• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách Triều Tiên khống chế dịch bệnh giữa nguy cơ bùng phát mạnh

Thế giới 17/05/2022 19:59

(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể phải đưa ra các định hướng mới trong nỗ lực chống dịch bệnh khi số ca mắc và tử vong tăng mạnh

Dịch bệnh bùng phát tại Triều Tiên

Trong hơn một thập kỷ lãnh đạo Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un luôn duy trì chính sách "tự lực cánh sinh" nhằm giảm đi sự giúp đỡ của quốc tế. Ông Kim luôn thúc đẩy các chính sách phát triển trong nước nhằm hồi phục kinh tế bị tác động mạnh mẽ từ trừng phạt bên ngoài.

Cách Triều Tiên khống chế dịch bệnh giữa nguy cơ bùng phát mạnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng trăm nghìn người dân Triều Tiên mắc bệnh, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể phải đưa ra lựa chọn mới để kiềm chế sự gia tăng số ca mắc và tử vong.

"Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đối mặt với giai đoạn khó khăn lớn bởi dịch bệnh. Vậy ông Kim sẽ đưa ra lựa chọn nào trong thời gian tới để khống chế dịch bệnh?", Giáo sư Lim Eul-chul tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Seoul cho biết.

Theo AP, kể từ khi Triều Tiên ghi nhận đợt dịch bùng phát Covid-19 vào tuần trước, Triều Tiên thông báo nước này chứng kiến "một cơn sốt lây lan rộng" khiến 56 người tử vong và khoảng 1,5 triệu người khác bị ốm, điển hình là sốt cao. Hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng tất cả các ca mắc và tử vong đều có thể do Covid-19 bùng phát.

Khi hãng thống tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên dẫn tin nhiều người đã bị ốm, các chuyên gia dự báo đợt dịch bùng phát có thể còn tồi tệ hơn gấp nhiều lần ghi nhận từ phía Bình Nhưỡng. Hệ thống y tế Triều Tiên hiện không đáp ứng đủ các xét nghiệm đối với Covid-19, vì vậy số ca mắc không thể phát hiện và thông báo sớm. Giới quan sát nhận định số ca tử vong mà nước này công bố được xem là thấp đối với một quốc gia 26 triệu dân và hầu hết không được tiêm chủng cũng như đối mặt với tình trạng khan hiếm thuốc men.

Nguồn lây lan

Ông Nam Sung-wook, Giáo sư Đại học Hàn Quốc cho rằng các báo cáo đều thiếu rõ ràng về số ca tử vong thực tế ở Triều Tiên.

Theo một số nhà quan sát, đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần này có thể liên quan đến cuộc duyệt binh lớn ở Bình Nhưỡng vào cuối tháng Tư. Cuộc duyệt binh quy mô lớn thu hút hàng chục nghìn binh sĩ và người dân tập trung lại. Hầu hết mọi người tham gia đều không đeo khẩu trang. Các bức ảnh đều thấy sự tham gia của hàng chục hoặc hàng trăm người.

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc Triều Tiên tiếp tục tăng cường các quy định hạn chế về di chuyển và kiểm dịch có thể ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp ở nước này. Nền kinh tế vốn dĩ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau hai năm đóng cửa biên giới và hiện tại tiếp tục đối mặt với rủi ro lớn vì dịch bệnh bùng phát.

Ông Yang Moon-jin, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên của Đại học Seoul cho rằng Bình Nhưỡng cũng lo lắng về tình trạng thiếu nguồn cung y tế. Trong khi đó, thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày cũng gần như cạn kiệt ở các khu chợ trong thời gian biên giới đóng cửa.

"Người dân Triều Tiên có thể tiếp tục trải qua hành trình khó khăn khác trong thời gian tới", ông Yang nói đồng thời nhắc đến nạn đói kinh hoàng vào những năm 1990 khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.

Triều Tiên có tiếp nhận viện trợ?

Theo hãng AP, nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước đó đã từ chối hàng triệu liều vaccine do chương trình COVAX của Liên hợp quốc hỗ trợ. Tuy nhiên, thời điểm đó dịch bệnh có thể chưa bùng phát ở nước này. Sau khi Triều Tiên thừa nhận bùng phát dịch bệnh vào tuần trước, Hàn Quốc và Trung Quốc đã đề nghị gửi vaccine, thuốc men và các vật tư y tế khác tới Bình Nhưỡng. Mỹ cho biết sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực viện trợ quốc tế tới Bình Nhưỡng mặc dù hiện tại Washington chưa có kế hoạch chia sẻ nguồn cung cấp vaccine với nước này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhiều lần ca ngợi đất nước "bất khả xâm phạm" trước đại dịch trong suốt hai năm qua. Vào ngày 14/5, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đối mặt với "biến động lớn" và các quan chức phải nghiên cứu cách Trung Quốc – đồng minh lớn duy nhất của đất nước đang đối phó với đại dịch.

Giáo sư Nam Sung-wook cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un có khả năng sẽ nhận lô hàng viện trợ từ Trung Quốc vào thời gian tới.

Theo nhà phân tích Seo Yu-Seok tại Viện nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Bình Nhưỡng có thể chỉ chấp nhận viện trợ từ Trung Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Cho Han Bum, nhà phân tích tại Viện thống nhất quốc gia Hàn Quốc khẳng định Bình Nhưỡng có thể tìm đến nguồn vaccine từ Hàn Quốc. Các chuyến hàng vận chuyển từ Hàn Quốc vào Triều Tiên cũng nhanh hơn.

Về chương trình viện trợ, một số chuyên gia nhấn mạnh đây là thời điểm quá muộn để chỉ gửi vaccine. Những gì Triều Tiên cần lúc này là thuốc hạ sốt, bộ xét nghiệm, khẩu trang và các vật dụng hàng ngày khác.

"Bởi quá trình kiểm soát virus đối với dân số chưa tiêm chủng là điều phi thực tế nên mục đích chính hiện tại là cung cấp vaccine chỉ để giảm tử vong ở những nhóm có nguy cơ cao, bao gồm cả người cao tuổi và người có bệnh lý nền", ông Jung Jae-hung, Giáo sư y tế dự phòng tại Đai học Gachon của Hàn Quốc cho biết.

"Việc đối phó với Covid-19 đòi hỏi năng lực toàn diện của cả nước, bao gồm xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng. Vấn đề không thể được giải quyết nếu chỉ chờ đợi từ bên ngoài", ông Jung nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ