• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các nền kinh tế chủ chốt Bắc Á tăng cường tích trữ năng lượng cho mùa đông

Thế giới 03/11/2022 15:35

(Tổ Quốc) - Các nền kinh tế chủ chốt ở Bắc Á đang tích trữ nhiên liệu, đa dạng hóa nguồn cung và tìm cách tiết kiệm điện để đảm bảo cung cấp đủ cho mùa đông, theo thông tin từ Reuters.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu chưa từng có hiện nay đang khiến việc mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay trở nên rất tốn kém.

Các nhà nhập khẩu LNG lớn tại Bắc Á- Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc - đã phải vật lộn với giá nhiên liệu LNG tăng vọt sau khi Nga cắt giảm nguồn cung sang châu Âu sau cuộc xung đột với Ukraine. Động thái này đã khiến giá LNG giao ngay tại châu Á cũng tăng vọt.

Tìm cách trữ hàng trước mùa đông

Trong khi đó, giá trị các đồng tiền nội tệ của họ, từ yên Nhật, won Hàn đến nhân dân tệ của Trung Quốc lại giảm mạnh so với đô la Mỹ. Tình cảnh này cũng gia tăng gánh nặng khi phải trả tiền nhập khẩu năng lượng bằng đô la Mỹ đắt đỏ đối với các nền kinh tế này.

Với số lượng tiền phải chi để mua một lượng lớn dầu thô, LNG và than đá, giá trị nhập khẩu tháng 9 của Nhật Bản đã tăng 45,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do đồng yên Nhật yếu và làm tăng chi phí nhập khẩu nhiên liệu vốn đã cao sẵn trên thị trường.

Loạt 'ông lớn' Bắc Á tăng cường tích trữ năng lượng cho mùa đông - Ảnh 1.

Tháp Tokyo đã giảm lượng điện năng sử dụng để tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Reuters.

Giám đốc tài chính của Tokyo Gas, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho thủ đô Nhật Bản, cho biết: "Cách tiếp cận cơ bản của chúng tôi là bảo đảm trữ được lượng hàng tồn kho tương đối cao trong mùa đông này ... đồng thời điều chỉnh lịch trình giao hàng của các tàu chở LNG để đáp ứng nhu cầu".

"Nếu LNG từ Nga bị gián đoạn, chúng tôi sẽ cần đàm phán để có các lựa chọn thay thế từ các nhà cung cấp khác", ông Hirofumi Sato nói thêm.

Theo dữ liệu gần đây nhất của công ty này, lượng tồn kho LNG tại các nhà cung cấp khí đốt cho khu vực đô thị của Nhật Bản, cũng như các công ty tiện ích lớn, đều cao hơn mức trung bình của 5 năm gần đây.

Hàn Quốc cũng đang tích trữ LNG và đã bắt đầu mua LNG giao ngay từ tháng 9, sớm hơn một tháng so với thường lệ, một quan chức của Bộ công nghiệp Hàn Quốc cho biết.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt hoặc một đợt lạnh giá bất ngờ có thể gia tăng nhu cầu sử dụng khí đốt để làm ấm và khiến các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn đã chuẩn bị kế hoạch tương đối tốt, lâm vào tình trạng khó khăn. Trong khi Trung Quốc dự kiến sẽ có một mùa đông ôn hòa hơn, theo dự báo của công ty theo dõi thị trường tài chính Refinitiv.

Giảm sử dụng và đa dạng nguồn cung

Nhằm bảo đảm an toàn năng lượng, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã sử dụng các biện pháp quản lý năng lượng, bao gồm yêu cầu người tiêu dùng tắt các bóng đèn không cần thiết và bật máy sưởi ở nhiệt độ thấp hơn. Hàn Quốc đang vận động để người dân cắt giảm 10% năng lượng sử dụng trong mùa đông này.

Các công ty tiện ích Nhật Bản cũng có kế hoạch khởi động lại các nhà máy nhiệt điện đã có từ lâu và khởi động lại ít nhất một lò phản ứng hạt nhân sớm hơn kế hoạch.

Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tránh xa việc mua LNG giao ngay trong mùa đông này trong bối cảnh giá đang tăng cao hơn và nhu cầu sử dụng chưa đến mức thiếu hụt do họ vẫn đang áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19. Nước này cũng đang tăng cường sản xuất năng lượng trong nước và mua thêm năng lượng từ Nga cả bằng khí đốt được vận chuyển qua các đường ống và LNG bằng các chuyến tàu.

Giá khí đốt toàn cầu đã tăng lên mức lịch sử trong năm nay do Nga cắt giảm nguồn cung sang châu Âu, buộc châu lục này tìm đến LNG và nhập một lượng LNG kỷ lục. Việc châu Âu tăng mua LNG cũng khiến châu Á phải đẩy nhanh quá trình tích trữ hàng hóa. Do đó, giá LNG giao ngay tại châu Á đã lên mức kỷ lục, mặc dù giá sau đó đã giảm xuống trong bối cảnh tồn kho ở mức ổn định.

Nhưng rủi ro về nguồn cung vẫn tồn tại.

Công ty năng lượng Rystad Energy cho biết: "Phần lớn niềm tin của thị trường châu Á là do nguồn cung đã được đảm bảo ... Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung hay khả năng trữ hàng sẽ lại dấy lên tâm lý tăng giá".

"Rủi ro về phía cung vẫn còn khi công ty sản xuất LNG lớn tại Mỹ Freeport vẫn đang tiến hành bảo trì trong khi cơ sở Nigeria LNG tại châu Phi đang ở trong trường hợp bất khả kháng không thể cung cấp hàng", Rystad Energy thông tin thêm.

Tại châu Á, tình trạng trì trệ kéo dài tại công ty Malaysia LNG cũng sẽ làm tăng rủi ro về nguồn cung trong khu vực.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ