• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các hoạt động mang đậm bản sắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Văn hoá 25/04/2022 16:48

(Tổ Quốc) - Từ ngày 29/4 đến 3/5/2022, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội) sẽ giới thiệu không gian văn hóa đậm đà sắc màu vùng Tây Bắc, Đông Bắc; trải nghiệm văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao của cộng đồng các dân tộc Dao, Mông, Thái, Tày, Nùng...

Tham gia sự kiện có khoảng 100 người gồm các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Mông (Hà Giang), Khơ Mú (Nghệ An), Thái (Sơn La), Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Dao (Tp. Hà Nội), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Xơ Đăng (Kon Tum), Ba Na (Gia Lai); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng); khoảng 45 người của các dân tộc Mông, Dao, Thái (tỉnh Sơn La), và khoảng 23-30 nghệ sĩ diễn viên nhà hát múa Rối Việt Nam…

Các sự kiện điểm nhấn diễn ra dịp nghỉ lễ 29/4 - 3/5 có: “Chợ phiên vùng cao - Sơn La điểm hẹn”, tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc với 50 gian hàng trong đó 33 gian hàng chợ vùng cao, 10 gian nhà lá, 7 gian hàng nước. Tại đây du khách có dịp trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian tại chợ vùng cao do chính những cộng đồng dân tộc thực hiện.

Các hoạt động mang đậm bản sắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 - Ảnh 1.

Tái hiện chợ vùng cao Tây Bắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (ảnh minh họa)

Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú, Tày... Trung tâm của chợ vùng cao là các gian hàng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của một số tỉnh trưng bày giới thiệu các sản vật dân tộc như: rau củ quả: rau cải, măng khô, măng tươi, su su, các loại gia vị đặc trưng..., ẩm thực (các món ăn đặc trưng của dân tộc Mông: Thắng cố, rượu ngô mèn mén...; của dân tộc Nùng: xôi nếp bảy màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng...), giới thiệu văn hóa - du lịch của tỉnh Sơn La (trưng bày triển lãm ảnh, sách, tờ rơi quảng bá du lịch tỉnh Sơn La); giới thiệu và bán thổ cẩm của dân tộc Mông, Thái, Dao... (trang phục, khăn, vòng tay, đồ lưu niệm...).

Trong không gian văn hóa chợ của các dân tộc vùng cao: Mông, Dao, Thái, Tày, Nùng... tái hiện khung cảnh trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui, những cặp trai gái người Mông say sưa với những điệu khèn, hát giao duyên khi chơi chợ, cảnh đồng bào dân tộc chế biến một số món ăn dân tộc đặc trưng như nấu rượu, làm xôi ngũ sắc, quy trình dệt vải, in hoa văn trên trang phục...

Tại 10 gian hàng của tỉnh Sơn La sẽ bán các sản vật, nông sản rau củ quả, gà ri, lợn mán, các loại rau rừng, thịt trâu treo gác bếp...; giới thiệu ẩm thực thắng cố, mèn mén, rượu ngô Mộc Châu, xôi màu... do đồng bào dân tộc Mông tỉnh Sơn La trình diễn; 2 gian hàng quảng bá du lịch với chủ đề “Sơn La hãy đến và cảm nhận”.

Khoảng 20 gian hàng là giới thiệu các sản vật địa phương của các tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Ba Vì (Hà Nội) với các sản vật đặc trưng địa phương như thổ cẩm, đồ mỹ nghệ, rượu, hương liệu dân tộc, thuốc nam, măng khô, miến dong, mật ong…

Cùng với đó, triển lãm ảnh sắc màu văn hóa Tây Bắc giới thiệu khoảng 40 bức ảnh dọc tuyến đường vào chợ vùng cao. Các bức ảnh này do Ban Quản lý Khu các làng dân tộc phát huy từ bộ tư liệu ảnh trước đây đã trưng bày triển lãm và 40 ảnh của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La với chủ đề “Nét đẹp vùng cao”.

Chương trình “Sắc màu chợ phiên” của cộng đồng các dân tộc tại chợ vùng cao phía Bắc, biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia Chợ vùng cao với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như giã bánh dày, đánh quay (tu lu), leo cột, đẩy gậy...

Trong không gian chợ vùng cao, Khu các làng dân tộc I, từ 8h - 9h và 14h – 15h, giới thiệu nét đẹp văn hóa qua nghề thủ công truyền thống của các nghệ nhân đồng bào tỉnh Sơn La, điểm nhấn là khăn Piêu – một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, sản phẩm văn hóa và tinh thần in đậm bản sắc dân tộc do bàn tay khéo léo của người con gái Thái, tỉnh Sơn La tạo nên. Piêu góp phần tạo nên một nét đẹp, một sắc thái riêng, hấp dẫn về trang phục truyền thống của dân tộc Thái.

Từ 9h - 10h và 14h - 15h các ngày, sẽ giới thiệu nghệ thuật khèn Mông - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018 của dân tộc Mông (Mộc Châu, Sơn La). Tiếng khèn một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Với tiếng khèn vui người Mông mời bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn còn khi buồn tiếng khèn chậm và trầm. Tiếng khèn Mông thể hiện chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, khỏe khoắn. Những âm thanh của loại nhạc cụ này mang vẻ đẹp tự nhiên của vùng núi bao la, hùng vĩ nét tươi sáng và giản dị, gắn bó với tâm hồn người Mông.

Tại Làng dân tộc Dao, Khu các làng dân tộc, 9h ngày 30/4/2022, tái hiện Tết nhảy của đồng bào dân tộc Dao với sự tham gia của 15 nghệ nhân dân tộc Dao (Sơn La), một nghi thức truyền thống, hội tụ những giá trị nhân văn trong đời sống cộng đồng dân tộc Dao Tiền.

Vào 9h - 10h, ngày 2/5/2022 (thứ Hai), tại Làng dân tộc Thái, Khu các làng dân tộc I tái hiện Lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội Cầu mưa của người Thái với ước nguyện về mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, khẳng định con người và thiên nhiên có sự gắn kết, ràng buộc lẫn nhau. Sự tôn trọng thiên nhiên, môi trường cũng chính là tôn trọng cuộc sống của chính mình và đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Chương trình nghệ thuật múa Rối nước của Nhà hát Múa rối Việt Nam, vào 9h - 10h30 và 15h00 - 16h30 ngày 1/5-2/5/2022 tại sân khấu rối nước, Khu vực làng Chài.

Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... tất cả cùng tổng hòa tạo nên bức tranh văn hóa Việt đa dạng, lung linh sắc mầu, tạo điểm đến hấp dẫn tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ