tải hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang đào hầm trở lại ở bãi thử hạt nhân dưới lòng đất. Nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ rút ngắn thời gian cần thiết để tiến hành vụ thử tiếp theo.
Mỹ quan ngại trước các vụ thử của Triều Tiên
Đến hiện tại, Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử hạt nhân ở khu vực phía bắc Bình Nhưỡng, gần đây nhất là vào tháng 9/2017. Bên cạnh việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân có thể sắp xảy ra, Triều Tiên cũng tiến hành nhiều lần vụ thử tên lửa đạn đạo trong năm nay.
Từ hình ảnh vệ tinh cho thấy đường hầm cắt ngang tại bãi thử giáp với một trong những đường hầm chính bên ngoài lối vào. Trong năm 2018, Triều Tiên đã cho nổ tung lối vào của đường hầm nhưng nhiều khả năng không phá hủy toàn bộ cấu trúc dưới lòng đất. Động thái này của Triều Tiên diễn ra vào dịp ngoại giao được cải thiện giữa Mỹ và Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết ngày 4/5 Lầu Năm Góc đã nhiều lần bày tỏ mối lo ngại về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên gần đây, đồng thời khẳng định Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế luôn lên án bất kỳ hành động khiêu khích nào ở bán đảo Triều Tiên.
"Đây không phải là thời điểm thích hợp để Triều Tiên thử tên lửa. Chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng dừng các vụ thử khiêu khích như vậy và sẵn sàng đối thoại. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại mà không cần điều kiện tiên quyết, thảo luận ngoại giao để tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên", ông Kirby nhấn mạnh.
Theo ông Kirby, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook để thảo luận về môi trường an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Trong tháng trước, ông Kim đã tuyên bố đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân trong lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định sẽ củng cố và phát triển các lực lượng hạt nhân của mình "với tốc độ cao nhất có thể".
Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử ICBM vào tháng Ba, đánh dấu lần đầu tiên sau 4 năm Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với mẫu Hwasong-17 có kích thước cực lớn.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc ngày 3/5 kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo An nhóm họp và bỏ phiếu để siết chặt trừng phạt đối với Triều Tiên do các vụ thử nghiệm vũ khí gần đây. Giới quan sát cho rằng tốc độ thử tên lửa bất thường của Triều Tiên trong năm nay cho thấy nước này đang tăng cường "mục tiêu kép", vừa thúc đẩy các chương trình tên lửa vừa tiếp tục gây áp lực lên Washington sau thời gian dài chưa có bất kỳ đàm phán hạt nhân nào giữa hai nước. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể cũng muốn thúc đẩy mục tiêu mở rộng kho vũ khí để giành được sự công nhận của quốc tế và ép Mỹ phải nới lỏng trừng phạt với nước này./.