• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các thay đổi đáng kể trong chính sách hạt nhân của Triều Tiên

Thế giới 19/04/2022 18:45

(Tổ Quốc) - Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lên tiếng sẽ tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ và lực lượng tác chiến hạt nhân của đất nước.

Thử nghiệm vũ khí hạt nhân

Ông Jeffrey Lewis, Giáo sư Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury cho rằng, Triều Tiên hiện tại đã sở hữu một số lượng nhỏ vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với Mỹ.

Các thay đổi đáng kể trong chính sách hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNBC

"Tôi cho rằng, người dân Triều Tiên thực sự và cơ bản muốn sở hữu một số lượng vũ khí hạt nhân lớn hơn để đối phó với lực lượng quân đội Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản", ông Jeffrey Lewis cho biết.

"Đây là một phần thay đổi đáng báo động trong cách tiếp cận vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và sự thay đổi này sẽ mang lại cơ hội cho Bình Nhưỡng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào, đặc biệt khi họ nghĩ rằng Triều Tiên sắp bị tấn công", ông Jeffrey Lewis – Giáo sư về kiểm soát vũ khí cho biết.

Các bình luận của Giáo sư Jeffrey Lewis diễn ra sau khi Triều Tiên thử nghiệm vụ thử tên lửa khác vào ngày 17/4.

"Người dân Triều Tiên thực sự đang muốn thay đổi chính sách hạt nhân", ông Lewis nhận định đồng thời nói rằng loại tên lửa mà nước này vừa thử nghiệm giống như "một biến thể khác" của tên lửa tầm ngắn và chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ có thêm nhiều vũ khí tương tự như vậy nữa trong tương lai.

Theo ông Lewis, Triều Tiên có thể đang chuẩn bị một vụ thử vũ khí hạt nhân sau hơn 4 năm kể từ lần cuối cùng vào năm 2017.

"Theo một nghĩa nào đó, Triều Tiên không hề cảm thấy bị ràng buộc bởi bất kỳ cam kết nào từng đưa ra vào giai đoạn ngoại giao năm 2018. Chúng tôi phát hiện Bình Nhưỡng đang tiếp tục triển khai rất nhiều hoạt động ở bãi thử hạt nhân", ông Lewis nhấn mạnh.

Trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ từng tham gia hai thượng đỉnh với Triều Tiên để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Vào thời điểm đó, Bình Nhưỡng đã đóng cửa các lối vào đường hầm thử hạt nhân. Tuy nhiên, theo ông Lewis, nhiều khả năng Bình Nhưỡng đã mở lại các lối ra vào này.

Các hình ảnh vệ tinh chụp lại trong tháng Ba phát hiện Triều Tiên đã khôi phục lại các bãi thử hạt nhân.

"Phụ thuộc vào ý định của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn khi nào thử nghiệm vũ khí hạt nhân", Giáo sư Lewis nhấn mạnh.

Mỹ sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng

Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên, ông Sung Kim ngày 18/4 cho rằng Washington và Seoul đã nhất trí sẽ có phản ứng mạnh mẽ nếu Triều Tiên triển khai các vụ thử tên lửa trong thời gian tới. Tuy nhiên, Washington khẳng định vẫn sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng.

Ông Sung Kim ngày 18/4 đã có chuyến bay đến Hàn Quốc sau khi Triều Tiên thực hiện thử nghiệm tên lửa kiểu mới trong đợt thử vũ khí thứ 13 trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng muốn tiếp tục tăng cường kho vũ khí và chỉ nhượng bộ nếu Washington nới lỏng các trừng phạt. Triều Tiên đã liên tục thử nghiệm vũ khí gần đây, bao gồm cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân nhằm vào Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Một số nhà quan sát lo ngại Triều Tiên có thể sớm tiến hành một vụ thử hạt nhân mới để tăng cường chiến dịch gây sức ép.

Ông Sung Kim khẳng định các đồng minh của Mỹ sẽ không đóng cửa ngoại giao với Triều Tiên và không có ý định thù địch với nước này, đồng thời lặp lại tuyên bố sẵn sàng quay lại đàm phán với Bình Nhưỡng "ở bất kỳ nơi nào và không cần điều kiện gì".

"Chúng tôi nhất trí có phản ứng mạnh mẽ đối với những hành vi gây bất ổn từ Triều Tiên", ông Sung Kim nói với báo chí sau cuộc gặp với lãnh đạo đồng cấp Hàn Quốc. "Chúng tôi cũng nhất trí sẽ duy trì khả năng răn đe chung mạnh mẽ nhất trên bán đảo Triều Tiên"

Đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, ông Noh Kyu-duk cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục có thêm động thái làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời kêu gọi nước này quay lại bàn đàm phán.

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn từ chối cách tiếp cận ngoại giao của Mỹ và khẳng định Washington trước tiên phải từ bỏ chính sách thù địch và sau đó Bình Nhưỡng sẽ quay lại đàm phán. Một số chuyên gia nhận định Triều Tiên cũng mong muốn Mỹ sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt hoặc đình chỉ các cuộc tập trận quân sự thường niên với Hàn Quốc.

Sáng ngày 18/4, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận chỉ huy mô phỏng trên máy tính. Triều Tiên trước đây thường phản ứng với các cuộc tập trận như vậy bằng các vụ thử tên lửa.

Trước đó, ngày 17/4, Triều Tiên cho biết đã thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật mới nhằm nâng cao khả năng chiến đấu vũ khí hạt nhân của nước này. Một số nhà phân tích khẳng định loại vũ khí này được xem như một tên lửa đạn đạo tầm ngắn gắn đầu đạn hạt nhân chiến thuật và có thể nhắm mục tiêu vào Hàn Quốc. Trong tháng trước, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm vụ thử tên lửa tầm xa đầu tiên kể từ năm 2017.

Đến nay, chính sách ngoại giao do Mỹ dẫn đầu nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân để đổi lại các biện pháp nới lỏng trừng phạt từ Washington vẫn đang bế tắc kể từ năm 2019./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ