(Tổ Quốc) - Trung Quốc đang có một số nhượng bộ nhất định để xoa dịu những e ngại của châu Âu về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của mình.
Tờ SCMP nhận định, các nước Trung và Đông Âu đang đồng ý để Brussels có tác động lớn hơn tới các thỏa thuận thương mại và hạ tầng cơ sở giữa họ với Trung Quốc. Đây là một nỗ lực nhằm '"trấn an" những quan ngại của EU trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trung Quốc đang tìm cách xoa dịu những nghi ngờ từ EU (ảnh: Reuters)
Quyết định cho phép quan chức EU xem xét các dự thảo hợp đồng sẽ được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh 16+1 sắp tới, được đưa ra trong bối cảnh một châu Âu đang nhắm tới một cách tiếp cận đoàn kết hơn hướng về quốc gia châu Á. Có sự tham dự của cả EU và các nước ngoài EU từ khối Đông âu cũ, thượng đỉnh 16+1 diễn ra vào ngày 12/4 tại thành phố cảng Dubrovnik của Croatia.
Mới đây, lần đầu tiên EU đã gọi Trung Quốc là "một đối thủ mang tính hệ thống" và bày tỏ những lo lắng khi các thành viên của mình tham gia và Sáng kiến Một vành đai, một con đường. Brussels cũng coi đây là một động thái của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm thêm những đối tác ít có thái độ chống đối mình hơn. Những nghi ngờ tiếp tục gia tăng khi Italy đã ký kết một biên bản ghi nhớ, đánh dấu sự hiện diện của nước này trong dự án xây dựng hạ tầng cơ sở xuyên lục địa của Trung Quốc. Ngoài ra, với một trong những trọng tâm chính của chương trình nghị sự là tập trung vào kế hoạch Một vành đai, một con đường, thượng đỉnh 16+1 có vẻ như càng "đổ thêm dầu vào lửa".
Theo các nguồn tin ngoại giao, cả Trung Quốc và 16 quốc gia tham dự hội nghị đều đang cố gắng để giảm bớt các lo lắng của EU bằng cách tỏ ra minh bạch hơn trong các dự án sắp ký kết.
"Năm nay, quá trình đã minh bạch ở mức tối đa nhất cho Brussels", một quan chức ngoại giao cho biết. "Trong những đàm phán về tuyên bố chung 16+1 năm nay, có sự hợp tác cao độ giữa Brussels và các nước thành viên EU và mỗi dự thảo hoàn thiện đều được các quan chức EU tại Brussels xem xét".
Dubrovnik - nơi sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh 16+1 (ảnh: AFP)
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc mong muốn xoa dịu những lo ngại của EU trong năm 2019, khi nước này tìm kiếm sự ủng hộ của châu Âu cho sáng kiến Một vành đai, một con đường của mình; cũng như những nỗ lực thúc đẩy thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương, đặc biệt trong thời điểm Mỹ đang nghiêng về chủ nghĩa biệt lập.
Trong những tuần gần đây, Brussels đã công bố một kế hoạch hành động 10 điểm, với mục tiêu là đạt được một mối quan hệ kinh tế cân bằng và có đi có lại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi cho một châu Âu đoàn kết trước Bắc Kinh – được thể hiện rõ nhất thông qua quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Thủ tướng Đức cùng gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi nhà lãnh đạo châu Á thăm chính thức Pháp.
Tuy nhiên, những nỗ lực của EU cho một phản ứng tập thể trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong một số ngành nghề quan trọng, đã phải đối mặt với những chia rẽ ngay từ nội bộ khối. Ví dụ như Italy cho rằng, sự phản đối trước việc nước này gia nhập sáng kiến Một vành đai, một con đường đơn giản là xuất phát từ "ghen tức".
Mối quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và châu Âu đã bị ảnh hưởng khi mà Trung Quốc tìm cách thúc đẩy một số nước EU tham gia kế hoạch vành đai và con đường.
Pang Zhongying
"Mối quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và châu Âu đã bị ảnh hưởng khi mà Trung Quốc tìm cách thúc đẩy một số nước EU tham gia kế hoạch vành đai và con đường", Pang Zhongying, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Đại dương Trung Quốc, nói. "Kế hoạch này đã có tác động lên chính sách của EU về Trung Quốc cũng như mối quan hệ mà hai bên từng mất nhiều năm để xây dựng nên".
Theo ông Pang, việc cho phép EU xem xét các văn kiện dự thảo sẽ giúp liên minh có thể đạt được một chiến lược, nhằm ngăn chặn tình trạng "bị chia rẽ và chế ngự". "Trung Quốc cần phải tư vấn thành thật với EU về Sáng kiến Một vành đai, một con dường. Lợi dụng sự khác biệt giữa các nước thành viên có thể dẫn tới nhiều mất mát hơn là lợi ích", giáo sư người Trung Quốc cảnh báo.
Ông còn cho biết thêm, sự thiếu chắc chắn trong chính sách cũng đã làm nảy sinh những nghi ngờ về khả năng hợp tác giữa EU và Trung Quốc trong các lĩnh vực khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Giuseppe Conte tại Rome (ảnh: Reuters)
Cùng lúc, trong những tháng gần đây, giới chức Trung Quốc nhiều lần khẳng định, Bắc Kinh không hề có ý định chia rẽ châu Âu, đồng thời nhấn mạnh, một EU thống nhất là lợi ích cho Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tỏ ý hoan nghênh sự xuất hiện của các quốc gia EU chủ chốt trong thượng đỉnh 16+1.
Dinh Chun, một giáo sư về nghiên cứu châu Âu tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải phân tích, Trung Quốc đang ngày càng nhận thức rõ hơn thái độ không hài lòng của EU khi khối này trở nên trở nên thẳng thắn.
"Trung Quốc muốn gửi đi những dấu hiệu tích cực hơn, nhằm xoa dịu quan ngại của các nước như Pháp và Đức", ông Chun nói. "Sự cần thiết để bảo hộ chủ nghĩa đa phương, toàn cầu hóa và thương mại tự do sẽ vượt lên những khác biệt giữa Trung Quốc và EU.
Cũng theo giáo sư đến từ Thượng Hải, Bắc Kinh nên yêu cầu các doanh nghiệp của mình chú ý nhiều hơn tới các quy định và luật pháp EU khi tiến hành các dự án vành đai và con đường tại châu Âu.