• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các nước tiếp cận canh tác cà phê bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu

Thế giới 30/05/2024 10:11

(Tổ Quốc) - Một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang thúc đẩy các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong canh tác cà phê.

Thách thức của ngành cà phê do biến đổi khí hậu

Theo trang SCMP, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sản lượng cà phê khắp thế giới bởi đây là một trong những mặt hàng đang được giao dịch nhiều trên toàn cầu. Điều đó đặt ra cách thức ứng phó với khí hậu và định hình lại mô hình sản xuất của nông dân.

Việt Nam cùng các nước thích ứng với biển đổi khí hậu đối trong canh tác cà phê - Ảnh 1.

Nông dân tưới cây cà phê ở Tây Nguyên gần Buôn Ma Thuột, tỉnh Daklak vào ngày 13/3/2023. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh hạn hán ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam - quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và là nhà cung cấp hạt cà phê Robusta hàng đầu (thường được sử dụng trong cà phê hòa tan), sản lượng xuất khẩu cà phê của quốc gia Đông Nam Á có thể giảm 20% trong năm nay, khiến giá cà phê Robusta kỳ hạn tăng mạnh ở mức cao kỷ lục.

Cà phê đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế Việt Nam, mang lại hơn 10% doanh thu từ xuất khẩu nông sản và 3% tổng sản phẩm quốc nội. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 1,61 triệu tấn cà phê, đạt mức cao kỷ lục 4,18 tỷ USD.

Trong khi châu Âu thống trị thị trường sinh lời nhiều hơn ở cà phê chế biến (như cà phê hòa tan) thì thị trường cà phê chưa qua chế biến (như cà phê thô) lại phụ thuộc vào các nước khác như Việt Nam, Brazil, Colombia, Indonesia và Ethiopia – những quốc gia này chịu trách nhiệm khoảng 70% lĩnh vực này.

Đối với những nước trồng cà phê, xuất khẩu cà phê là một nguồn thu quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán gần đây ở Việt Nam cũng đặt ra thách thức đối với việc sản xuất cà phê trước biến đổi khí hậu.

Brazil, nơi sản xuất khoảng 40% sản lượng cà phê của thế giới, đã mất 20% sản lượng vào năm 2021 do sương giá và hạn hán. Năm ngoái, sản lượng cà phê Robusta của Indonesia cũng giảm 20% do hiện tượng El Nino.

Trước tình trạng này, những người trồng cà phê đã phải nỗ lực lấp đầy khoảng trống. Ngoài hạn hán và lũ lụt, biến đổi khí hậu còn được cảm nhận theo những cách khác. Nhiệt độ cao làm gia tăng côn trùng gây hại và dịch bệnh, ảnh hưởng đến cả chất lượng và năng suất quả cà phê, ngay cả đất thích hợp cho canh tác cũng đang bị thu hẹp.

Theo World Coffee Research - tổ chức phi lợi nhuận chuyên về nghiên cứu và phát triển trong ngành cà phê, đến năm 2040, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê Robusta lên tới 35 triệu bao (60kg) do biến đổi khí hậu và xu hướng tiêu dùng.

Và đến năm 2050, một nửa diện tích đất phù hợp để trồng cà phê Arabica sẽ không còn hỗ trợ cho cây trồng, gây thêm áp lực lên sản lượng và giá cà phê.

Trong ngắn hạn, giá cao do nguồn cung thắt chặt sẽ mang lại lợi ích cho các nước trồng cà phê bằng cách tăng doanh thu xuất khẩu. Ví dụ, năm nay, Việt Nam có thể chứng kiến lần đầu tiên xuất khẩu cà phê đạt hơn 5 tỷ USD bởi nhu cầu mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sinh kế của từng hộ nông dân vẫn chưa chắc chắn và dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh và dịch bệnh cây trồng. Sự bùng phát bệnh gỉ sắt lá cà phê trên khắp châu Mỹ Latinh từ năm 2008 đến năm 2011 đã tàn phá mùa màng, xóa sổ ước tính 1/3 sản lượng cà phê ở Colombia.

Đối phó với tình trạng này, chính phủ Colombia đã thành lập cơ quan quản lý cà phê trung ương để giúp đỡ nông dân trồng cà phê và cung cấp cho họ giống cà phê chống bệnh gỉ sắt mới để trồng lại. Do đó, sản lượng cà phê của nước này đã phục hồi từ mức 8,5 triệu bao trong năm 2008 lên 14,5 triệu bao trong năm 2018.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên khắp khu vực Trung Mỹ từ năm 2011 đến năm 2013 khi bệnh gỉ sắt lá cà phê lan rộng khắp Honduras, Costa Rica, Nicaragua, El Salvador và Guatemala, khiến ít nhất 350.000 người mất việc làm và sản lượng cà phê quốc gia giảm từ 11% đến 70% trong năm.

Tiếp cận phương pháp canh tác bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu

Tiếp cận giải pháp để ứng phó với khủng hoảng khí hậu đang được rất nhiều quốc gia quan tâm. Một số nước, như Honduras, đã noi gương Colombia bằng cách thành lập cơ quan quản lý cà phê trung ương để cung cấp các khoản vay và hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, đồng thời bắt đầu trồng các giống cà phê kháng bệnh gỉ sắt.

Bên cạnh đó, những quốc gia khác, như El Salvador, cũng phân phối thuốc diệt nấm cho nông dân nhưng không thành lập cơ quan quản lý cà phê trung ương và tiếp tục phải gánh chịu tình trạng năng suất cây trồng giảm.

Vì vậy, vào cuối năm 2021, để ngăn chặn tình trạng suy thoái của ngành, chính phủ El Salvador đã công bố chương trình phục hồi khí hậu trị giá 400 triệu USD để triển khai 24 triệu cây cà phê kháng bệnh gỉ sắt. Và năm ngoái, El Salvador cuối cùng đã thành lập Viện Cà phê Salvador.

Cùng với những khó khăn về mùa màng phải đối mặt, các quốc gia Mỹ Latinh đã nêu bật tác động to lớn của biến đổi khí hậu đối với các nước đang phát triển, từ an ninh lương thực đến xuất khẩu nông sản và tác động không cân xứng đối với nông dân.

Nông dân sẽ ngày càng phải học cách thích ứng với các điều kiện canh tác thay đổi nhanh chóng, chẳng hạn như thực hiện các phương pháp bền vững hơn để đối phó với nhiệt độ tăng cao.

Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia phải có nền tảng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách học hỏi các nước đã đi trước. Đặc biệt, Australia có kinh nghiệm ứng phó với nhiệt độ cao hơn và điều kiện khô hạn trong sản xuất lúa mì. Từ năm 2007-2008 đến 2019-2020, công ty đã cố gắng cải thiện năng suất lúa mì thêm 14% thông qua những thay đổi về công nghệ và thực hành quản lý.

Bên cạnh đó, Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung, một cơ quan chính phủ Úc, còn đề xuất thêm rằng việc sử dụng các biện pháp thích ứng về kỹ thuật và quản lý trong hệ thống trồng trọt (dựa trên dự báo biến đổi khí hậu) để tăng năng suất khoảng 15%.

Ngoài ra, tác động liên tục của biến đổi khí hậu đối với cây cà phê cũng ảnh hưởng đến các nước nhập khẩu cà phê. Trong trường hợp khan hiếm nguồn cung ứng cà phê, các nhà nhập khẩu cà phê có thể cần tìm kiếm các nguồn thay thế hoặc các hiệp định thương mại để đảm bảo nguồn cung trong thời gian thiếu hụt.

Ở bối cảnh hiện tại, giá cà phê tăng vọt do hạn hán là tín hiệu rõ ràng của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cây trồng nói chung và tính dễ bị tổn thương của ngành trồng cà phê nói riêng, như đã thấy từ cuộc khủng hoảng bệnh gỉ sắt trên lá cà phê trong thập kỷ qua.

Với nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng, các bên liên quan, trong đó có Việt Nam đang hướng đến ưu tiên canh tác bền vững và các giải pháp đổi mới để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với nguồn cung cà phê và sinh kế./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ