(Tổ Quốc) - Việc NATO cải tổ cơ chế hoạt động được đánh giá là sẽ phá hủy cơ hội hàn gắn quan hệ của phương Tây với Nga.
Hãng tin Nga Sputnik dẫn lời một số nhà phân tích nhận định, cơ cấu bộ chỉ huy mới cải tổ và tái sắp xếp lại của NATO sẽ ngăn cản việc Mỹ và các nước phương Tây giảm căng thẳng và cải thiện mối quan hệ với Nga.
Tuần trước, trong một cuộc họp báo diễn ra sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo rằng, các nước thành viên NATO đã thống nhất một cơ cấu chỉ huy mới, nhằm cải thiện khả năng của Liên minh này trong việc điều chuyển các lực lượng quân sự trên khắp Châu Âu. Theo ông Stoltenberg, hệ thống bộ chỉ huy mới sẽ giúp tăng cường năng lực tăng viện cho các mặt trận của NATO một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Tại Hội nghị trên, các quan chức quốc phòng của Liên minh quân sự đã cam kết thiết lập một sở chỉ huy để giảm thiểu các rào cản được cho là đã hạn chế việc quân đội NATO được triển khai nhanh chóng trên toàn châu Âu trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Họ cũng cho biết các vũ khí an ninh mạng hiện tại sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hoạch định chính sách của NATO so với súng và xe tăng.
Cụ thể hơn, các quốc gia thành viên NATO đã thống nhất thành lập hai bộ chỉ huy khu vực mới, là Bộ chỉ huy Đại Tây Dương và Bộ chỉ huy hậu cần – nâng số lượng bộ chỉ huy NATO hiện tại lên con số 9. Chưa có quyết định về số lượng nhân viên hoặc nơi đặt trụ sở các bộ chỉ huy mới, mặc dù Đức và Ba Lan thường là nơi được lựa chọn cho các Bộ tư lệnh hậu cần và Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ và Pháp là nơi được “ưa chuộng” cho các căn cứ tập trung vào đại dương.
Động thái trên diễn ra vào thời điểm sự hiện diện quân sự của NATO tại Đông Âu ngày càng được mở rộng kể từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình.
Cờ của các nước NATO tung bay trong một buổi lễ tại trụ sở chính của NATO ở Brussels tháng 5/2017 (ảnh: Reuters) |
Giáo sư về Quan hệ Quốc tế của Đại học Pittsburgh Michael Brenner phân tích, việc cải tổ cơ chế hoạt động của NATO gần như chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn những căng thẳng, cũng như giảm đi khả năng cải thiện quan hệ ngoại giao giữa các bên liên quan.
“Hệ quả quan trọng hơn chính là quan hệ với Nga sẽ bị xấu đi, tăng nguy cơ xung đột một cách không chủ ý, và làm mất đi cơ hội phát triển một mối quan hệ chấp nhận được với Moscow,” Giáo sư Brennan nói.
Theo ông, tại Ukraine, một số chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã ép chính phủ nước này thực hiện một chính sách tăng cường đối đầu với Nga.
Brennan khuyến cáo, các quốc gia Tây Âu đang tự để mình bị cuốn theo thứ ý thức hệ đang thống trị chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay, và họ cần phải đánh giá lại các lợi ích quốc gia của mình ngay trước những áp lực đó.
“Đối với các nước Tây Âu, thách thức đối với họ là ngoại giao – không phải là quân sự: Họ phải tìm được sự dũng cảm và sự thận trọng để đối mặt với Mỹ và ngăn chặn việc tiến tới một cuộc Chiến tranh lạnh mới,” ông Brenna nói.
Tuy nhiên, theo ngài Giáo sư, giới lãnh đạo của các nước Tây Âu lớn chưa thể hoặc không muốn đối mặt với Washington; thay vào đó, họ để mình bị cuốn theo những chính sách thù địch với Nga.
“Họ thiếu cảm giác chiến lược và sự thống nhất để làm điều đó. Vì vậy, họ đề xuất những kế hoạch tăng cường lực lượng mà sẽ không bao giờ trở thành sự thực, nhằm đối phó với một mối đe dọa không có thực,” ông Brennan khẳng định.
Ông đánh giá, các chính sách có bề ngoài cứng rắn và cương quyết của NATO – mà cơ cấu chỉ huy mới là một ví dụ - thiếu tính cụ thể và thực tế, vì vậy chúng không thể thay đổi được điều gì, ngoại trừ tạo ra những căng thẳng mới cho mối quan hệ hiện tại giữa Đông và Tây Âu.
“Về tính thực tế, hiệu quả cuối cùng của các sáng kiến này là không,” ngài Giáo sư kết luận.
Giáo sư triết học của Đại học Louvain kiêm nhà bình luận chính trị Jean Bricmont chia sẻ với Sputnik, cơ chế hoạt động mới của NATO sẽ khiến căng thẳng leo thang và ngăn cản các nỗ lực nhằm giải quyết chúng.
“Nếu mọi người thực sự quan tâm đến ‘các bài học trong lịch sử’ – điều mà tôi cho rằng, họ cần phải làm trước tiên… là phản đối việc gia tăng quân sự và thay vào đó là theo đuổi ngoại giao,” Giáo sư Bricmont nhận định.
Moscow từ lâu đã kiên liên tục phản đối việc NATO gia tăng hiện diện quân sự và cho rằng, động thái này sẽ phá hoại ổn định khu vực, đồng thời dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới. Tuy nhiên, liên minh này vẫn quyết định thông qua việc gửi bốn tiểu đoàn lính đa quốc gia đến bốn nước vùng Baltic, bao gồm Lithuania, Latvia, Estonia và Ba Lan – vào năm 2018.
(Theo Sputnik)